Mê cung thần linh bên Dốc Khỉ

Lần theo câu chuyện nhuốm màu hư thực, tôi tìm về vùng đồi Khỉ, nơi có Khu di chỉ khảo cổ Cát Tiên-di tích duy nhất đến nay trên vùng đất Tây Nguyên được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt...

Tôi xuôi về vùng đất Cát Tiên (Lâm Đồng) khi “tháng quên” vừa mới bắt đầu. Theo cách tính của đồng bào dân tộc Mạ ở đây, “tháng quên” là tháng khởi đầu của một năm mới. Trong thời gian này, mọi người sẽ “tạm quên” mọi ưu phiền cũng như công việc lao động, sản xuất hằng ngày. Sau khi thực hiện lễ cúng thần linh cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, sức khỏe dồi dào, người dân trong buôn sẽ đi từ nhà này sang nhà khác để tham dự những tiệc vui. Đêm đêm, bên ánh lửa bập bùng và âm thanh rộn rã, gọi mời của dàn cồng chiêng, những người con của “tảng đá lớn”(*) cùng say sưa trong điệu múa kar koi (tuốt lúa), ur ruh lót mir (đi rẫy), gir ka (bắt cá), peh mỉ (phát rừng). Khi men rượu cần mềm môi, con chim ăn đêm cất tiếng lảnh lót gọi nhau về tổ, già làng bắt đầu kể chuyện về miền Cát Tiên cổ xưa. Chuyện rằng, thuở xưa có một chàng trai người Mạ vào rừng săn thú, trên đường đi, chàng bắt gặp một thác nước khổng lồ cản đường. Bực tức, chàng giương cung bắn, chàng đâu biết đó chính là Thần Nước. Thần nổi giận đuổi theo, chàng chạy tới đâu, dòng nước cuốn theo tới đó. Đang đuổi bắt, họ bỗng thấy trước mặt có những nàng tiên xinh đẹp đang tắm gội, đùa vui trên dòng suối. Trên bờ là bãi cát trắng ngần, tinh khiết cùng muôn loài cỏ cây hoa tỏa hương thơm ngát. Mải ngắm nhìn, Thần Nước quên đi nỗi tức giận, những dòng nước lớn tỏa ra, đọng lại thành từng bàu lớn. Các địa danh: Cát Tiên, Bàu Sen, Bàu Sấu, Bàu Chim… ra đời từ đó.

Mê cung thần linh bên Dốc Khỉ - ảnh 1

Bộ linga và yoni lớn nhất trong khu thánh địa Cát Tiên.

Đêm về khuya, hương xuân càng thơm đầy trong ngôi nhà dài, già làng lại kể phía đồi Khỉ cạnh dòng Đạ Đờng (nghĩa là nước lớn, tên gọi của người Mạ về sông Đồng Nai) vốn là nơi ở của các thần linh. Mỗi vị thần có một quyền năng, ví như Ka Linh là Nữ thần Nghề dệt, K’Diêng là Thần Chiến tranh, K’Mun là Thần Sấm sét, còn Ka Kông là Nữ thần Tình yêu của xứ sở, mỗi đêm có 100 chàng trai tìm tới, sáng hôm sau, số nhẫn các chàng trai tặng cho nàng đựng đầy trong 7 chiếc chiêng. Trên các gò đồi, các thần đều xây cho mình những cung điện nguy nga, rộng lớn, trước cửa có voi, ngựa, cá sấu canh giữ. Rồi một ngày, một trận sương đá đã biến tất cả cung điện, đền đài, trâu, bò, voi, cá sấu thành tượng đá. Các thần bỏ đi, cây cối mọc lên, thú rừng về ở, vùng đồi Khỉ trở nên hoang vắng, chìm khuất dưới bóng đại ngàn.

