CNN "muối mặt" xin trở lại Nga vẫn bị Sputnik "mắng vốn"
Hôm 10/11/2014, CNN tuyên bố dừng phát sóng tại Nga với lý do luật mới của Moscow khiến cho hãng này không thể hoạt động được. Nhưng đến tháng 2/2015, CNN đột ngột thay đổi quyết định khi xin lại giấy phép phát sóng và được cấp giấy phép phát sóng 10 năm hôm 23/3/2015 mà không hề gặp trở ngại gì.
Theo Sputnik, sự việc còn đi xa hơn khi trước đó, các phương tiện truyền thông phương Tây cố tình lợi dụng tuyên bố ngừng phát sóng của CNN để gán tội cho điện Kremlin.
CNN lại tiếp tục phát sóng tại Nga. |
Sau khi CNN cho biết sẽ dừng phát sóng tại Nga và một hãng tin do điện Kremlin hậu thuẫn đang lên kế hoạch mở rộng phạm vi hoạt động trên toàn cầu, tờ Financial Times là một trong số nhiều tờ báo phương Tây lên tiếng chỉ trích điện Kremlin với một bài viết có tiêu đề "CNN dừng phát sóng ở Nga”.
Bài viết bắt đầu với những nội dung rất định kiến rằng Nga đang thực hiện các đợt tấn công mới nhằm truyền thông nước ngoài.
Bài báo dẫn lời nhà phân tích Orysia Lutsevych thuộc Viện nghiên cứu Chatham House của Anh cho rằng, Nga đang muốn kiểm soát chặt chẽ có phương tiện truyền thông, ban đầu là trong nước sau đó là truyền thông quốc tế.
Ông này còn tiếp tục đưa ra dẫn chứng cho rằng Nga thiếu tự do báo chí khi chỉ xếp hạng 148 trên tổng số 170 quốc gia trong bảng xếp hạng Chỉ số Tự do Báo chí. Ông này còn nói thêm rằng Nga đang sử dụng ngoại giao để phá hoại các tiêu chuẩn quốc tế về tự do thông tin.
Nhiều phần còn lại của bài viết phê phán Tập đoàn truyền thông Nga Rossiya Segodnya (sở hữu của Sputnik) và người đứng đầu tập đoàn này là ông Dmitry Kiselev mặc dù họ chẳng có mối liên hệ nào với tuyên bố ngừng phát sóng của CNN.
Hãng tin Sputnik nghi ngờ rằng lý do CNN quyết định dừng phát sóng ở Nga hồi tháng 10/2014 là do lo sợ nền kinh tế Nga sẽ bị sụp đổ khi giá dầu và đồng rúp giảm mạnh. Nhưng đến tháng 2/2015, tình hình đã khả quan hơn và không còn dấu hiệu bi quan như vậy nữa nên CNN đã quyết định trở lại để khỏi đánh mất một thị trường giá trị.
Sputnik kết luận, dù thế nào đi nữa, truyền thông phương Tây cũng không nên dùng đó làm cái cớ để chỉ trích về tự do ngôn luận của điện Kremlin.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Sputnik, hãng thông tấn mới của Nga khai trương ngày 10/11, có quy mô toàn cầu để cạnh tranh thị trường truyền thông thế giới. Sputnik sẽ chính thức thay thế các dịch vụ truyền thông tiếng nước ngoài của hãng thông tấn RIA Novosti và đài phát thanh Tiếng nói nước Nga.