Cơ hội để Đà Nẵng hình thành khu cắm trại quốc tế ở ven biển đã đến?
Sự “biến mất” của khu cắm trại “cả nước không có cái thứ hai”!
Hai thập kỷ 1980 – 2000, Đà Nẵng nổi tiếng cả nước là “thiên đường cắm trại” cho thanh thiếu nhi (TTN), nhất là ở các bãi biển với rừng dương ngút ngàn từ Thọ Quang đến Non Nước. Trong đó nổi bật nhất là trại hè “Khăn quàng đỏ” do Thành Đoàn Đà Nẵng (cũ) tổ chức ở khu vực Sao Biển, thu hút hàng chục ngàn thanh thiếu nhi (TTN) tham dự. Trại hè kéo dài suốt cả tháng, mỗi đợt có 3 – 4 phường đưa TTN đến dự trại 3 ngày, rồi lại đến 3 – 4 phường khác.
Những rừng dươngThọ Quang, Mân Thái, Mỹ Khê, Sao Biển, Non Nước, Xuân Thiều… từng là nơi cắm trại lý tưởng của thanh thiếu nhi Đà Nẵng (Ảnh: HC, chụp lại từ ảnh tư liệu cách đây gần 20 năm) |
Ông Nguyễn Hữu Chiến, nguyên Phó giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao, nguyên Phó Bí thư Thành Đoàn (cũ) và là người phụ trách trại hè “Khăn quàng đỏ” khẳng định: “Cả nước làm gì có cái thứ hai, dễ gì làm được, chỉ Đà Nẵng chứ không nơi nào tổ chức được khu trại hè như thế cả. Mỗi đợt trại hơn 1.000 TTN, mỗi tháng có hàng chục đợt nhưng không tốn tiền Nhà nước gì hết. Mà rõ ràng chương trình tốt quá đi chứ, có tính giáo dục chu đáo. 20 năm lại đây làm gì có được những chương trình như thế. Hoàn toàn cả nước không có đâu!”.
Và không chỉ trại hè “Khăn quàng đỏ” mà các cuộc trại cho cán bộ Đoàn – Hội, thanh niên các tỉnh, thành trong cả nước, các đêm lửa trại chào đón hàng ngàn bạn trẻ trên tàu Hòa Bình (Peace Boat – Nhật Bản), tàu Thanh niên Đông Nam Á đến thăm Đà Nẵng do Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh QN-ĐN, sau này là Hội LHTN TP Đà Nẵng tổ chức ở rừng dương Non Nước cũng đem lại nhiều tiếng vang và ấn tượng rất tốt đẹp cho bạn bè trong nước và quốc tế…
Một trong những nguyên nhân chính giúp trại hè có thể kéo dài liên tục ở bờ biển này chính là nhờ có... những rừng dương đầy bóng mát. Mỗi đợt đến dự trại, ngoài các hoạt động trại, TTN Đà Nẵng còn tham gia trồng cây ven biển. Phong trào này cũng được Thành Đoàn Đà Nẵng phát động rộng khắp trong các cấp Đoàn, Đội cơ quan, trường học, địa phương trên địa bàn. Chỉ là cây dương, cây điều... và cũng không được quy hoạch gì cả, nhưng bằng nhiệt tình của tuổi trẻ, những rừng cây cứ dài, rộng ra, đưa bóng mát phủ khắp bờ biển này...
Thế nhưng khi Đà Nẵng mở tuyến đường ven biển Sơn Trà – Điện Ngọc (nay là đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Trường Sa) hồi năm 2002 thì việc chặt phá rừng dương cũng xảy ra. Khi đó tôi đã viết bài “Thảm sát cây xanh ven biển Sơn Trà – Điện Ngọc” đăng trên báo VietNamNet, cảnh báo nguy cơ những rừng dương dọc tuyến ven biển Đà Nẵng sẽ bị xóa sổ, nhưng lời cảnh báo không được ai đoái hoài. Hậu quả là rừng dương bị xóa sổ thật, chỉ để lại bao hoài niệm và những bãi cát trắng khô khốc!
