Chuyện một người lính già và những chuyến đi tìm hình của Bác
Ông Đinh Văn Thân cùng hàng nghìn bức hình về Bác Hồ. |
Trong quá trình công tác, ông Thân là người hiếm hoi có cơ duyên ba lần được gặp Bác Hồ. Ở tuổi gần 90, ông Thân đều nhớ như in từng câu nói, từng lời dạy của Bác. “Bác nói ngắn gọn, nhẹ nhàng nhưng rất dễ hiểu” - ông Thân bồi hồi nhớ lại.
Không chỉ có Bác Hồ, trong căn phòng nhỏ của vợ chồng ông Thân được treo rất nhiều các danh nhân nổi tiếng Thế giới. |
Cũng chính từ ba lần gặp đó, ông Thân như giác ngộ ra một lý tưởng đó là học tập theo lối sống và đạo đức của Bác Hồ. Đến năm 1981, sau khi nghỉ hưu, ông bắt đầu dành nhiều thời gian, những đồng lương hưu ít ỏi đi sưu tầm những bức ảnh, những câu chuyện, những bài học gắn với các bức ảnh về Bác Hồ. Và từ đó đến nay, sau hơn 30 năm, một bộ sưu tập với gần 3.000 bức ảnh về Bác được dựng lên và ông Thân - chủ nhân của bộ sưu tầm đó như một cuốn từ điển về Bác Hồ khi tìm hiểu và viết lại chú thích cho từng bức ảnh Bác.
Kể từ những ngày bắt đầu nghỉ hưu, ông Thân đã đến những nơi Bác Hồ từng ở với phương châm rất đơn giản: “Nơi nào Bác ở thì nơi đó có hình của Người”. Những chuyến đi của ông Thân có chỗ xa, chỗ gần; có chỗ khó đi, dễ đi và có những chuyến đi trong ngày nhưng cũng không ít những chuyến đi hàng tuần mới về… nhưng không phải chuyến đi nào ông cũng thu được kết quả!
“Với đồng lương hưu ít ỏi, mỗi chuyến đi của tôi như một trận đánh” – người lính quân y một thời vui vẻ kể. Mỗi lần biết thông tin ở nơi nào có ảnh của Bác, ông Thân phải suy tính rất kỹ trước khi lên đường vì mỗi khi ra khỏi nhà là hàng trăm thứ phải toan tính chờ ông trước mắt như: tiền đi lại, ăn ở, sức khỏe, làm sao để xin được ảnh, gặp ai để hỏi về những câu chuyện…
Mặc dù đã nằm một chỗ từ khá lâu nhưng số lượng ảnh ông Thân có được vẫn tăng lên, đó là nhờ tấm danh thiếp handmade mà ông đi rải khắp nơi. |
Trong bộ sưu tầm của ông Thân, có một số lượng ảnh không nhỏ ông có được nhờ những tấm danh thiếp handmade (làm bằng tay). Ý tưởng đó xuất phát từ lần đến Bảo tàng Hải quân (Hải Phòng). Trong lần đó, do không xin được ảnh gốc, ông Thân đã đứng gần nửa ngày trời ngắm tấm hình của Bác Hồ như người mất hồn.
Khi biết hoàn cảnh và cảm phục trước tấm lòng của ông, mọi người ở Bảo tàng bảo ông để lại địa chỉ nhà, khi nào có điều kiện sẽ chụp lại tấm hình rồi gửi về cho ông. Và từ đó, ông “phát tán” danh thiếp của mình những nơi ông đến. Thành quả đạt được là, trong 2 năm nằm giường bệnh, bộ sưu tầm của ông tăng từ con số 1.200 lên tới hơn 3.000 ảnh.
Chia sẻ về sự thành công của bộ ảnh, ông Thân không quên nhắc tới người vợ tảo tần Tô Thị Huế với tất cả sự trìu mến, yêu thương. Là người bạn đời cũng là đồng nghiệp với ông hàng chục năm qua, đến khi nghỉ hưu bà Huế quá hiểu ngọn lửa của tình yêu, sự kính trọng, cảm phục vị lãnh tụ luôn cháy trong ông nên thay bằng ngăn cản vì lý do kinh tế, sức khỏe của chồng, bà Huế càng động viên chồng mỗi khi ông chuẩn bị lên đường.
“Khó khăn nhất trong mỗi chuyến đi của chồng tôi là kinh phí. Ở nhà thì còn bà con láng giềng chứ đi ra đường thì biết trông cậy vào ai?” – bà Huế cho biết. Tuy nhiên, từng đấy năm, từng đấy chuyến đi của ông Thân, bà Huế chưa bao giờ để chồng phải phiền lòng vì chuyện đồng tiền bát gạo. Có những khi nhà không còn tiền, bà lại chạy đi vay mượn hàng xóm rồi tháng sau bớt chi tiêu để lấy số tiền lương hưu ít ỏi của 2 vợ chồng già bù vào.
Hình ảnh quen thuộc trước khi ông Thân đi công tác. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Người dân xã Gia Phú đã quá quen với hình ảnh bà Huế cắt tóc cho chồng ở ngoài sân, vì đó là dấu hiệu cho thấy ông chuẩn bị bắt đầu một chuyến đi dài ngày. “Đã bao lâu nay tôi không hề tốn một đồng tiền cắt tóc nào! Xấu đẹp gì cũng là vợ mình cắt, bà ấy thấy đẹp là được rồi!” – ở tuổi gần 90, ông Thân vẫn ý nhị trêu đùa người vợ đã chăm lo cho ông từ lúc trẻ khỏe đến khi ngã bệnh.
Còn bà Huế thì giải thích thêm: “Không thể đồng hành cùng ông ấy trong mỗi chuyến đi, thôi thì cứ ở nhà chăm sóc gia đình, con cái để chồng yên tâm lên đường là được rồi. Mỗi khi ông ấy lên đường, tôi cũng chỉ biết thắp hương cầu cho ông ấy chân cứng đá mềm, an toàn thôi!”.
Bà Huế với căn phòng nhỏ nhưng ngăn nắp của hai vợ chồng người lính già. |
Cho đến thời điểm này, khi đã tạm ưng ý với bộ sưu tập, ông Thân nghĩ xa hơn một bước và quyết định tặng 2 quyển album với hơn 2.000 ảnh được ông ép plastic dán cẩn thận lên từng trang giấy với chú thích tỉ mỉ từng ảnh một cho Bảo tàng tỉnh Ninh Bình. “Qua bộ sưu tầm, tôi muốn thế hệ trẻ sau này sẽ hiểu và học tập theo tấm gương đạo đức và lối sống của Bác Hồ!”- ông Thân chia sẻ ước nguyện của mình về bộ ảnh.