Lần theo câu chuyện nhuốm màu hư thực, tôi tìm về vùng đồi Khỉ, nơi có Khu di chỉ khảo cổ Cát Tiên-di tích duy nhất đến nay trên vùng đất Tây Nguyên được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Theo các vị cao niên ở đây, vùng này xưa kia có rất đông loài khỉ sinh sống. Mỗi khi vượt qua con dốc từ Đạ Tẻh vào Cát Tiên, người đi đường thường bắt gặp những đàn khỉ hàng trăm con xuống sông Đồng Nai uống nước, nhiều người còn bị chúng chạy theo túm áo, ăn cắp đồ. Cái tên Đồi Khỉ, Dốc Khỉ ra đời là vì thế.

Cách đây 30 năm, tại khu vực Đồi Khỉ, lần đầu tiên, người ta phát hiện ra dấu tích của một đô thị tôn giáo cổ bị chôn vùi dưới lòng đất và những cánh rừng. Qua nhiều đợt khai quật, các nhà khảo cổ phát hiện dưới lòng đất có vô số đền tháp, mộ tháp, nhà lễ, đài thờ, hệ thống dẫn nước, giếng nước, cùng với đó là hàng nghìn cổ vật như mi cửa, cột đá, sinh thực khí nam và nữ (linga, yoni), tượng, tiền, đồ gia dụng, trang sức, công cụ lao động, vũ khí, tác phẩm nghệ thuật, đồ hiến tế… được làm bằng các chất liệu như đá, đất nung, sắt, đồng, vàng, bạc, đá quý. Trong đó, tiêu biểu là bộ linga-yoni bằng đá sa thạch lớn và đẹp nhất Đông Nam Á, cao 2,1m; bệ yoni hình vuông, mỗi cạnh 2,26m, được mài đẽo hết sức công phu; tiếp theo là linga bằng đồng, hình trụ tròn, cao 52cm, đường kính 25cm, nặng 9kg, bên trong đúc rỗng; riêng chiếc linga bằng thạch anh cao 25cm, nặng 3,45kg, màu trắng đục nhưng khi đưa ra ánh nắng sẽ chuyển sang màu trắng trong tinh khiết là linga bằng chất liệu đá bán quý lớn nhất được tìm thấy tại Việt Nam. Đặc biệt, các nhà khảo cổ còn phát hiện 265 mảnh vàng thể hiện những chủ đề liên quan đến tín ngưỡng tôn giáo và các văn tự cổ. Từ những hiện vật đã tìm thấy, các nhà khoa học xác định đây là một thánh địa Bà La Môn giáo được kiến tạo trong khoảng thời gian từ thế kỷ thứ VII đến thế kỷ thứ XI, phân bố trên một phạm vi rộng khoảng 120km2.

Bước trên những bậc thềm nhuốm màu thời gian, tôi có cảm giác như đang lạc vào mê cung của các thần linh. Tại những đền tháp, hình ảnh các vị thần được tái hiện dày đặc qua các bức tượng, vật thờ, phù điêu. Từ “Tam vị nhất thể” cao nhất trong tôn giáo Bà La Môn gồm: Barahma-Vishnu-Shiva đến các vị thần khác như Indra, Surya, Laksmi, Uma, Ganesha, vũ nữ và thầy tu; các vật thần như bò thần Nandin, ngỗng Hamsa, voi Airavanta, khỉ Hanuman, trâu, ngựa, lợn, chim, cá; các biểu tượng gắn với thần như hoa sen, đinh ba, bánh xe luân hồi… Tất cả đều phản ánh thế giới tâm linh huyền bí, sống động mà ở đó, yếu tố đa thần, phồn thực là nét chủ đạo, coi âm lực và dương lực là nguồn gốc của sự sống và sáng tạo. Với quy mô hoành tráng, được xây dựng theo chuẩn tắc nghiêm ngặt, phong cách kiến trúc tao nhã, nghệ thuật chế tác vô cùng tinh xảo, khu thánh địa là bằng chứng hùng hồn về một nền văn minh rực rỡ đã từng tồn tại dưới chân dãy Nam Trường Sơn cách đây nhiều thế kỷ.

