Phát hiện bạch tuộc 9 vòi hiếm có ở bờ biển Nhật Bản
Nhiều người bất ngờ đặt câu hỏi vì sao con bạch tuộc được phát hiện ở bờ biển Nhật Bản có đến 9 xúc tu nhỉ?
Phát hiện bạch tuộc 9 vòi hiếm có ở bờ biển Nhật Bản |
Ngư dân địa phương bắt được một con bạch tuộc có 9 xúc tu hiếm có ngoài khơi bờ biển Nhật Bản. Con bạch tuộc gần như đã kết thúc cuộc đời trên bàn ăn của gia đình cho đến khi mọi người phát hiện ra phần xúc tu thừa của nó và gửi đến bảo tàng.
Michael Vecchione, một nhà động vật học không xương sống tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Smithsonian ở Washington, DC, cho biết: "Mặc dù bạch tuộc 9 xúc tu không bình thường, nhưng phần phụ thừa này không hình thành hoàn toàn, là một nhánh nhỏ trên chi bình thường. Việc này từng xuất hiện ở một số con bạch tuộc".
Được biết, bạch tuộc có khả năng tái tạo cánh tay nhưng đôi khi việc tái tạo không hoạt động hoàn toàn.
Con vật kỳ quặc bị mắc bẫy cùng ba con khác tại vịnh Shizugawa, phía đông bắc thị trấn Minamisanriku, Nhật Bản. Kazuya Sato, 40 tuổi, người trồng rong biển để kiếm sống, đã đặt bẫy. Khi mang về nhà, người mẹ 65 tuổi của anh phát hiện ra xúc tu thứ chín ngay sau khi thả nó vào chậu. Con bạch tuộc đã chết nhưng cơ thể vẫn còn nguyên vẹn. Do đó, Sato đã mang nó đến trung tâm thiên nhiên Shizugawa địa phương.
Vịnh Shizugawa cách nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi Power, đã ngừng hoạt động sau thảm họa động đất 7,9 độ richter và sóng thần vào năm 2011, khoảng 200 km về phía bắc.
Tuy nhiên, Michael Vecchione, cho biết không có khả năng cánh tay thứ chín của bạch tuộc xuất hiện là do sinh vật nhiễm độc phóng xạ.
Trong nhiều năm qua, trên khắp thế giới người ta ghi nhận nhiều trường hợp về việc bạch tuộc có nhiều hơn 8 xúc tu. Năm 1960, một con bạch tuộc tại Phòng thí nghiệm Hàng hải của Đại học Miami có 'cánh tay trái thứ ba bất thường' với hai nhánh. Một nghiên cứu năm 1965 trên tạp chí Proceedings of the Japan Academy đã mô tả rất nhiều con bạch tuộc với nhiều xúc tu, trong đó thậm chí có con gồm 90 'cánh tay'.
Hoàng Dung (lược dịch)