Không còn rừng dương, bờ kè đường Hoàng Sa bị sóng biển xâm thực, xói lở hết lần này đến lần khác. Mỗi lần có bão thì cát biển lại tràn lên mặt đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Trường Sa. Còn vào những ngày hè, chạy xe trên tuyến đường ven biển, gặp cơn gió lớn là cát thốc vào mặt rất nguy hiểm. Và đặc biệt, bây giờ TTN Đà Nẵng muốn tìm lại cảm giác vui đời sống trại dưới bóng mát rừng dương như lớp anh chị ngày trước thì chỉ là ảo tưởng.
Khi Đà Nẵng mở tuyến đường du lịch ven biển, những rừng dương ấy cũng đã bị xóa sổ (Ảnh: HC) |
Môi trường giáo dục ngoài nhà trường rất hữu ích cho TTN
Bây giờ, TTN Đà Nẵng phải cắm trại trên nền bê tông của sân trường hay những khoảng đất trống hiếm hoi bóng cây xanh và... không có biển. Cô Võ Xuân Mai, nguyên Tổng phụ trách Đội trường THCS Kim Đồng giai đoạn 1987 – 1992 nhìn nhận: “Bây giờ trại không được dựng bằng vải, tre, cọc gỗ, dây dừa... mà là những dãy lều bằng khung sắt vô hồn. Cổng trại không phải bằng tre, bằng nón, bằng nia... mà bằng mấy tấm nilon in đủ màu sắc. Đất trại thì bê tông, không có một bóng cây. Học trò, anh chị phụ trách không phải làm chi cả vì có dịch vụ "Rèn luyện kỹ năng" bao căn từ A đến Z rồi. Nhớ lại mà buồn!”.
Thực sự không thể không lo lắng khi TTN ngày càng xa rời đời sống thực, kỹ năng sống nghèo nàn, khả năng thích nghi thấp, bản lĩnh kém, dễ bị dẫn dụ, lôi kéo vào những cuộc chơi vô bổ rồi dễ bị sa ngã, phạm pháp... do quá thừa tiện nghi nhưng lại thiếu cơ hội để rèn luyện (hay chí ít là làm quen) với những môi trường có tính khắc nghiệt hơn, khó khăn hơn.
Trong bối cảnh đó, việc tổ chức các khu trại hè như mô hình trại Khăn Quàng Đỏ (hoặc tương tự) là điều hết sức cần thiết để TTN có cơ hội rèn luyện, trải nghiệm. Ông Nguyễn Hữu Chiến nhận định: “Tổ chức cho TTN cắm trại nói chung, đi trại hè nói riêng là điều rất tích cực. Giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống cho TTN thông qua các hoạt động ngoài nhà trường chính là ở chỗ này!”.
Vấn đề là dọc tuyến ven biển Đà Nẵng liệu có còn nơi nào cho một khu cắm trại như vậy, khi đã phủ kín các dự án du lịch? Ngày 1/6/2015, báo Infonet đăng bài “Đà Nẵng có cơ hội hình thành khu trại hè quốc tế ở ven biển?”, trong đó đề nghị thu hồi các dự án ven biển chậm triển khai để trồng lại rừng dương và hình thành khu trại hè quốc tế chứ không chỉ là trại hè cho Đà Nẵng hay trong nước.
“Tôi từng dự trại hè quốc tế ở Hung-ga-ri, mỗi đợt kéo dài cả tháng, TTN của ba, bốn chục nước đến dự, hoạt động khí thế lắm. Với vị thế của Đà Nẵng hiện nay, việc tổ chức khu trại hè quốc tế không phải là điều ảo tưởng đâu!” – ông Nguyễn Hữu Chiến nói. Bản thân chúng tôi cũng từng tham dự các đêm lửa trại với thanh niên Tàu Đông Nam Á, tàu Peace Boat (Nhật Bản) trên biển Đà Nẵng, và phần nào cảm nhận được điều ông Nguyễn Hữu Chiến nói.
