Chuyện xúc động về Bộ trưởng và món quà Tết những năm 80
Theo chia sẻ của ông Phạm Viết Muôn, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, năm nay các cấp đều chỉ thị không chúc tết lãnh đạo, hy vọng các doanh nghiệp sẽ khỏe, đỡ lo lắng, mất thời gian, khỏi đau đầu hợp thức hoá chi tiêu đối ngoại, đãi đằng...
Chia sẻ kỷ niệm về những năm bao cấp, khi mà phong tục tặng biếu quà Tết vẫn rất đậm nét, ông Muôn kể câu chuyện của Bộ trưởng Nguyễn Chân và Thứ trưởng Trần Anh Vinh ở Bộ Mỏ và Than thời kỳ đầu những năm 80 của Thế kỷ trước.
Ông Phạm Viết Muôn cho biết: “Năm đó khoảng Tết 1983, khi tôi còn làm giúp việc cho Bộ trưởng Nguyễn Chân ở Văn phòng Bộ Mỏ và Than, tôi theo Bộ trưởng đi thăm hỏi, chúc Tết anh em cán bộ, công nhân mỏ Công ty Than Hòn Gai. Trưa 27 Tết, chia tay anh em Văn phòng Công ty, Công ty có biếu Bộ trưởng gói quà tết theo chuẩn thời đó gồm chè, thuốc lá, đậu xanh, miến, bóng bì, bánh, mứt, kẹo... tất cả gói gọn vào trong một chiếc túi nilon buộc dây.
Bộ trưởng khi đó cảm ơn và nhất thiết từ chối, lãnh đạo Công ty thì cứ thiết tha đưa. Đưa đẩy một hồi trước cầu thang nên Bộ trưởng đành chịu, bảo chú lái xe nhận giúp và nói các cậu làm khó mình quá, mình cũng có tiêu chuẩn tết cơ mà. Trên đường về, trong xe, Bộ trường bảo tôi, chú nhớ hỏi túi quà bao nhiêu, ra Giêng hoàn lại tiền Công ty giúp tôi, tiền đó chi từ Quỹ đời sống của công nhân đấy. Tôi nghe lời và hứa sẽ thực hiện.
Sau tết, tôi hỏi Kế toán trưởng của Công ty, biết gói quà tết trị giá 64 đồng (lương của tôi lúc đó 63 đồng/tháng, lương Bộ trưởng là 192 đồng/ tháng). Đến kỳ lương, Bộ trưởng Nguyễn Chân đưa cho tôi một cục nguyên dấu ngân hàng 100 đồng tiền xu loại 1 đồng bảo trả Công ty chuyện gói quà hôm tết. Tôi báo cáo, anh cẩn thận quá, hết 64 đồng, và gửi lại Bộ trưởng 36 đồng xu 1 đồng. Các anh Công ty miễn cưỡng nhận tiền cứ nói mãi về tính chặt chẽ của Bộ trưởng".
"Một lần khác, Giám đốc Xí nghiệp Tuyển than Cửa Ông, nhân dịp tổng kết năm có biếu Bộ trưởng Nguyễn Chân và Thứ trưởng Thưởng trực Trần Anh Vinh suất quà gồm 2 tấm vải simili mỗi tấm 1,2 mét khổ 1,4 mét để may quần. Bộ trưởng gọi tôi sang bảo khó nghĩ quá vì không nhận không được, nhận rồi biết sao đây, cậu xem xử lý thế nào. Loay hoay một lúc, tôi thưa, hay anh tặng lại các cháu Nhà trẻ của Bộ ở 2F Quang Trung để bán đi mua đồ chơi, đồng thời có thư cảm ơn anh Thưởng Tuyển Than và thông báo được dùng như thế. Bộ trưởng khen tôi sáng kiến và bảo chú mời anh Vinh Thứ trưởng qua đây. Anh Vinh sang, Bộ trưởng trao đổi và anh Vinh tươi cười đồng ý tặng lại vải cho các cháu như ý Bộ trưởng.
Bộ trưởng lại bảo tôi mời anh Lới Chủ tịch Công đoàn Cơ quan sang nói và nhờ anh Lới thực hiện việc này, anh Lới phấn khởi vì tấm lòng của lãnh đạo Bộ và lâu nay kinh phí cho Nhà trẻ cũng bí. Hôm sau, tôi soạn thư Bộ trưởng ký gửi Giám đốc Xí nghiệp Tuyển than Cửa Ông về việc trên. Thời đó chưa có máy tính, thư phải viết tay, chữ tôi khi nắn nót rất đẹp, thư này mấy hôm sau được Báo Quảng Ninh chụp, đăng trang trọng, chắc anh em Xí nghiệp nói với Báo”.
“Những kỷ niệm này theo tôi cho đến tận bây giờ. Và tôi cứ giá như! Nay lại vẫn giá như!” ông Phạm Viết Muôn không khỏi bồi hồi xúc động mỗi lần nhớ về những kỷ niệm Tết xưa.