Có gì mới trong lời khai Dương Chí Dũng phiên phúc thẩm?
Bị cáo Dương Chí Dũng xin giảm tội cố ý làm trái và “kêu oan” tội tham ô. |
Bị cáo Dương Chí Dũng khai: Dự án xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam tại Bà Rịa – Vũng Tàu với tổng mức đầu tư là 3.854 tỷ đồng chưa được bổ sung vào quy hoạch chưa có quyết định phê duyệt cho phép đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Trong dự án này có hạng mục lắp đặt 1 ụ nổi.
“Việc khảo sát để mua ụ nổi của Cty AP (Singapore) là do Mai Văn Phúc điều hành, tổ chức đoàn khảo sát về tình trạng kỹ thuật của ụ nổi 83M. Khi đoàn khảo sát về thì sang gặp bị cáo và cho bị cáo chai rượu thôi”, bị cáo Dũng trình bày.
Chủ đầu tư dự án ban đầu là do Tổng Cty hàng hải Việt Nam sau đó chuyển cho Cty của Trần Hải Sơn là Tổng Cty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines làm chủ đầu tư. Sau khi mua ụ nổi 83M về nhưng không sử dụng được, vẫn phải dùng 29 tỷ đồng để sửa chữa.
Bị cáo đã nhận thức được hành vi cố ý làm trái của bị cáo, do bị cáo là chủ tịch, người đứng đầu. Tuy nhiên, bị cáo Dũng cho rằng mình chỉ là thành viên HĐQT, không chỉ đạo gì trong việc mua ụ nổi 83M. Việc mua ụ nổi hoàn toàn do bán giám đốc thực hiện.
Bị cáo không nhận bất cứ đồng tiền nào từ Trần Hải Sơn trong việc mua ụ nổi 83M. Chỉ có 1 lần bị cáo nhận 1 chai rượu từ Trần Hải Sơn khi anh Sơn đến nhà chơi.
HĐXX hỏi tại sao bị cáo không nhận tiền mà nộp hơn 4,7 tỷ đồng khắc phục hậu quả, bị cáo Dũng cho rằng: Số tiền đó là do gia đình bị cáo khắc phục hậu quả chung do hành vi của bị cáo trong việc mua ụ nổi 83M, chứ không phải bị cáo nộp lại tiền vì tội “tham ô tài sản”. Bị cáo và Trần Hải Sơn chỉ có mối quan hệ bình thường, Sơn là Tổng giám đốc của Cty con của Vinalines. Mãi đến khi cơ quan điều tra vào cuộc bị cáo mới biết có khoản tiền 1,66 triệu USD (28 tỷ đồng) do Cty AP chuyển lại cho Sơn trong việc mua ụ nổi 83M.
Sau khi cơ quan điều tra vào cuộc, do có người báo nên bị cáo đã bỏ trốn sang Campuchia, sau khi không sang được Mỹ bị cáo bị bắt ở Campuchia. Bị cáo thừa nhận hành vi của mình là sai.
“Nguồn tiền mua căn hộ cho cô Thảo ở Láng Hạ là do bị cáo lấy tiền của vợ để mua căn nhà này. Việc cô Thảo làm đơn cho rằng mua căn nhà trên cô Thảo có 600 triệu đồng là đúng, thưa quý tòa. Việc kháng cáo của vợ bị cáo về việc tòa sơ thẩm kê biên ngôi nhà do những ngôi nhà đó có tiền của vợ bị cáo mong HĐXX xem xét. Bị cáo khẳng định mình không tham ô, không nhận đồng nào của anh Trần Hải Sơn”, bị cáo Dũng trình bày.
"Việc mua ụ nổi 83M là do bị cáo tin tưởng anh em. Chiều tối ngày 17/5/2012 do nhận được thông tin anh Ngọ báo tin cơ quan điều tra sẽ khởi tố, bắt bị cáo nên bị cáo sợ quá đã bỏ trốn. Trước khi bỏ trốn bị cáo có về qua nhà. Bị cáo đã nhận thức và ăn năn trước hành vi sai trái của mình trong việc mua ụ nổi 83M" - bị cáo Dương Chí Dũng nhắc lại việc được báo tin.
Trả lời VKS về việc nếu dự án xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam được cấp cấp phê duyệt thì mua ụ nổi sẽ được tiến hành lúc nào, bị cáo Dũng nói: “Nếu dự án được phê duyệt thì công đoạn mua ụ nổi 83M sẽ được tiến hành sau cùng. Tuy nhiên do thấy ụ nổi này rẻ, tin tưởng anh em nên bị cáo đã đồng ý chủ trương cho anh em mua ụ nổi. Việc biết đến ụ nổi là do anh Trần Hải Sơn đề xuất, trong cuộc họp tôi đã hỏi anh Sơn là tại sao không mua ụ nổi trực tiếp Nga mà mua qua Cty AP (Singapore), thì anh Sơn nói: “không mua được vì liên quan đến thủ tục xuất nhập khẩu với bên Nga nên phải mua qua Cty AP”.
Bị cáo Dũng cũng khai: bị cáo không làm việc trực tiếp với Cty của Nga và Singapore để đàm phán mua ụ nổi, bị cáo không nhận tiền “lại quả” 1,66 triệu USD và không biết việc Cty AP chuyển 1,66 triệu USD qua Cty Hải Hà (Cty em gái của Trần Hải Sơn). Tối ngày 6/7/2007, bị cáo vào nghỉ ở khách sạn Victoria (TP Hồ Chí Minh) nhưng phải 6 giờ tối mới vào tới nơi và không nhận đồng nào của Trần Hải Sơn.