'Vũ điệu ánh sáng' tuyệt đẹp soi sáng bầu trời Na Uy
Dải ánh sáng xanh tuyệt đẹp thu hút sự chú ý của nhiều người trên khắp thế giới.
Cực quang tuyệt đẹp soi sáng bầu trời Na Uy |
Ánh sáng từ bầu trời đã làm mê hoặc và quyến rũ rất nhiều cư dân trên khắp thế giới qua nhiều thời đại. Hiện tượng thiên nhiên tuyệt đẹp được đề cập trong các văn bản do nhà triết học và bác học thời Hy Lạp cổ đại Aristotle viết. Các văn bản Trung Quốc từ năm 2000 trước Công nguyên cũng mô tả ánh sáng như những ngọn đèn phía bắc.
Phải đến thế kỷ 17 hiện tượng cực quang mới được nghiên cứu một cách có hệ thống và khoa học hơn.
Mới đây hiện tượng thiên nhiên tuyệt đẹp xuất hiện trên bầu trời Na Uy. Cặp đôi người địa phương Jacqueline Garellick và bạn trai, đang đi trên đường thì phát hiện ra loạt dải sáng cực quang đang nhảy múa trên bầu trời.
Cặp đôi dừng lại quay video và chia sẻ lên mạng xã hội, rất nhanh sau đó video gây sự chú ý của cư dân mạng.
Cực quang là hiện tượng quang học đặc trưng bởi sự thể hiện loạt ánh sáng đầy màu sắc trên bầu trời đêm. Các cực quang mạnh nhất thường diễn ra sau sự phun trào hàng loạt của Mặt Trời. Khi xảy ra cực quang, bầu trời xuất hiện các dải sáng liên tục chuyển động và thay đổi, trông giống như những dải lụa màu trên cao. Đây có thể coi là một trong những hình ảnh đẹp của tự nhiên.
Các cực quang được sinh ra do tương tác của các hạt trong gió mặt trời với khí trong bầu khí quyển, vì thế chúng là rõ nét nhất ở các vĩ độ cao gần các cực từ. Cực quang diễn ra ở Bắc bán cầu Trái đất được gọi là Bắc cực quang, ở Nam bán cầu gọi là Nam cực quang. Quầng ánh sáng màu xanh pha tím lung linh trên bầu trời luôn cuốn hút du khách thích phiêu lưu khám phá.
Hàng năm, du khách ở khắp nơi trên thế giới đổ về đây để có cơ hội chiêm ngưỡng hiện tượng kỳ thú. Bắc cực quang có thể được nhìn thấy từ tháng 9 đến tháng 4 ở Bắc bán cầu và từ tháng 3 đến tháng 9 ở Nam bán cầu.
Na Uy là một trong những nơi quan sát được Bắc cực quang đẹp nhất, ngoài ra còn có vùng Lapland, Phần Lan hay t hị trấn Kiruna nằm tại cực bắc Thụy Điển, Đảo Greenland ...
Nam Bán cầu có ít địa điểm ngắm cực quang hơn Bắc bán cầu, trong đó Tasmania (ảnh) thuộc Australia và New Zealand là 2 nơi có thể chiêm ngưỡng cực quang.
Có gì đặc biệt trong cục chất thải cá voi nhà táng có giá 5,3 tỉ đồng?
Một ngư dân Thái Lan phát hiện cục sáp nặng 7kg là chất thải nôn ra từ miệng con cá voi nhà táng, có trị giá hơn 230.000 USD (khoảng 5,3 tỉ đồng).
Hoàng Dung (lược dịch)