Có nhiều cách trách phạt, sao lại bắt học trò phải quỳ?
Hình ảnh cô giáo phạt học sinh gây tranh cãi |
Liên quan đến Vụ cô giáo bắt học sinh quỳ, Infonet đã nhận được rất nhiều ý kiến của bạn đọc, nhiều ý kiến đứng về phía cô giáo, cho rằng đình chỉ cô giáo 1 tuần là một hình phạt nặng với cô, cô phạt trò do muốn học trò thay đổi, tốt lên. Họ cho rằng ngày trước họ đi học bị thầy cô phạt là chuyện bình thường, thậm chí nhờ đó mà trở thành người tử tế. Sau này trưởng thành họ vẫn nhớ về những trận đòn và biết ơn thầy cô.
Một bạn đọc chia sẻ: “Bản thân tôi cũng từng là học sinh, ngày xưa khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi là cậu bé nghịch ngợm nhất nhì trong lớp. Đủ cả các vi phạm như đánh bạn, không làm bài tập, nói chuyện riêng, trốn học, bỏ tiết đi chơi thậm chí con mang sâu róm để lên ghế giáo viên.
Sau mỗi lần như vậy tôi đều bị thấy giáo đánh cho một trận “tới số”, đánh bằng thước có, quỳ có, úp mặt vào tường có…đủ cả các loại hình phạt. Thầy tôi luôn có một cây thước lim kẹp dưới nách, ai vi phạm là “ăn thước” ngay. Chính nhờ những trận đòn ấy của thầy mà tôi mới nhận thức được mình đang sai và mới “nên người” như bây giờ. Thực sự giờ đây mỗi lần về thăm thấy, tôi đều cảm ơn những trận đòn ấy của thầy.
Quay trở lại vụ cô giáo Lê Thị Quy – giáo viên lớp 9B trường Tiểu học Tô Hiệu (Thường Tín, Hà Nội) bị đình chỉ công tác một tuần vì bắt học sinh quỳ khi học sinh nói chuyện. Tôi nói thật, hình phạt ấy là quá nặng với giáo viên.
Cô giáo phạt học sinh vì sao? Vì muốn các em nên người chứ không muốn các em thành hư hỏng. Việc đình chỉ công tác 1 tuần của giáo viên không khác gì cú tát mạnh vào cô giáo, buộc cô giáo phải cúi đầu trước học sinh.
Học sinh của chúng ta được bố mẹ nuông chiều quá, con điểm thấp là do cô trình độ kém, con đánh nhau là do thầy quản lý kém, cô phạt con thì phụ huynh cho là “cô không có quyền làm vậy”…Dần dần để bảo vệ mình thầy cô cũng không muốn làm gì học sinh nữa, kệ, để chúng “muốn ra sao thì ra?".
Thầy cô giờ đây bị tước hết mọi quyền lực, phải dạy cho tốt nhưng lại không được dùng hình phạt mà chỉ được phép “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên”. Vậy thì những đứa trẻ làm sao mà tiến bộ được?”.
Bạn đọc Trần Gian cho rằng: "Phải có qui định phạt học sinh thì sau này mới nên người, có ích cho xã hội, chuyện học sinh sai phạm, phạt quỳ có gì là nghiêm trọng, theo tôi phải bắt quỳ lên xơ mít, trước đây chúng tôi đi học sai phạm, thầy cô bắt quỳ là chuyện bình thường chẳng thấy việc đó là xấu, sau này cảm thấy nhờ thầy nghiêm khắc mà cuộc đời mình có nề nếp."
Trái lại quan điểm trên, một luồng ý kiến khác cho rằng, bắt học sinh quỳ là việc làm xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của học sinh và giáo viên không được phép làm.
Một bạn đọc khác cho rằng: " Kiểu phạt như vậy là một dạng của hành vi bạo lực và làm nhục người khác. Không cho các cháu vào học, không báo cho gia đình thử hỏi các cháu lang thang ngoài đường gặp chuyện không may thì sao?"
Bạn đọc Lê Quang Lịch chia sẻ: "Giáo dục kiểu gì vậy, thiếu gì cách phạt học sinh như bắt chép bài không học đó nhiều lần đến khi mỏi tay hoặc thuộc hẳn, hoặc đọc đi đọc lại nhiều lần cho thuộc, sao lại bắt quỳ. Tôi cũng là giảng viên, sinh viên không thuộc bài, tôi bắt đọc nhiều lần cho nhớ, hôm sau kiểm tra lại, nhiều lần như vậy là sinh viên phải học bài, đừng làm điều gì xúc phạm đến các em."
Chia sẻ về vấn đề này, bà Lê Thị Loan - nguyên Phó trưởng khoa Giáo dục - Học viện Quản lý Giáo dục cho rằng có nhiều cách trách phạt nhưng không được dùng biện pháp xúc phạm thân thể, danh dự, nhân phẩm học trò.
Cô giáo yêu cầu học sinh quỳ có thể gây ảnh hưởng sức khỏe, danh dự của em đó. Đây được coi là hình phạt nặng và phản giáo dục. Bởi lẽ, học sinh lớp 9 ở lứa tuổi nhạy cảm, đã biết mình cần được tôn trọng, có thể diện trước các bạn trong lớp.
Đó là chưa kể hành vi bắt học sinh quỳ gối đã xâm hại quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm của con người, làm mất quyền học tập của các em. Đó là phương pháp trái quy tắc, đạo đức nghề nhà giáo, bà Loan nêu quan điểm.