Chuyện người phụ nữ "nghiện" hiến tạng
Bị cả nhà cho là điên vì hiến thận sống
Chúng tôi tìm đến gặp chị Phạm Thị Tuyết ở xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng vào những ngày mưa rét cuối năm 2015. Chị Tuyết là người phụ nữ đã quyết định hiến một quả thận của mình cho người không quen biết. Người phụ nữ dám nghĩ, dám làm việc “tày đình” ấy vẫn khỏe mạnh và còn được lên ti vi nữa.
Mấy tháng qua, gia đình chị trải qua các cung bậc thăng trầm của cảm xúc từ lo lắng tột độ đến cười rộn ràng khắp nhà. Hàng xóm, bạn bè cứ gặp chị Tuyết lại gọi tên “Tuyết hiến tạng”.
Câu chuyện đi hiến thận của chị Tuyết khiến người nghe đều cảm phục. Chị Tuyết kể: một lần, chị tình cờ vào bệnh viện thăm người quen và chị gặp những người phải chạy thận nhân tạo. Cả cuộc đời của họ gắn chặt với máy móc và các thiết bị lọc máu. Nhìn họ héo hắt, cầu tay, cầu chân nổi cục lên vì những mũi kim chọc lọc máu. Chị ám ảnh lắm và day dứt nghĩ cách làm sao để giúp được họ.
Và rồi, chị biết đến việc hiến tạng qua một chương trình phóng sự trên ti vi. Ngay thời khắc ấy, trong đầu chị nghĩ sẽ hiến một quả thận của mình cho người bệnh để giúp đỡ họ. Với chị, tiền bạc và thời gian chị không có vì chị chỉ làm công nhân, lương tháng 4, 5 triệu đồng, lại nuôi hai con nhỏ, nên chị quyết định chia sẻ sự sống trên cơ thể mình.
Chị Tuyết bắt đầu ấp ủ ước nguyện hiến tạng, tìm hiểu về ghép tạng và hiến tạng ở Việt Nam. Nhưng mỗi lần nói đến chuyện hiến tạng sống, cả gia đình hai bên và chồng chị lại phản đối kịch liệt.
“Tôi như kiểu có tiền duyên gì đó nên ham lắm, người nhà cản kiểu gì cũng không được. Bố mẹ bảo hiến tạng rồi ốm đau ai chăm con, ai cũng bảo cái Tuyết nó điên rồi. Nhưng tôi quyết tâm thực hiện tâm nguyện của mình”, chị Tuyết tâm sự.
Một ngày, chị lên Trung tâm Điều phối quốc gia về hiến tạng để tư vấn và làm xét nghiệm hiến tạng tại Bệnh viện Việt Đức. Khi có kết quả xét nghiệm, chị cầm trên tay với lời hẹn ra về để chờ tìm người ghép phù hợp.
Lúc đó, có một ông bố đến trung tâm đăng ký danh sách chờ hiến tạng. Ông thấy kết quả của chị Tuyết hợp với con trai mình. Ông đã nắm chặt lấy tay chị và cầu xin chị hãy cứu lấy con ông. Chị Tuyết cũng bất ngờ nhưng rồi nước mắt của người cha đã làm lay động chị. Chị đã đồng ý sẽ hiến tặng quả thận của mình dù chưa bàn bạc với gia đình.
Về nhà, chị kể với gia đình nhưng ai cũng phản đối. Bố mẹ hai bên nội ngoại ai cũng ngăn cản. Nhưng chị Tuyết chỉ nói một câu: “Nếu con có làm sao, con cũng không hối tiếc vì con làm việc thiện để lại phúc đức cho các con của con, nên bố mẹ hãy cho phép con”. Mọi người đều lặng người đi khi nghe chị chọn cách san sẻ sự sống với người lạ để lại phúc đức cho con cháu mình.
Hiến tạng cứu người - sự sống được sẻ chia, đó là thông điệp vô cùng nhân văn. |
Gia đình người nhận thận ở Lạng Sơn. Ca phẫu thuật thành công hơn cả mong đợi của chị Tuyết. Chị vẫn khỏe và cuộc đời lại có thêm một người khỏe mạnh nữa. Sau gần 10 tháng phẫu thuật, sức khỏe của chị Tuyết vẫn khỏe mạnh như lúc còn hai quả thận. Chị Tuyết còn tâm nguyện hiến tặng gan cho những người bệnh. Hiện nay, chị đang làm các thủ tục hiến tặng gan. Chị bảo: “Cái gì hiến được, san sẻ được chị sẽ làm hết”.
