Có một thôn Bắc Thái ở Chư Prông
Có một thôn Bắc Thái ở Chư Prông
Phụ nữ thôn Bắc Thái vui bên khung dệt
Bắc Thái trên... "đất khách"
Đã 58 tuổi rồi nhưng Ma Văn Tiến (dân tộc Dao) vẫn cường tráng và nhanh nhẹn. Ngôi nhà sàn của ông bằng gỗ lợp ngói cao, chắc chắn và rộng rãi. Trưởng thôn mời khách xếp bằng trên sàn gỗ mát lạnh và bóng loáng, ngay bên cạnh cửa sổ thật to và lộng gió.
Vừa dứt tuần trà đầu tiên, tuần trà được xem là rất điệu nghệ của người Bắc Thái, thì ông hì hà mà rằng: Ông rời quê hương Võ Nhai vào tận rừng sâu Ia Lâu lập nghiệp từ năm 1997. Mà chả phải ông là người đầu tiên “xung phong” lên vùng đất Tây Nguyên này. Bởi trước đấy, năm 1991 đã có 12 hộ từ Võ Nhai “mở đường” vào Ia Lâu làm ăn sinh sống, đánh thức vùng đất khó miền biên ải gần như “nằm im bất động” trong một thời gian dài sau ngày đất nước giải phóng.
Với kinh nghiệm sản xuất và thâm canh sẵn có, họ trồng cây gì trên vùng đất bazan bằng phẳng, rộng rãi và màu mỡ cũng xanh tốt, con gì nuôi cũng chóng lớn. Chỉ vài vụ sản xuất, nhà nào cũng có của ăn của để. Khẳng định đây là vùng “đất lành, chim đậu”, thế là họ tìm cách vận động, liên lạc về quê mẹ. Vậy là họ hàng của 12 hộ này, rồi người làng, người xã, người huyện… cũng ới nhau vào đây.
Ma Văn Tiến thuộc típ người hoạt khẩu, nhiệt tình và lanh lẹ. Ông cứ nói vanh vách như đã được sắp sẵn trong đầu, chẳng cần sách vở gì cả. Này nhé, 217 hộ kia (với 947 nhân khẩu, vừa hoàn thành việc tổng điều tra dân số và nhà ở) đều từ đất Bắc Thái chuyển vào theo diện di cư tự do, chủ yếu là dân huyện Võ Nhai. Ngày thành lập thôn, dân trong thôn đề nghị xã cho dân được chọn tên để từ đó, xã Ia Lâu có thêm một thôn mới, với tên gọi: Bắc Thái!
Trưởng thôn Ma Văn Tiến
Thay da đổi thịt
Trên vùng đất Ia Lâu này, thôn Bắc Thái đang ngày càng “thay da đổi thịt”. Cả thôn có gần 40 ha lúa nước 2 vụ (lúa đông xuân), đủ gạo ăn quanh năm. Nếu vụ đông xuân đủ gạo ăn quanh năm thì vụ mùa mới là vụ thu nhập chính của người dân Bắc Thái nơi đây với gần trăm hecta các loại cây trồng như: ngô, khoai, đậu đỗ các loại…
Năng suất cây lúa nước đạt cao nhất vùng Ia Lâu, bình quân từ 4-5 tấn/ha/vụ… Những vật dụng trong nhà như ti vi, đầu máy… rồi xe máy cùng các điều kiện sinh hoạt đắt tiền khác đều từ vụ mùa mà ra. Chưa hết, cả thôn đều có nhà sàn bằng gỗ lợp ngói. Mùa vụ mà ra đấy!
Đất đai ở đây rộng rãi, bằng phẳng, màu mỡ đến mát cả mắt mà người dân lại thưa thớt. Hạt giống nào xuống đất cũng đều nảy mầm, mọc cây xanh tốt có cần chi phân bón. Gia đình tôi đây này, 4 người tất cả, 2 vợ chồng, 2 đứa con thế nhưng ở quê có đủ sống đâu, dẫu rằng ở trên diện tích 4.000 m2 đất trồng lúa một vụ. Vậy mà vào đây, tôi lại may mắn sở hữu hơn 8.000 m2 đất trồng lúa nước 2 vụ, chưa kể vườn tược quá ư rộng rãi, trồng đầy cây ăn trái, rồi chăn nuôi cả đàn heo, gà, ngan…
Ổn định đời sống
Đến nay cả thôn Bắc Thái không có hộ nào là hộ đói. Trong năm bà con đã dành một vụ lúa để ăn, còn lại một vụ đem bán với sản lượng gần 200 tấn. Thêm vào đó là thu nhập từ các loại cây trồng và vật nuôi khác nên hộ nào cũng có dư giả.
“Tỉ phú” giàu nhất làng chính là ông Trần Tiến, ấy cũng bởi ngoài lúa nước, vườn cây ăn trái, ông còn có cả đàn bò trên 200 con. Nhìn ngôi biệt thự sang trọng của ông nằm chễm chệ giữa làng, ai nấy cũng trầm trồ, chưa kể chiếc xe du lịch đời mới thật bóng loáng nằm lấp ló dưới bóng mát của cây xoài. Chà, kể sao cho hết sự giàu có của ông đây?