Bây giờ, TTN Đà Nẵng phải "cắm trại" trong những dãy lềubằng khung sắt vô hồntrên những nền bê tông hay những khoảng đất trống hiếm hoi bóng cây xanh (Ảnh: HC) |
Cơ hội cho Đà Nẵng “sửa sai” đang dần thành hiện thực?
Đáng mừng, tại kỳ họp thứ 14 HĐND TP Đà Nẵng khóa VIII (tháng 7/2015), ý tưởng nêu trên của Infonet nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu. Lúc đó, đại biểu Trần Văn Lĩnh (Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản - Thương mại Thuận Phước) cho rằng: “Việc thu hồi các dự án chậm triển khai ven biển đang mở ra nhiều cơ hội cho Đà Nẵng sửa sai. Chẳng hạn trồng lại các rừng dương để tổ chức du lịch trại hè quốc tế. Đó cũng là một điểm rất tốt, phục vụ cho cộng đồng và cho sự phát triển của du lịch TP sắp tới!”.
Đồng tình với đề xuất này, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh: “Chúng tôi chia sẻ sự quan tâm hết sức chính đáng của đông đảo người dân về việc được hưởng thụ những lợi ích công cộng ở các bãi biển mà hiện nay TP đã bố trí các dự án hầu như phủ kín. Ý tưởng thu hồi một số dự án chậm triển khai ven biển để tổ chức khu trại hè được các nhà quy hoạch cũng như lãnh đạo TP Đà Nẵng rất tâm đắc. Trong đợt rà soát sắp tới, nếu có điều kiện thu hồi vào khu đất nào đó để tổ chức các dịch vụ công cộng thì rất là hay!”.
Theo ông Huỳnh Đức Thơ, việc thu hồi các dự án ven biển chậm triển khai không phải dễ. Tuy nhiên ông khẳng định: “Chúng ta sẽ làm từ dễ đến khó. Đã hứa trước HĐND TP rồi thì vấn đề còn lại là các thao tác kỹ thuật. Các sở, ban, ngành phải tập trung xử lý các thủ tục liên quan để việc này được thực thi một cách nghiêm túc. TP hết sức tạo điều kiện nếu các nhà đầu tư quyết tâm triển khai dự án, còn nếu họ thật sự không có đủ khả năng mà cố tình mua bán lòng vòng, găm giữ đất thì phải quyết liệt thu hồi!”.
Vượt qua rất nhiều khó khăn, trong hơn 3 năm qua, chính quyền TP Đà Nẵng đã có những nỗ lực liên tục, để rồi như Infonet đưa tin ngày hôm qua 1/10, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ vừa ký quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng Công viên công cộng kết hợp bãi tắm tại khu đất có tổng diện tích 85.000 m2 thu hồi Khu du lịch ven biển Hòn Ngọc Á Châu (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn), để phục vụ nhu cầu của người dân và du khách.
Theo đó, khu đất có phía Đông giáp Biển Đông, phía Bắc giáp khu vực dự kiến điều chỉnh quy hoạch, phía Tây giáp đường Trường Sa, và phía Nam giáp Khu du lịch biển The Song. Trong đó, phần đất diện tích 71.806 m2 được quy hoạch thành Công viên công cộng với các hạng mục: quảng trường, khu vui chơi trẻ em, khu dã ngoại, khu vực tố chức sự kiện, cây xanh, thảm cỏ, khối phục vụ, đường giao thông nội bộ, bãi xe; và phần bãi cát có diện tích 13.194 m2.
Cơ hội để Đà Nẵng hình thành khu trại hè quốc tế ngay tại khu vực này. Tại sao không?