Clip tiktok "sán bò nhung nhúc ra khỏi miếng thịt lợn" được tưới đẫm nước ngọt có ga: Chuyên gia nói gì?
Nên hay không nên ăn thịt lợn, rất nhiều người đặt ra câu hỏi này sau khi tận mắt thấy clip đăng tải sán lúc nhúc chồi lên mặt miếng thịt được tưới đẫm pepsi.
Clip dội nước có ga vào miếng thịt lợn, ổ sán tự động lộ nguyên hình?
Mới đây, trên Tiktok đăng tải clip của một cá nhân giải thích lý do vì sao mình rất ít khi ăn thịt lợn. Theo nội dung clip chia sẻ, một phụ nữ cầm chai nước có ga dội vào miếng thịt lợn sống được đặt trên đĩa. Lần 1, nước dội đều sau đó nhanh chóng đổ đi. Lần 2, nước dội lên để nguyên vài giây. Sau đó quan sát, người ta thấy dị vật mà nhân vật quay clip cho rằng đó là sán. Những "con sán" bắt đầu ngoe nguẩy, chui ra khỏi miếng thịt lợn, bò lổm ngổm trên bề mặt của miếng thịt lợn này.
Theo chủ tài khoản chia sẻ, đây là cách nhận biết thịt lợn chứa sán. Nói chung, thịt lợn thường chứa rất nhiều sán nên người phụ nữ này nói rằng không nên ăn loại thịt này quá thường xuyên. Quan điểm của cô là "ăn càng ít càng tốt".
Đây quả thực là thông tin khiến nhiều người cảm thấy khiếp sợ. Nhất là với người dân Việt Nam, từ nông thôn đến thành phố, thịt lợn vẫn luôn là nguồn thực phẩm giàu chất đạm cung cấp chủ yếu hàng ngày. Vừa dễ ăn lại vừa có thể chế biến thành nhiều món ăn không ngán, thịt lợn được lòng nhiều người.
Không có chuyện đổ nước ngọt có ga vào là sán chui ra khỏi thịt lợn - Chuyên gia "bật mí" cách nhận biết thịt lợn chứa sán
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), thông tin đổ nước có ga vào miếng thịt lợn sống để sán chui ra khỏi miếng thịt lợn thực sự không có cơ sở khoa học.
"Không có chuyện đổ nước có ga nào vào thịt lợn mà có thể khiến sán ở trong miếng thịt chui ra được, hơn nữa lại ngoi dài ra đến cả đốt ngón tay thế kia. Nước có ga cũng không phải là thứ nước thử thần thánh, nó đơn giản là nước giải khát. Không có chuyện dùng thứ nước này để thử xem thịt có chứa sán hay không, có đảm bảo an toàn hay không. Trong ngành công nghệ thực phẩm không có cách nhận biết thịt lợn nhiễm sán kiểu này", chuyên gia khẳng định.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng, một miếng thịt lợn to bản có kết cấu rất chặt chẽ, các thớ thịt liên kết chặt chẽ với nhau, không thể dùng tay xé ra. Đổ nước pepsi vào cũng chỉ là ở phía ngoài bề mặt miếng thịt chứ nó không có khả năng len lỏi vào từng tế bào thịt được. Chưa kể, trong thịt lợn nhiễm sán thì có ấu trùng sán chứ không phải những con sán dài cả gang tay, bò lổm ngổm trong tế bào thịt như chúng ta đang nghĩ.
Do đó, chuyên gia nhận định, đây là cách nhận biết thịt lợn nhiễm sán không có bằng chứng khoa học. Người dân không nên tin vào những clip trên mạng kiểu này để từ chối việc ăn thịt lợn. Đây thực sự là hành động không đáng có.
Về việc đánh đồng thịt lợn là loại thịt nhiễm nhiều sán, không nên ăn, TS Từ Ngữ (Tổng thư ký Hội dinh dưỡng Việt Nam) nhận định, nếu phải phân ra những thực phẩm nào dễ bị nhiễm sán thì chắc chắn ăn thức ăn có nguồn gốc từ động vật dễ bị nhiễm sán hơn. Sán đến từ hai nguồn: một là thực phẩm đó có sán, hai là thực phẩm bị ô nhiễm và lây sán từ những nguồn khác.
"Trong các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, thực phẩm chế biến từ lợn có nguy cơ nhiễm sán cao hơn cả, sau đó mới đến gà, vịt… Trứng sán thường sẽ theo thức ăn hoặc nước uống chưa chín kỹ đi vào dạ dày và sinh sôi, nảy nở. Đó là lý do vì sao chúng ta không nên ăn thịt lợn chưa chín kỹ, còn tái hoặc ăn tiết canh, nội tạng lợn như lòng non, lòng già, dạ dày...", TS Từ Ngữ khẳng định.
Điều đó có nghĩa là nếu ăn thịt lợn nấu chín kỹ thì chúng ta không có nguy cơ nhiễm giun sán nên không việc gì phải sợ, miễn đảm bảo ăn chín uống sôi.
Giới chuyên gia cho biết thêm, để nhận biết thịt lợn có nhiễm sán hay không, khi mua hàng cần chú ý:
- Không mua thịt lợn có các ấu trùng hình bầu dục. Thịt lợn gạo thường chứa các ấu trùng nằm ở các miếng thịt, có ấu trùng dài tới 9 mm, màu trắng đục, bên trong chứa dịch thể và đầu sán.
- Khi thái thịt, có thể cắt thịt theo thớ dọc, nếu thấy các bọc nhỏ màu trắng xen giữa các thớ thịt, bắp thịt cần phải loại bỏ ngay, không nên tiếp tục chế biến vì thực phẩm này đã bị nhiễm kén sán.
- Thịt lợn sạch thường có lớp bì dày, mỡ dày, có màu trắng trong đến trắng ngà, ăn giòn, không ngấy như thịt lợn tăng trọng. Ngược lại, thịt lợn siêu nạc có lớp mỡ mỏng, lỏng lẻo, tách rời nạc và mỡ.
- Khi còn sống, thịt lợn siêu nạc có mùi tanh hơn thịt lợn sạch.
- Thịt lợn sạch có màu hồng tươi, thịt lợn siêu nạc có màu đỏ đậm khác thường, sáng bóng, có thể xuất hiện những đốm đỏ ngoài da.
Sán lợn dài đến 12m với hàng nghìn đốt chứa vài triệu trứng sán
Sán trưởng thành có thể dài đến 12 mét, gồm hàng nghìn đốt, mỗi đốt chứa khoảng 50.000 trứng, sống ký sinh trong cơ thể người.
Theo Trí thức trẻ