Cô gái Việt quảng bá lụa Hội An ra thế giới
Làng lụa Hội An được coi là “bảo tàng sống” về nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa tại Quảng Nam, với hàng trăm hiện vật quý hiếm, trong đó có 40 gốc dâu hàng trăm năm tuổi, các nguồn gen quý về dâu tằm, giống tằm. Đến Làng lụa Hội An, du khách có thể chứng kiến qui trình sản xuất lụa, xem nghệ nhân Chăm và Việt dệt lụa và thổ cẩm, sản xuất hàng thủ công phong phú, xem các bộ sưu tập quý như máy dệt cổ, 100 bộ trang phục Việt Nam. Năm 2015, Làng Lụa Hội An đã được 60 nghìn du khách lựa chọn tham quan như một điểm đến du lịch văn hóa nổi bật tại Di sản Văn hóa thế giới Hội An.
Sử dụng Facebook để truyền thông
Năm 2012, khi Làng lụa Hội An bắt đầu đi vào hoạt động, Ban lãnh đạo Làng lụa có mời một số nhà nghiên cứu về tơ lụa đến các hội thảo, tọa đàm về nghề lụa nhằm tìm kiếm giải pháp khôi phục làng nghề tơ lụa ở Hội An. Lúc đó, Đỗ Khải Ly - cô sinh viên năm thứ 2 của trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng, đã đến “dự thính”. Ấn tượng trước những hiện vật quý về nghề lụa, về làng nghề cổ nơi đây, Khải Ly đã xin được thử sức trong vai trò nhân viên truyền thông cho Làng lụa Hội An.
Thời điểm đó, mạng xã hội Facebook chưa được sử dụng rộng rãi như bây giờ. Khải Ly đã đề xuất ý tưởng tạo Fanpage Facebook cho Làng lụa Hội An để làm kênh quảng bá. Được sự đồng ý, Ly đã xây dựng trang Facebook mang tên Hoi An silk village. Bằng các bài viết truyền bá văn hóa tơ lụa đến cho du khách, Ly đã cố gắng giới thiệu bề dầy truyền thống của nghề lụa nổi tiếng đất Hội An xưa và đang được Làng lụa Hội An kế thừa ngày nay. Các quy trình sản xuất lụa (từ khâu trồng dâu, nuôi tằm, kéo tơ, dệt lụa cho tới nhuộm màu…) được tái hiện thông qua các hình ảnh sinh động, qua đó giúp du khách có cái nhìn trực quan về một làng nghề nổi tiếng nơi phố Hội xưa. Nơi mà các thương nhân Trung Quốc, Nhật Bản một thời tấp nập ra vào buôn bán, tạo nên phố thị Hội An bên dòng sông Thu Bồn, bên bờ biển Cửa Đại.
Khải Ly ở thành phố Thượng Hải, Trung Quốc |
“Em cũng không ngờ hiệu ứng lan tỏa của truyền thông trên môi trường mạng đã làm cho Làng lụa thu hút mạnh khách du lịch. Vào những đợt cao điểm cũng như vào các dịp lễ Tết, mỗi ngày Làng lụa Hội An đón từ 800 đến 1.000 lượt khách đến tham quan. Năm 2014, Làng lụa Hội An được du khách trên trang mạng du lịch Trip Advisor của Mỹ bình chọn là điểm đến hấp dẫn thứ 3 tại Hội An (sau chùa Cầu và Nhà cổ), đây là niềm vui và rất đáng tự hào của Làng lụa Hội An”, Ly hào hứng chia sẻ.
Quảng bá nghề lụa Hội An ra thế giới
Tháng 9/2015, Làng lụa Hội An được lọt vào “tầm ngắm” của Học viện Mekong đặt trụ sở tại tỉnh Khon Kaen (Thái Lan). Ấn tượng với mô hình “Bảo tàng sống kết hợp với bảo tồn văn hóa và du lịch”, Học viện MeKong đã gửi thư mời Làng lụa Hội An tham dự “Hội thảo lụa châu Á” và đại diện cho các Làng lụa Việt Nam trình bày tham luận với chủ đề “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp”. Lãnh đạo Làng lụa Hội An đã tin tưởng giao trọng trách này cho Khải Ly. Trước 300 đại biểu khách mời là các nghệ nhân, doanh nhân, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh tơ lụa các nước tiểu vùng sông MeKong (Lào, Thái Lan, Campuchia, Myanmar) cùng các cường quốc tơ lụa hàng đầu thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Ly là đại biểu trẻ nhất.
