“Cơ quan cạnh tranh thuộc bộ chủ quản thì lấy đâu ra cạnh tranh?"
Tại hội thảo về nâng cao năng lực cạnh tranh do VCCI tổ chức sáng 19/3, ông Vũ Tiến Lộc nêu quan điểm: chỉ khi nào tác Cục Quản lý cạnh tranh ra khỏi bộ chủ quản lúc đó những phán xét của cơ quan này mới mang tính độc lập thực sự.
Theo ông Lộc, trong 2 năm qua một số cải cách về thủ tục hành chính, thuế, hải quan đã có kết quả đáng ghi nhận. Nhưng trong khi Việt Nam tăng tốc thì các nước khác cũng đột phá, nghĩa là những nỗ lực của Việt Nam cần cải thiện hơn trong thời gian tới.
“Chính phủ phải đóng vai trò kiến tạo và DN là lực lượng chủ lực trong việc xây dựng năng lực cạnh tranh quốc gia”- ông Lộc quả quyết.
Ông Vũ Tiến Lộc: Không thể để một cơ quan "đấu tranh" cho cạnh tranh của DN lại trực thuộc một bộ chủ quản sở hữu quá nhiều DN lớn, độc quyền |
Trên cơ sở đó, bên cạnh những bộ luật đã được sửa đổi và ban hành mới như Luật Đầu tư, Luật DN… thì cũng có những luật khác tác động trực tiếp tới DN là Luật Cạnh tranh cần rà soát, xem xét chỉnh sửa cho đúng với tinh thần Hiến pháp 2013.
Nói riêng về cơ quan quản lý cạnh tranh, ông Lộc nhấn mạnh, cơ quan này mà cụ thể là Cục Quản lý Cạnh tranh hiện nay phải được tách ra khỏi Bộ Công thương. Lập luận được vị Chủ tịch VCCI đưa ra là, hiện Bộ Công thương đang sở hữu rất nhiều DNNN ở vị thế độc quyền, có quy mô lớn có khả năng dẫn tới độc quyền.
“Nếu một Cục đặt trong Bộ mà Bộ đó quản lý các DN có nguy cơ độc quyền cao thì trong phán xử của Cục Quản lý cạnh tranh sẽ không khách quan. Một ông Bộ trưởng vừa điều hành đảm bảo cạnh tranh bình đẳng, vừa phải quan tâm tới DN mà mình sở hữu, là bài toàn khó cho bất kỳ ông Bộ trưởng nào. Vì thế, cơ quan quản lý cạnh tranh phải là một cơ quan độc lập, không gắn liền với một bộ quản lý nào, đặc biệt lại là bộ quản lý DNNN lớn, độc quyền”- ông Lộc nói.
Chỉ thêm về mối quan hệ giữa các đơn vị trong Bộ Công thương khiến cho sự việc trở nên thiếu khách quan, TS. Lê Đăng Doanh nêu: muốn có thị trường hay những chính sách thúc đẩy cạnh tranh thì cơ quan quản lý lĩnh vực này là Cục Quản lý cạnh tranh phải có vị thế độc lập.
“Chứ như hiện nay, đơn cử với giá điện đòi hỏi phải minh bạch, có sự cạnh tranh nhưng ông Cục trưởng tại đây lại dưới quyền một Thứ trưởng, mà vị này lại là người từng được điều về làm lãnh đạo EVN… thì làm sao mà khách quan được”, TS. Doanh bày tỏ.
Thực tế vấn đề phải tách cơ quan quản lý cạnh tranh ra khỏi bộ chủ quản đã được nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển nhắc tới khi tham dự một cuộc tọa đàm gần đây tại Viện Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM). Ông Tuyển giải thích, tại thời điểm còn làm Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) chính bản thân ông đã nhìn ra hạn chế của Cục Quản lý Cạnh tranh. Tuy nhiên, ở thời điểm đó chưa thể đưa cơ quan này ra khỏi Bộ vì chính sách của Chính phủ là phải hạn chế “đẻ thêm Cục, Tổng Cục rồi Bộ mới”.
“Có những điều đã nói từ lâu nhưng không làm được. Việt Nam đang tiến hành rất chậm tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nhưng vẫn còn giữ kiểu quản lý hiện nay sẽ vô phương. Quan trọng nhất là cải cách thể chế, tạo ra một thể chế thị trường, cạnh tranh mới”- nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại lên tiếng.