Chuyện về những cổng làng đẹp nhất kinh kỳ xưa
Tự hào về những cổng làng
Trên con phố đông đúc, những chiếc cổng làng Hồ Khẩu rêu phong với đôi câu đối 2 bên lọt thỏm giữa những căn nhà cao tầng, những hàng quán nằm dọc hai bên.
Cổng chính của Làng Hồ Khẩu |
Mặc dù, đã qua những thăng trầm, biến đổi, những quy định ngày xưa đã được xoá nhoà bởi đời sống hiện đại nhưng nhiều người già ở Làng Hồ Khẩu vẫn nhớ vanh vách những chiếc cổng làng gắn bó bao đời nay. Cổng nào dành cho quan, cổng nào dành cho dân, cổng nào dành cho đám ma, đám cưới…
Bà Lý Thị Sỉnh 84 tuổi ở ngõ 378/28, Thuỵ Khuê, Phường Bưởi kể: cụ sinh ra, lớn lên ở ngôi làng này và gắn bó với nghề truyền thống làm giấy dó. Dù tuổi đã cao nhưng những chiếc cổng làng vẫn nguyên vẹn trong kí ức. Cụ Sỉnh cho biết, mặc dù cổng làng sau này tuy có được sửa sang làm lại, nhưng vẫn không thay đổi gì so với trước mà chỉ có cách sinh hoạt bây giờ là khác xưa.
Chị Phạm Thanh Hương (con gái cụ Sỉnh) ở trong đội dâng hương của làng cho biết, vào làng Hồ Khẩu phải đi qua 3 cổng chính. Ngày xưa, cổng 372 chuyên để rước quan có bậc tam cấp, có cửa gỗ, dân thường không được đi qua cổng này. Cổng 376 là cổng dành cho mọi người dân, ngoài ra còn có cổng chùa ở ngõ 370. Ngày xưa làng Hồ Khẩu còn có cổng Cầu Dừa phía sau làng dành cho đám ma.
Tất cả những cổng làng Hồ Khẩu xưa đến nay vẫn còn tồn tại nhưng không còn phân biệt dành cho ai đi nữa. Chỉ có đám cưới, đám rước thì nhiều người vẫn còn kiêng cữ. Ví dụ như đám cưới thường không đi vào cổng quan mà đi sang cổng dân.
Cổng chính của làng Hồ Khẩu có bậc tam cấp cao, không phù hợp với đời sống hiện đại, xe máy, xe ô tô không vào được. Tuy nhiên chị Hương cho biết, điều đó chẳng phiền toái gì đối với một người làng như chị mà ngược lại chị rất tự hào. “Chỉ có một nét không phù hợp là bây giờ cổng chính bày bán cá thịt rất mất mĩ quan. Nếu là ngày xưa không bao giờ được phép”- Chị Hương tâm sự.
Vì sao cổng làng Hồ Khẩu đẹp nhất kinh kỳ?
Ông Vũ Văn Luân (83 tuổi) người làng Hồ Khẩu, là giáo viên dạy văn về hưu đồng thời là Trưởng ban Di tích của làng cho biết: những chiếc cổng làng Hồ Khẩu không những đẹp mà còn có rất nhiều ý nghĩa. Những câu đối ghi lại những sự kiện của làng, mô tả cảnh đẹp vẫn còn lưu giữ đến ngày nay.
Ông Vũ Văn Luân đang đọc câu đối được ghi ở cổng chính - Nơi ngày xưa chỉ dành cho quan đi |
Cổng 376 ghi đôi câu đối: “Cổ vãng kim lai hành chính đạo/ Nam du Bắc ngoạn ngưỡng Tây Hồ.” Nghĩa là từ xưa đến nay đây là con đường chính. Để chiêm ngưỡng cảnh đẹp của Hồ Tây thì mọi người đều đi qua con đường này. Phía trước những cổng làng Hồ Khẩu còn giáp với Phượng Thành (một phần của thành Thăng Long xưa). Ngày đó, dòng sông Tô Lịch thơ mộng trong xanh cũng tấp nập thuyền bè qua lại tạo nên cảnh đẹp nên thơ phía trước làng.
Theo ông Luân, cổng làng có từ bao giờ rất khó xác định nhưng những cổng làng hiện nay thì có thể được xây dựng từ thời Nguyễn. Dân làng Hồ Khẩu chính thức xây từ thời làng phát quan, đó là khi 3 anh em ông Lý Văn Phức đều đỗ cử nhân, ông Phức là quan thượng thư bộ lễ triều Nguyễn.
“Nhưng sau đó thì làng Hồ Khẩu không còn “phát quan” nữa vì một sự kiện là có một người con rể của làng cũng đỗ cử nhân, theo phong tục làng phải ra sửa cổng đón rước. Nhưng do có ý kiến “làng này không thiếu quan” nên không tổ chức đón rước. Sau đó ông cử nhân này về, đã cho quay ngang ngôi đình làng (trước đây đình quay ra phía cổng). Từ đó làng mất quan.” – Ông Luân cho biết.
Căn cứ vào câu đối ở cổng chính (372), thì nó gắn liền với lịch sử của Làng Hồ từ thời Hùng Vương. Ngày xưa 2 đức Thánh làng Hồ Khẩu giúp vua Hùng đánh thắng quân thù, mở hội khải hoàn ca ở cổng làng và ghi 2 câu đối ở cổng giữa. Câu đối đại ý rằng: Nơi đây cởi bỏ áo giáp, còn nghe rõ tiếng sóng kình vọng tới, và còn nghe cả tiếng ngựa hí/ Đến nay trẻ già còn truyền lại sự việc đó. Tích ấy còn lưu lại ở gò Long Tản và miếu Quy Đôi, gió mưa đã được che chở từ xưa…
Đôi câu đối trên ở cổng chính bị mất 5 chữ nhưng ông Vũ Văn Luân nhờ giáo sư Kiều Thu Hoạch giúp khôi phục lại thì đến nay vẫn nguyên vẹn mặc dù lớp hậu sinh sau này ít người đọc và hiểu được ý nghĩa của nó.
Người làng Hồ Khẩu vẫn tự hào về truyền thống của mình. Tự hào về những cổng làng, những đình chùa qua bao niên đại vẫn còn tồn tại để kể cho hậu thế về những câu chuyện lịch sử của cha ông. Họ tự hào về nghề làm giấy dó nổi tiếng dù bây giờ nghề làm giấy dó chỉ còn trong kí ức của những người già như ông Luân, bà Sỉnh…