“Em là đại biểu trẻ nhất hội thảo nên cảm thấy hơi run. Tuy nhiên, bằng những kiến thức đã trải nghiệm và kinh nghiệm thực tế, em đã hoàn thành tốt bài tham luận, trong đó nhấn mạnh đến giá trị văn hóa, tính cố kết cộng đồng và mô hình doanh nghiệp, người dân cùng tham gia bảo tồn nghề cổ kết hợp phát triển du lịch”, Ly chia sẻ. Ấn tượng với hình ảnh Làng lụa Hội An qua bài tham luận của Khải Ly, nhiều đại biểu đã chủ động kết nối và trực tiếp sang Việt Nam tìm hiểu mô hình sản xuất lụa tơ tằm của Việt Nam. Qua hội thảo này, Làng lụa Hội An cũng chính thức được mời làm thành viên sáng lập Hiệp hội Tơ lụa châu Á.
Tháng 10/2015, Khải Ly tiếp tục nhận được thư mời dự “Diễn đàn tơ lụa quốc tế” do Hiệp hội Tơ lụa Trung Quốc tổ chức tại TP.Hàng Châu (tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc) với chủ đề “Lụa và thời trang”. Đây là diễn đàn quốc tế vì ngoài các nước châu Á, còn có sự tham gia của các nước vốn là cường quốc về tơ lụa tại châu Âu, châu Mỹ như Pháp, Ý, Brazil… Nhận thức đây là cơ hội tốt để đưa Lụa Hội An nói riêng và Lụa Việt Nam nói chung đến nhiều nước trên thế giới, trong bài tham luận của mình, Khải Ly đã tái hiện sinh động một phố cổ Hội An với hệ thống hàng trăm cửa hàng, showroom may đo, sản xuất tơ lụa nức tiếng một thời, một thương cảng trù phú bậc nhất châu Á suốt 2 thế kỉ 17 và 18. Trong các thương hiệu lụa Hội An còn giữ được đến ngày nay, phải kể đến Công ty may thời trang Yaly, Á Đông Silk, Bảo Thanh Silk, Thu Thủy… với hơn 2 triệu khách du lịch trải nghiệm dịch vụ này hàng năm.
Khải Ly với tư cách diễn giả đại diện Việt Nam và Làng Lụa Hội An nhận thoi kỷ niệm từ Phó Giám đốc Học viện Mekong, tại Hội thảo Tơ lụa Quốc tế do Học viện Mekong tổ chức tại tỉnh Khon Kaen, Thái Lan |
Làng lụa Hội An cũng từng đón các nhân vật nổi tiếng như ca sĩ Mick Jagger, thủ lĩnh ban nhạc Rolling Stone lừng danh, Hoa hậu thế giới năm 2004 Jennifer Hawkins, các nguyên thủ quốc gia như Tổng thống Phần Lan Tarja Halonen, Tổng thống Singapore S. R. Nathan ghé thăm và trải nghiệm các dịch vụ may đo thời trang. Lụa Hội An đã thực sự vươn ra ngoài biên giới Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Chưa bằng lòng với những kết quả bước đầu, Khải Ly chia sẻ: Việt Nam còn bảo tồn được 10 làng nghề lụa truyền thống từ Bắc vào Nam. Tuy nhiên, các làng nghề hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn trong bảo tồn và phát huy giá trị kinh tế cho cộng đồng. Sau nhiều hội thảo, Lụa Hội An nói riêng, lụa Việt Nam nói chung đã được chú ý nhiều hơn. Tuy nhiên, để liên kết các làng lụa của Việt Nam trở thành chuỗi các làng nghề tương hỗ nhau, thúc đẩy phát triển du lịch và kinh tế thì cần một giải pháp tổng thể và dài hơi hơn…