Bên cạnh những dấu hiệu đã được giải mã và làm sáng tỏ, nhiều yếu tố của khu thánh địa đến nay vẫn còn là điều bí ẩn. Thánh địa Cát Tiên thuộc về quốc gia nào trong lịch sử và chủ nhân thực sự của nó là ai? Lý do nào khiến nó sụp đổ và chìm vào quên lãng? Hệ thống văn tự cổ mà người xưa đã viết trên những lá vàng có ý nghĩa như thế nào? Những bí ẩn ấy không chỉ thách thức các nhà khoa học mà còn kích thích mạnh mẽ trí tưởng tượng, phán đoán của người ưa khám phá, tìm hiểu. Với tôi, một kẻ lãng du trong mùa xuân, khi về với Cát Tiên, có một niềm tin mãnh liệt rằng: Vùng đất này chính là xứ sở của thần linh, chốn huyền thoại và hiện thực gặp gỡ, nơi vẻ đẹp cuộc sống đã ngưng đọng và trở nên bất tử.

---------------

(*) Huyền thoại của người Mạ cho rằng họ được sinh ra từ một tảng đá lớn.

Bài và ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG/Báo Quân đội nhân dân

Ngôi nhà sàn được làm từ 500 khối gỗ lim, mất hơn 2 năm mới hoàn tất

Nhà sàn gỗ lim lớn nhất Việt Nam từ lâu đã trở thành một điểm đến hấp dẫn khi du khách đến với TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

Ngôi làng ở Hưng Yên, người dân phất lên nhờ đi khắp cả nước mua thứ đồ 'bỏ đi'

Hơn 30 năm qua, kinh tế của người dân ở làng Khoai (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) phát triển mạnh mẽ, nhiều người thành tỷ phú nhờ đi khắp cả nước mua thứ người khác bỏ đi như nhựa, nilon.

Có con trâu hiếm, lão nông miền Tây thu hút hơn 200 người đến xem mỗi ngày

"Lúc đến mua, chỉ cần nhìn qua là tôi ưng ngay, bộ lông mượt, ánh mắt linh hoạt và khoang khoáy (xoáy trên mình trâu) rất đẹp", ông Càng kể về con trâu hiếm của mình.

Cụ ông 80 tuổi qua đời, con cháu phát hiện 'kho tiền' được chôn dưới lòng đất

Sau khi qua đời, gia đình ông tình cờ phát hiện ra số tiền lớn nhưng khi đào lên thì tiền bị mốc, hỏng hơn một nửa.

Ngôi làng tỷ phú ở Vĩnh Phúc, người dân 'hái ra tiền' xây lâu đài nhờ một nghề

Tại xã Vân Xuân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc có một ngôi làng nhỏ nhưng biệt thự mọc lên như nấm. Người dân quanh đây gọi nơi này là làng tỷ phú.

Chuyện khó tin trong căn biệt thự bỏ hoang ở Vĩnh Phúc

Được xây dựng cách đây gần 20 năm, căn biệt thự trên thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc vẫn đang bị bỏ hoang.

Kỳ lạ phiến đá 'nở hoa' ở Quảng Nam, người dân hiếu kỳ lo hiện tượng thời tiết

Thời gian gần đây, người dân xứ Tiên Phước (tỉnh Quảng Nam) xôn xao chuyện một tảng đá "nở hoa" trên dòng sông Trạm.

Giấc mơ cứu cả làng và những huyền tích ly kỳ ở công trình 200 năm tuổi Cần Thơ

Ông Bảy kể, thời khai hoang mở đất, nhiều người bị bệnh nhưng chữa không khỏi. Một hôm, ông từ nằm mơ thấy cụ già bảo dân làng lấy vỏ cây nấu nước uống.

Huyền tích người phụ nữ đập đầu kêu oan cho chồng và phiến đá kỳ lạ ở Thanh Hoá

Quyết tâm tìm bằng được xác chồng để kêu oan, nàng Bình Khương hết lần này đến lần khác lao vào tường đá đến nỗi khắp người bầm tím, tứa máu.

Tico Travel - Điểm sáng trong ngành du lịch Việt

Với mục tiêu trở thành công ty du lịch dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp hàng đầu Việt Nam, đem tới những hành trình nghỉ dưỡng trọn vẹn, Tico Travel đã và đang góp phần mang tới những giá trị tốt đẹp cho mỗi khách hàng.

Đang cập nhật dữ liệu !