Cô gái Hà Nội khốn khổ vì bị nhầm là bệnh nhân số 17 nhiễm Covid-19
Tối 6/3, Việt Nam công bố ca thứ 17 nhiễm Covid-19 - bệnh nhân N.H.N, vừa về nước từ London sau quá trình đi du lịch, thăm người thân tại Anh, Ý và Pháp.
Bệnh nhân thứ 17 được cho là khai báo thông tin không trung thực khi nhập cảnh vào Việt Nam khiến dư luận vô cùng bức xúc.
Những hình ảnh, thông tin về nữ bệnh nhân này bị phát tán trên mạng xã hội cùng những lời chỉ trích, thóa mạ. Tuy nhiên bức ảnh của một cô gái khác đã bị nhầm sang bệnh nhân thứ 17 khiến cuộc sống của cô hoàn toàn bị đảo lộn.
Kiều Lan Anh (SN 1989, Hà Nội) là một nạn nhân bất đắc dĩ trong vụ việc này. Ảnh cô đăng tải lên Facebook cá nhân vào ngày 11/2/2020 đã bị đưa lên mạng và khẳng định chính là ‘bệnh nhân thứ 17’ kèm theo đó là các bình luận chửi bới, xúc phạm.
Bức ảnh của Lan Anh bị nhầm là 'bệnh nhân thứ 17' |
‘Tôi bị sốc’, là tâm trạng của Lan Anh suốt những ngày qua. ‘Ban đầu, người ta đăng ảnh tôi và bạn N.H.N để bình luận xúc phạm nhưng sau này họ đăng mỗi ảnh tôi để chửi bới. Họ chửi không chỉ bản thân tôi mà còn cả gia đình tôi.
Từ chuyện không trung thực khi khai báo (của bệnh nhân thứ 17), họ chuyển sang bình phẩm về ngoại hình, cách ăn mặc… của tôi. Bạn bè của bố mẹ, họ hàng trong nước và nước ngoài cũng liên tục gọi điện khiến tôi bị stress’, Lan Anh chia sẻ.
Cô gái sinh năm 1989 cho biết, là người làm trong lĩnh vực truyền thông, cô trấn an bản thân tất cả chỉ là hiểu lầm và do cư dân mạng không kiểm chứng thông tin. Tuy nhiên gia đình, họ hàng của cô thì không hiểu được như vậy và họ không giữ được bình tĩnh.
‘Thời gian tôi gặp vấn đề rơi vào giai đoạn gần ngày 8/3. Thay vì có một ngày lễ vui vẻ, hạnh phúc thì 8/3, tôi không dám ra ngoài, chỉ đóng cửa ở trong nhà để đính chính thông tin cho bản thân’.
Nhiều người khuyên Lan Anh khóa facebook cá nhân để tránh đọc những bình luận không hay, dẫn đến hành động tiêu cực. Tuy nhiên sau khi trấn tĩnh lại, cô cho rằng, mình phải đối mặt với vấn đề.
‘Thời điểm này, hình ảnh và thông tin đã lan truyền quá rộng nếu không có hành động tự bảo vệ mình, không bình tĩnh, tôi sẽ không còn cách nào khác để bảo vệ bản thân’, cô nói.
Việc đầu tiên, Lan Anh báo cho PA05 (Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao). Sau đó, Lan Anh viết bài đính chính trên trang facebook cá nhân. Cô cũng nhờ admin của các group lớn chia sẻ thông tin đính chính.
Thời gian đó, không dám đi ra ngoài nhưng Lan Anh cố tỏ ra bình tĩnh, ổn định để không làm gia đình lo lắng.
‘Có lúc, tôi tự trấn tĩnh được nhưng vô tình đọc bình luận về mình, tâm trạng tôi lại bức xúc, uất ức. Không còn từ gì để diễn tả được cảm giác của tôi lúc ấy’, Lan Anh nói.
‘Tôi chỉ mong mọi người trước khi like, share bất cứ thông tin gì phải xem lại tin đó chính xác hay không. Không phải tin nào được nhiều người chia sẻ cũng là chính xác. Trong thời đại mở, việc kiểm chứng thông tin vô cùng quan trọng.
Người ta nghĩ những câu chửi là vô thưởng vô phạt nhưng không biết nó gây hậu quả nghiêm trọng như thế nào. ‘Nếu bản lĩnh không vững vàng, nạn nhân chỉ muốn chết’’, cô nhấn mạnh.
Lan Anh cũng cho rằng, nếu ai vô tình trở thành nạn nhân giống như mình phải thật bình tĩnh. Bình tĩnh để nghĩ xem mình cần làm những gì, liên hệ cho những ai để tự bảo vệ bản thân.
Cô gái Hà Nội cũng muốn cảm ơn những người dù chưa gặp mặt nhưng vẫn nhiệt tình giúp cô đính chính thông tin. ‘Tôi xúc động vì những cử chỉ đó’, cô nói.