Dường như người phụ nữ trẻ ấy “nghiện” hiến tạng. Không chỉ riêng mình, chị còn vận động bố mẹ, chồng đăng ký hiến tạng khi không may bị chết não. Điều đặc biệt, anh Nguyễn Văn Thực - chồng chị cũng đăng ký làm các xét nghiệm để hiến thận sống.
Sau hiến thận, chị Tuyết lại quay về làm công nhân giày da, còn chồng chị làm thợ thạch cao. Anh đi làm theo công trình khi thì ở Hải Phòng, lúc sang Lạng Sơn, Bắc Giang… Với chị Tuyết, khi sự sống cho đi, yêu thương sẽ ở lại với vợ chồng chị mãi mãi.
Thoát khỏi ung thư chỉ mong hiến tạng
Sư thầy Thích Đạo Cảnh hiện tu tại chùa Diên Phúc, huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội cũng là một người hiến tặng thận cho người không quen biết. Thầy Cảnh tâm sự, thầy đến nương đạo Phật được 8 năm nay. Trước khi nương cửa Phật, thầy Cảnh cũng là một người đàn ông như bao người bình thường khác.
Tuy nhiên, sau lần người vợ bỏ ra đi, thầy đã quyết định khăn gói đi tu. Lúc ấy, thầy đến các chùa ở Hà Nội xin nương nhờ nhưng không chùa nào nhận bởi “trông dáng thầy vẫn nặng duyên trần”. Thầy Cảnh không tin rằng mình không tu được.
Thế rồi, duyên đưa thầy đến chùa Diên Phúc. Năm 2012, thầy Cảnh xuống chùa Ba Vàng, Quảng Ninh làm công quả trông coi việc xây dựng chùa. Ở đây, thầy thấy sức khỏe sa sút, mệt mỏi. Thầy đi kiểm tra sức khỏe tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển ở thành phố Uông Bí, bác sĩ phát hiện thầy bị ung thư gan giai đoạn 2.
Giống như nhiều người khác, khi biết mình bị ung thư, thầy Cảnh vô cùng lo lắng và đã xin về Hà Nội để dưỡng bệnh. Về đến Hà Nội, thầy quỳ xin trước điện tam bảo với tâm niệm cầu nguyện đức Phật “nếu con qua được bệnh tật, con sẽ hiến tất cả những gì con có để cứu sống người khác”.
Lời tâm niệm như một phép mầu. Suốt thời gian đó, thầy Cảnh chỉ lần tràng hạt, ăn uống và điều trị khoa học. Rồi các tế bào ung thư đã biến mất. Khối u ở gan được bác sĩ chẩn đoán lành tính. Và thầy Cảnh nghĩ đến việc sẽ đi hiến tạng.
Thầy đã đến Bệnh viện Việt Đức xin hiến gan. Trung tâm Điều phối quốc gia và hiến tạng lúc ấy mới thành lập nên mọi thứ còn phức tạp chứ chưa đơn giản như bây giờ. Thầy Cảnh phải đi đi lại lại rất nhiều lần. Thầy quyết định hiến 1 lá gan nhưng bác sĩ làm xét nghiệm thấy gan của thầy có khối u, dù lành tính nhưng không thể hiến được. Thầy Cảnh lại xin hiến một quả thận. Thầy làm các xét nghiệm và kết quả hợp với người đàn ông 62 tuổi ở Lào Cai. Thầy vui lắm vì tâm nguyện của mình đã được thực hiện.
Người nhận thận bị suy thận hàng chục năm qua, phải chạy thận nhân tạo, giờ đã khỏe mạnh, về nhà vui vầy với con cháu thay vì lủi thủi ở viện chạy sự sống như ngày nào. Từ sau khi phẫu thuật hiến thận, sức khỏe thầy Cảnh tốt lên, tâm thầy thanh thản. Với những người quyết cho đi một phần sự sống của mình, họ đều hiểu rằng sự sống chia sẻ thì yêu thương còn mãi.