Cô giáo mầm non nhốt trẻ vào tủ đồ ở Hà Nội: Sa thải cô giáo chưa đủ!
Hình ảnh cắt từ video được camera lớp học ghi lại. (Ảnh: ĐC) |
Liên quan đến vụ việc giáo viên tại lớp Panda của cơ sở giáo dục mầm non Maple Bear Westlake Point (địa chỉ tại 24 Quảng Bá, quận Tây Hồ, Hà Nội) phạt học sinh bằng cách nhốt các cháu trong tủ đựng đồ, trao đổi với PV Infonet, bà Tô Thụy Diễm Quyên - chuyên gia giáo dục toàn cầu Microsoft - Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn và Phát triển giáo dục INNEDU chia sẻ quan điểm và câu chuyện đau lòng xảy ra với chính con mình.
Bà Diễm nói: “Câu chuyện về hình phạt trong giáo dục đã nói đến rất nhiều nhưng vẫn còn những trường, những cơ sở mầm non và mẫu giáo phạt trẻ theo hướng tiêu cực như vậy. Nó thể hiện việc thiếu hụt về tâm lý học đường, phương pháp giáo dục. Con tôi ngày xưa đi nhà trẻ cũng bị đối xử còn thê thảm nhưng không có camera nên không phát hiện được vụ việc. Cháu bị cô cho ngồi bô suốt ngày không cho đứng lên, thậm chí khi ăn cũng ngồi trên cái bô, tức là ở truồng cả ngày.
Mỗi khi cô nói không nghe, cô dán băng keo lên miệng, trói chân lại nhốt vào nhà tắm. Cô dọa ma, cô dọa nếu mách mẹ là cô nhốt luôn không cho ra nữa.
Từ một đứa bé nhanh nhẹn tinh nghịch vui vẻ, cháu trở thành một bệnh nhân trầm cảm nặng. Nhiều năm sau đó, cứ gặp giáo viên là cháu chỉ nghĩ đến tự tử. Mất khoảng 7 năm cháu bị trầm cảm như vậy.
Đó cũng là lý do tôi nỗ lực trở thành chuyên gia giáo dục để hỗ trợ về phương pháp cho thầy cô giáo.
Trong chuyện này, nhà trường đã thiếu tập huấn đào tạo và đưa ra các chế tài cho những hành vi được xem là không được phép, bao gồm bạo lực với học sinh. Khi học phí thu cao như vậy, họ phải có đủ sự đầu tư, mà trong giáo dục, lĩnh vực cần đầu tư trước hết là con người.
Về mặt thể chất, ngoài tác động về tâm lý, nếu trẻ bị nhốt lâu hơn sẽ thiếu máu não, lâu sẽ có di chứng…”.
Còn luật sư Đặng Văn Cường – Văn phòng Luật sư Chính Pháp đánh giá: "Đúng như lời nhận xét, nhận trách nhiệm và xin lỗi của nhà trường, hành vi của cô giáo này là phản giáo dục, hoàn toàn có lỗi đối với việc kỷ luật học sinh một cách tùy tiện, gây tổn thương nặng nề đến tâm lý của trẻ. Việc nhà trường xin lỗi, sa thải cô giáo này là cần thiết. Tuy nhiên như vậy vẫn chưa đủ, nhà trường còn cần phải bồi thường thiệt hại và khắc phục hậu quả đối với hành vi mà cô giáo này đã gây ra".
Theo luật sư Cường, hành vi của cô giáo này là bạo hành trẻ em, có thể gây tổn thương nặng nề, sang chấn tâm lý của trẻ, ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ, bởi vậy, đây là hành vi vi phạm pháp luật.
Luật sư Cường đề nghị gia đình đưa cháu đi thăm khám để xác định hậu quả và có giải pháp ổn định tâm lý, sức khỏe của trẻ; toàn bộ những chi phí thăm khám, chữa trị và những thiệt hại về tổn thất tinh thần do hành vi vi phạm pháp luật của cô giáo này gây ra thì nhà trường phải có trách nhiệm bồi thường cho gia đình học sinh.
"Nếu nhà trường hoặc gia đình trình báo sự việc này với cơ quan công an thì hành vi của cô dạo này có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP với mức phạt từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng do có hành vi xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác, gây tổn hại đến sức khỏe của người khác. Trường hợp kết quả xác minh cho thấy cháu bé bị hành hạ nhiều lần, ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý đến mức độ nguy hiểm cho xã hội thì có thể xử lý hình sự về tội hành hạ người khác" - luật sư Cường viện dẫn các quy định của pháp luật.
Trước đó, Infonet đã đưa tin về phản ánh của một phụ huynh có con học tại lớp Panda - cơ sở giáo dục mầm non Maple Bear Westlake Point: Từ lúc đón con, thấy con liên tục khóc, giãy giụa mỗi khi cô vung tay chỉ trỏ; cô còn đẩy bé, kéo bé, phạt bé, để bé 1 mình không dỗ.
Camera ghi lại hình ảnh cô giáo nhốt trẻ vào trong tủ đựng đồ của lớp học rồi lấy gối chèn cửa lại khiến phụ huynh này vô cùng bức xúc về cách giáo dục trẻ ở một ngôi trường có học phí lên tới 20 triệu/tháng, được giới thiệu là trường học "coi học sinh là trung tâm".