Cô giáo "bêu tên" học sinh phạm lỗi hằng ngày lên bảng gây tranh cãi
Người mẹ chụp lại những hình ảnh phê bình học sinh trên bảng đen của cô giáo gây ra những phản ứng trái chiều.
Một trong những nỗi khổ tâm của giáo viên tiểu học chắc hẳn không thể thiếu chuyện học sinh mất trật tự, nói chuyện riêng, dù có nghiêm khắc nhưng tình trạng vẫn không được cải thiện. Nhiều trẻ thì cẩu thả, bài tập có nhiều lỗi sai... vì ở lứa tuổi này trẻ thường chưa có ý thức học tập tự giác.
Trước những tình huống này, có thầy cô sử dụng biện pháp nhắc nhở học sinh nhẹ nhàng, gọi riêng cho phụ huynh để cùng đốc thúc việc học của các bé. Tuy nhiên, cũng có những giáo viên sử dụng cách thức phê bình khác gây nhiều tranh cãi trái chiều.
Mới đây, một phụ huynh lưu lại những hình ảnh được cho là từ một nhóm zalo dành cho cha mẹ học sinh lớp 4.
Người này viết: "Cả nhà cho tớ hỏi đây là biện pháp mà cô giáo chọn để mỗi ngày ghi lên bảng và chụp hình phản ánh lên nhóm lớp để các phụ huynh biết. Dĩ nhiên theo lời giải thích của cô giáo là cũng để học sinh thấy lỗi của mình và các bậc phụ huynh đa số ủng hộ biện pháp này của cô. Cả nhà cho em hỏi, làm vậy đúng hay sai và có hợp lý không?".
Trong những bức hình được chụp lại cho thấy, mỗi ngày, cô giáo sẽ ghi tên và hành vi phạm lỗi cụ thể của học sinh lên bảng. Những lỗi phổ biến có thể thấy như nói chuyện, thiếu rèn chữ, thiếu vở ô li, không rèn chữ ở nhà, nói dối...
Ngoài ra, có học sinh bị cô nêu tên vì vi phạm lỗi không đeo khăn quàng khiến lớp bị hạ thi đua xuống B. Cô giáo cũng không quên ghi thêm lời nhắc nhở phụ huynh lưu ý, đồng thời cho biết nếu còn tái phạm cuối năm sẽ bị hạ hạnh kiểm.
Miễn con ngoan vẫn có thể chấp nhận được?
Tình huống của phụ huynh này sau khi được chia sẻ đã khiến cả giáo viên và cha mẹ học sinh chia hai "chiến tuyến". Nhiều ý kiến cho rằng, cô giáo nhận xét chi tiết mắc lỗi để giúp học sinh tiến bộ hơn. Theo những người này, trừ khi con mình phạm những lỗi tế nhị như ăn cắp, hỗn láo... thì cô giáo phải trao đổi riêng với phụ huynh thôi, còn vấn đề về học hành thì bình thường.
"Mình ủng hộ cô giáo. Chỉ có người nhiệt huyết mới làm được như vậy. Phụ huynh nắm bắt con mình từng buổi học như nào để cùng kết hợp giáo dục. Nếu phụ huynh nào thấy xấu hổ thì quan tâm sát sao để con mình không phạm lỗi", một phụ huynh bình luận.
Tuy nhiên bên cạnh đó, một số phụ huynh cho rằng cách làm của cô giáo là thiếu chuẩn mực sư phạm. Dù tất cả các thầy cô đều muốn học sinh ngày càng chăm ngoan học giỏi. Tuy nhiên, theo họ, cô không nên viết lên bảng và gửi vào zalo nhóm lớp. Thay vào đó, cô nên gửi cho phụ huynh học sinh mắc lỗi hoặc có thể nói chuyện riêng với phụ huynh để cùng tìm biện pháp giáo dục.
Ý kiến này nhanh chóng bị một người khác phản bác: "Một ngày hơn 10 học sinh vi phạm. Mà lỗi này mắc đi mắc lại thì hỏi chất lượng học tập có hay không? Phụ huynh nhất trí cô mới làm. Biết là không đúng nhưng cô không thể ngồi nhắn tin cho từng phụ huynh được. Còn nếu phụ huynh không nhất trí đưa lên nhóm chung thì chắc giáo viên cũng phải thay đổi thôi. Cô không phản ánh cũng không ai biết nhưng nói thật là giáo viên tâm huyết không ai "kệ" được".
Thông tư 28/2020 về Điều lệ trường tiểu học nhấn mạnh, học sinh tiểu học có khuyết điểm tùy theo mức độ thực hiện kỷ luật bằng việc: Nhắc nhở, hỗ trợ giúp đỡ để học sinh tiến bộ hơn; thông báo với cha mẹ học sinh.
Theo đó, giáo viên không được phê bình học sinh trước lớp, trước trường. Điều này, khác với trước đây, học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập và rèn luyện thì tùy theo mức độ vi phạm, giáo viên có thể nhắc nhở, phê bình hoặc thông báo với gia đình.
Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT quy định, tùy theo mức độ vi phạm có thể thực hiện các biện pháp kỷ luật sau: Nhắc nhở, hỗ trợ giúp đỡ trực tiếp để học sinh tiến bộ hơn. Thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm.
Giáo viên không được phê bình học sinh trước cả lớp, trước toàn trường hoặc trong cuộc họp chung với cha mẹ học sinh.
Giáo viên không được phê bình học sinh trước cả lớp, toàn trường và trong cuộc họp phụ huynh
Đó là thông tin được nêu trong Thông tư Điều lệ trường Tiểu học mà Bộ GD-ĐT vừa ban hành.
Theo Pháp luật và Bạn đọc