Cơ hội cho bệnh nhân HIV/AIDS ngày càng rộng mở
Cơ hội cho bệnh nhân HIV/AIDS ngày càng rộng mở
Trong báo cáo hàng năm về đại dịch AIDS, UNAIDS cho biết số người chết vì căn bệnh này đã giảm xuống còn 1,8 triệu người vào năm 2010, so với mức đỉnh điểm là 2,2 triệu người vào giữa những năm 2000.
Cũng theo UNAIDS, khoảng 2,5 triệu ca tử vong đã được ngăn chặn tại các nước nghèo và thu nhập trung bình từ năm 1995 do nhiều loại thuốc AIDS đã được đưa vào giới thiệu sử dụng và việc tiếp cận với các loại thuốc này cũng đang được cải thiện.
Phần lớn thành công trên được ghi nhận trong 2 năm qua nhờ số lượng người được điều trị đã tăng lên một cách nhanh chóng.
Giám đốc UNAIDS, Michel Sidibe nói: “Ngay trong thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính công và kinh phí tài trợ không đảm bảo, chúng tôi vẫn ghi nhận những kết quả tích cực. Chưa bao giờ có nhiều quốc gia giảm đáng kể số ca nhiễm bệnh mới và bình ổn dịch bệnh như hiện tại”.
Kể từ khi đại dịch AIDS bùng nổ trong những năm 1980, hơn 60 triệu người đã bị nhiễm virus suy giảm miễn dịch HIV gây bệnh AIDS. HIV có thể được kiểm soát trong nhiều năm nhờ sử dụng nhiều loại thuốc nhưng hiện chưa có một loại thuốc nào có thể chữa khỏi bệnh.
Báo cáo của UNAIDS đã chỉ ra rằng 34 triệu người trên toàn trên thế giới đã nhiễm HIV trong năm 2010, so với năm 2009 là 33,3 triệu người.
Trong số những thay đổi đáng kể nhất là sự tăng vọt số người dân được điều trị bằng thuốc chống AIDS ngay khi họ cần nó.
Với 14,2 triệu người đủ điều kiện để được chữa trị tại các nước có thu nhập thấp và trung bình, thì chỉ có khoảng 6,6 triệu người (tương đương 47%) đã nhận được thuốc điều trị. Ngoài ra, 11 nước thuộc nhóm nước nghèo và thu nhập trung bình hiện đã được tiếp cận rộng rãi với phương pháp điều trị HIV. Con số này được so với 36% người được sử dụng thuốc AIDS trong 15 triệu người cần điều trị trong năm 2009.
“Chỉ trong vòng một năm, chúng ta đã có thêm 1,4 triệu người được điều trị. Con số này đã cho thấy “tiến bộ to lớn” nhưng cũng phải nhấn mạnh việc cần thiết nhất hiện nay là đẩy lùi dịch bệnh này”, Adrian Lovett - phụ trách chiến dịch chống đói nghèo nhóm ONE nói.
Trên thế giới, có 5 nhà sản xuất thuốc chống HIV lớn bao gồm Gilead, Bristol Myers Squibb, Merck, Pfizer và GlaxoSmithKline. Việc mở rộng phạm vi tiếp cận sử dụng thuốc của các nhà sản xuất trên và những nhà sản xuất khác không chỉ giúp giảm số lượng người chết vì AIDS mỗi năm, mà còn làm giảm các ca nhiễm HIV mới.
Hàng loạt nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng việc điều trị kịp thời cho những người nhiễm HIV có thể làm giảm đáng kể số ca mới nhiễm virus.
Trong năm 2010, trên toàn thế giới có 2,7 triệu ca mới nhiễm HIV, ít hơn 15% so với năm 2001, và 21% so với đỉnh điểm số ca mới nhiễm vào năm 1997.
“Số ca nhiễm mới giảm đồng nghĩa với việc chúng ta đang giành chiến thắng trong cuộc chiến chống đại dịch AIDS”, Sidibe nhấn mạnh.
Tổ chức bác sĩ không biên giới (MSF) cho rằng, việc ngày càng có nhiều ca tử vong do AIDS được ngăn chặn đã thực sự là bước tiến quan trọng. Tuy nhiên, điều cần thiết là tăng thêm số người nhận được phương pháp điều trị thích hợp.
“Chưa bao giờ, trong hơn một thập kỷ điều trị cho những người nhiễm HIV/AIDS, chúng ta lại có được những tín hiệu đầy hứa hẹn như thời điểm hiện tại. Chính phủ tại nhiều nước nơi đại dịch AIDS hoành hành rất muốn triển khai những tiến bộ khoa học để nắm bắt cơ hội đẩy lùi đại dịch. Nhưng họ không thể làm gì bởi họ không có tiền”, Tido von Schoen-Angerer tại MSF khẳng định.
Mặc dù đã được tiếp cận với những tiến bộ trong điều trị và phòng chống HIV, nhưng vùng châu Phi hạ Sahara vẫn là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với khoảng 68% người dân nơi đây nhiễm HIV vào năm 2010, mặc dù dân số của họ chỉ chiếm khoảng 12% tổng dân số toàn cầu. Trong đó khoảng 70% số ca nhiễm HIV mới trong năm 2010, và gần 1/2 bệnh nhân nhiễm bệnh tử vong.
Sidibe cho rằng rất nhiều nước trên thế giới tài trợ cho cuộc chiến chống lại sự tăng trưởng kinh tế chậm và nợ cao, thì cuộc chiến chống lại AIDS trên toàn cầu cũng nên tập trung vào các biện pháp can thiệp mạnh để đưa những tiến bộ khoa học tới những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch này.
Minh Thu
Theo Reuters