Bây giờ nhìn lại Bắc Thái thật lắm đỗi sự ngạc nhiên. Như cái nhà 2 vợ chồng Vi Văn Manh, chỉ mới vừa “nhập cư” nơi đây chẳn chòi 3 tháng, thế mà đã có đất sản xuất rồi đấy. Rồi có cả nhà sàn làm bằng gỗ ngói thật kiên cố, có xe máy nữa kìa, dĩ nhiên là có sự trợ giúp của bà con trong thôn.
Chính quyền địa phương cũng rất quan tâm đến đời sống của 217 hộ dân Bắc Thái như các làng đồng bào J’rai ở đây vậy. Thôn đã có điện thắp sáng về đến tận nơi. Trạm y tế đã có bác sĩ, đồng bào ốm đau được điều trị miễn phí. Đường làng rộng rãi cho ô tô, xe máy cày, máy kéo vào đến tận gầm nhà sàn.
Một góc thôn Bắc Thái hôm nay
Rồi bưu điện văn hóa xã, hệ thống nước sạch…! Trẻ con trong thôn đến tuổi đều được đến trường. Cả thôn có 20 cháu học mẫu giáo, khoảng 200 học sinh cấp 1 và cấp 2. Ngoài ra còn có 20 học sinh cấp 3 và 18 em đang theo học các trường đại học trong nước. Nhiều em đã tốt nghiệp ĐH và quay về công tác ở xã Ia Lâu.
Đã thăm Bắc Thái thì đi cho trót, bởi thế chúng tôi lại theo chân người làng ra Nhà văn hóa cộng đồng xã Ia Lâu. Ở đấy đang nghẹt kín người. Thì ra, hôm nay HTX công nông thương Ia Lâu phối hợp với Trung tâm khuyến công và xúc tiến thương mại tỉnh Gia Lai tổ chức lớp đào tạo nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ mây tre lá cho đồng bào ở thôn Bắc Thái.
Bà con đồng bào rất chăm chú và miệt mài, dẫu hãy còn tỏ ra lúng túng trước các sản phẩm đòi hỏi phải có sự tỉ mỉ, khéo léo của đôi tay. Bà Ma Thị Hiên (65 tuổi) cho hay: “Mình già rồi, không đủ sức ra đồng nữa nên ở nhà trông cháu cho các con yên tâm đi làm. Nhưng là người lao động chân tay quen rồi, lúc rãnh rỗi thì chân tay lóng ngóng cũng buồn. Vậy là mình quyết tâm tham gia lớp học này. Lúng túng lại hay quên nữa. Nhưng giờ nhớ và làm được rồi. Nhờ các chị trong hợp tác xã giúp đỡ đấy!”.
Hòa nhập, đoàn kết cộng đồng
Ông Bằng (nguyên Chánh văn phòng UBND xã Ia Lâu) vui lắm khi thấy các cụ già, em nhỏ trong thôn Bắc Thái đều có thể làm thành những sản phẩm mỹ nghệ có nguyên liệu lá cọ ở địa phương. Ông nói: “Người Bắc Thái ai cũng chịu khó và biết cách làm ăn, nhờ đó mà kinh tế nhà nào cũng ổn định và chắc chắn. Nói thật, nhiều làng J’rai trong xã vùng sâu Ia Lâu này cũng đã học hỏi được cách làm của nhân dân Bắc Thái!”.
Trưởng làng Dut – ông Siu Kim (người J’rai) đã thừa nhận: “Dân Bắc Thái không chỉ làm giàu cho riêng mình mà còn giúp đỡ bà con đồng bào thiểu số trong vùng biết cách làm ăn, xây dựng cuộc sống mới. Vì lẽ đó, tôi thường động viên bà con làng mình sang học hỏi cách làm ăn của anh em thôn Bắc Thái.
"Nhờ đó mà bà con cũng đã biết cách làm lúa nước, biết làm vườn và chăn nuôi gia súc có hiệu quả đấy! Mối đoàn kết giữa các dân tộc nơi đây ngày càng khắng khít và bền vững, người J’rai và người Dao như thể tay với chân ruột thịt, cùng chung sống dưới mái nhà vùng rừng nơi biên giới. Điều đó đáng mừng lắm thay!”, ông Siu Kim tiếp lời.
Niềm vui như nối tiếp niềm vui khi bà con thôn Bắc Thái và người dân hai xã Ia Lâu, Ia Mơ chứng kiến công trình thủy lợi Ia Mơ đã chính thức khởi công 2 hợp phần: Hồ chứa nước Plei Pai và đập dâng Ia Lốp. Mặc dù nhiều hộ dân thôn Bắc Thái, làng Dut xã Ia Lâu và một số xã khác phải trả lại đất, phải di dời để thi công công trình, nhưng họ vẫn rất vui vẻ với suy nghĩ: Thủy lợi về sẽ làm được lúa nước 2 vụ, sẽ mở rộng diện tích để trồng đậu, trồng ngô…, lúc đó đời sống sẽ khá thêm hơn nhiều!
Phóng sự của THU HIỀN – TRẦN LÂM