Chuyện người phụ nữ đi chôn cất những sinh linh bé nhỏ
Bà là Nguyễn Thị Nhiệm (Đồi Cốc – Sóc Sơn), một người nông dân theo đạo công giáo. Từ năm 2006 trong một lần đi thăm người thân sinh nở trong bệnh viện, bà vô tình chứng kiến một ca nạo phá thai ngoài ý muốn. Xót xa cho thân phận đứa trẻ bị chết yểu, bà đã xin các bác sĩ và bệnh viện được chôn cất cho đứa bé đó và được chấp thuận.
Rồi dần dần những lần tiếp theo, bà chủ động hơn trong việc đi xin các thai nhi bị nạo bỏ tại những khu vực lân cận và đem về khu Đất thánh cạnh làng để chôn cất. Thời gian khó khăn nhất của bà là khi mới bắt đầu công việc thiện nguyện này là những ngày bất kể nắng mưa đạp xe đi xin hài nhi, là những lời bàn tán xì xào của hàng xóm láng giềng.
Rất may, bà lại nhận được sự cảm thông và ủng hộ của gia đình và Cha xứ trong giáo phận. Dần dần, công việc của bà nhận được sự ủng hộ của bà con làng xóm. Tới nay, chồng và con trai bà ngày hai lượt đi xin các hài nhi ở những phòng khám thai, thi thoảng khi chồng con bà bận việc thì cũng có người của phòng khám mang hài nhi tới cho bà.
Còn bà cùng cô cháu họ là Nguyễn Thị Thanh và những người phụ nữ trong thôn xóm cùng đảm nhận công việc khâm liệm và chôn cất các thai nhi bé nhỏ. (Thỉnh thoảng đôi tháng một lần, cũng có những nhóm sinh viên công giáo ở Hà Nội hoặc các tỉnh lân cận về giúp đỡ xây dựng hoặc sửa sang nghĩa trang).
Nghĩa trang Đồi Cốc – Sóc Sơn là nơi an táng của hơn 60.000 hài nhi trong suốt 8 năm qua. |
Ngày trước, khi mới được thành lập, mỗi khi đi xin hài nhi về, bà đều phải liệm và chôn luôn trong ngày. |
Từ ngày được những nhà hảo tâm thiện nguyện, nghĩa trang đã xây được một ngôi nhà liệm nho nhỏ, một chiếc tủ bảo ôn, và các dụng cụ khác như vải liệm, quần áo trẻ sơ sinh... thì công việc của bà đã đỡ vất vả hơn. |
Các hài nhi sau khi được xin về sẽ được bảo quản trong một chiếc tủ bảo ôn, và thường tới cuối tuần các em sẽ được chôn cất cùng một lúc. |
Nhưng với số lượng quá lớn của các ca nạo phá thai, nghĩa trang thiếu đất và bà đã quyết định cắt một miếng đất trong khu vực ruộng lúa của gia đình mình để xây nghĩa trang làm nơi chôn cất các sinh linh tội nghiệp |
Đặc biệt, nghĩa trang còn được những em nhỏ sống quanh đây thường xuyên lui tới chăm sóc |
Vào Những ngày nghỉ như thứ Bảy, Chủ Nhật hay dịp nghỉ hè chúng nó đều ra chơi ở nghĩa trang và khi bà Nhiệm nhờ những việc như bưng tiểu, bê cát hoặc đậy tiểu và lấp cát trên mộ chúng nó đều làm mà ko e ngại gì cả. Bà Nhiệm cho biết, vì những đứa bé trên đều theo đạo Công Giáo nên chúng không có khái niệm sợ hãi những người đã khuất như mọi đứa trẻ khác. |
Công việc của bà Nhiệm còn được một người cháu gái là Nguyễn Thị Thanh ủng hộ |
Hằng ngày, ngoài giờ làm ở khu công nghiệp, Thanh đều về phụ giúp bà Nhiệm trong công việc thầm lặng này. |
Tuy vậy, không phải tất cả các hài nhi ở đây đều là do nạo phá thai, cũng có những trường hợp thai nhi bị hỏng bắt buộc phải phá bỏ hoặc những đứa trẻ sinh non bị chết hoặc những trường hợp đã được sinh xong nhưng người mẹ đã bỏ rơi đứa con của mình. |
Với những trường hợp các hài nhi đã lớn và hình thành cơ thể, các em sẽ được cha xứ hoặc người nhà đặt tên và trên mộ các em sẽ có bia một ghi tên, ngày tháng năm mất. |
Bà Nhiệm ước tính, trung bình mỗi ngày có khoảng 20 tới 30 hài nhi bị nạo bỏ, tuy nhiên có những đợt cao điểm đó là sau khi nghỉ lễ vài ba tuần thì con số có thể lên tới cả trăm ca một ngày.Theo ghi nhận của PV Infonet, đây là khu vực tập trung khá đông các nhà trọ của công nhân ở các khu công nghiệp Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn. |
Thi thoảng bà Nhiệm có may mắn cứu sống được một vài em nhỏ sau khi sinh xong bị mẹ bỏ lại, bà mang về để khâm liệm thì phát hiện ra em vẫn còn thở. Và bà nuôi dưỡng các em trong một khoảng thời gian, sau đó các em sẽ được gửi lên một trung tâm nuôi trẻ mồ côi gần đó. |
Hoặc cũng có trường hợp những người trẻ mang thai ngoài ý muốn đang có ý định từ bỏ thai nhi nhưng được bà khuyên giải và từ bỏ ý định đó. Bà đã dành một căn phòng nhỏ trên tầng hai trong ngôi nhà của mình để nuôi dưỡng những người phụ nữ ấy tới ngày sinh nở để những em nhỏ có cơ hội được... sống. |