Chuyển kết luận vụ VN Pharma bán thuốc chữa ung thư giả sang UBKT Trung ương
Thanh tra Chính phủ Chuyển kết luận vụ VN Pharma bán thuốc chữa ung thư giả sang UBKT Trung ương. |
Tổng Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Kết luận thanh tra số 1574/KLTT-TTCP thanh tra việc cấp phép nhập khẩu thuốc và cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc đối với 10 loại thuốc do Cty Helix Pharmaceuticals Inc., Canada sản xuất (viết tắt Cty Helix); cấp giấy phép hoạt động về thuốc và nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam cho Cty Helix năm 2014 và việc trúng các gói thầu cung cấp thuốc cho các bệnh viện của Cty cổ phần VN Pharma (viết tắt là Cty VN Pharma).
Cùng ngày, Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản đồng ý với bản kết luận của TTCP.
Theo đó, kết luận nêu rõ, thuốc chữa bệnh là một loại hàng hóa đặc biệt, nhưng trong thời gian qua ngành y tế còn để xảy ra những thiếu sót, vi phạm trong khâu cấp số đăng ký thuốc; khâu cấp phép nhập khẩu thuốc; khâu cấp phép hoạt động về thuốc, nguyên liệu làm thuốc cho doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam; công tác đấu thầu cung cấp thuốc cho các cơ sở khám, chữa bệnh. Nếu không được phát hiện và ngăn chặn kịp thời sẽ có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của nhân dân.
Cụ thể, việc thẩm định, cấp số đăng ký đối với 7 loại thuốc.
Thời hạn thẩm định và cấp số đăng ký chậm so với quy định từ 100 đến 150 ngày là vi phạm khoản 1 Điều 32 Thông tư 22/2009/TT-BYT và QT.QLD.56; Biên bản thẩm định chỉ ghi tuần thẩm định, không ghi ngày thẩm định lần đầu. Những thiếu sót, vi phạm này thuộc trách nhiệm các thành viên Tổ chuyên gia thẩm định.
Bộ Y tế ban hành Thông tư số 22/2009/TT-BYT còn bất cập, nội dung chưa đầy đủ, đây là một trong những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý dẫn đến việc trong hồ sơ xin cấp số đăng ký có tài liệu bị làm giả nhưng không được phát hiện kịp thời.
Trách nhiệm này thuộc Lãnh đạo Bộ Y tế, Cục QLD thời điểm năm 2009 trong việc tham mưu, xây dụng và ban hành thông tư; đồng thời Lãnh đạo Bộ Y tế, Cục QLD thời kỳ 2011-2014 cũng chịu trách nhiệm chính trong việc thiếu sự quan tâm, chỉ đạo để sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh nội dung Thông tư số 22/2009/TT- BYT cho phù hợp.
Khi Thông tư 22/2009/TT-BYT đã có hiệu lực thi hành, Bộ Y tế chậm sửa đổi Quy chế hoạt động của Hội đồng tư vấn và chuyên gia thẩm định thay thế quy chế cũ, đến ngày 14/11/2014, Bộ Y tế mới sửa đổi Quy chế hoạt động của Hội đồng tư vấn (Quyết định số 4773/QĐ-BYT). Việc chậm sửa đổi Quy chế hoạt động của Hội đồng tư vấn và chuyên gia thẩm định thuộc trách nhiệm Lãnh đạo Bộ Y tế, Cục QLD thời kỳ 2010-2014.
Đối với việc thẩm định, cấp giấy phép nhập khẩu đối với 3 loại thuốc.
Thời hạn xét duyệt, cấp giấy phép nhập khẩu 3 loại thuốc chậm từ 28 đến 60 ngày là vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 11 Thông tư số 47/2010/TT-BYT. Trách nhiệm về vi phạm này thuộc các thành viên Tổ chuyên gia thẩm định.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Y tế chịu trách nhiệm quy định chi tiết về hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu thuốc chưa có số đăng ký (Điều 12 Quyết định số 151/2007/QĐ-TTg). Tuy nhiên, khi Bộ Y tế ban hành Thông tư số 47/2010/TT-BYT nội dung quy định còn bất cập, chưa đầy đủ, cụ thể:
Chưa quy định trong hồ sơ xin cấp phép nhập khẩu thuốc phải có giấy phép hoạt động về thuốc và nguyên liệu làm thuốc của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam theo Điều 5 Quyết định số 151/QĐ-TTg. Thực tế trong 3 năm (2012, 2013, 2014), Bộ Y tế đã cấp 607 giấy phép nhập khẩu thuốc chưa có số đăng ký cũng không yêu cầu doanh nghiệp nộp giấy phép hoạt động về thuốc và nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam, trong đó có 03 thuốc (H-Capita, H-Epra 40 và H-Lastapen 500mg).
Chưa quy định nội dung hồ sơ, hình thức, biện pháp, trình tự, thủ tục và thẩm quyền đánh giá cơ sở sản xuất thuốc nước ngoài và việc lưu hành thuốc tại nước sở tại; chưa quy định các trường họp cụ thế phải tiến hành kiếm tra, xác minh cơ sở nước ngoài sản xuất thuốc, việc lưu hành thuốc tại nước sở tại; chưa quy định các biện pháp nghiệp vụ để Tổ thẩm định có căn cứ đánh giá, xác minh doanh nghiệp nước ngoài sản xuất thuốc trước khi trình duyệt, cấp phép nhập khấu thuốc.
Những bất cập, chưa đầy đủ của Thông tư số 47/2010/TT-BYT nêu trên là một trong những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý dẫn đến việc thuốc H-Capita được cấp giấy phép nhập khấu ngày 30/12/2013 nhưng giấy phép hoạt động của Công ty Austin Hong Kong đã hết hạn từ ngàỵ 06/10/2013 và ngày 11/4/2014 Chi cục Hải quan cửa khẩu Quốc tế Tân Sơn Nhất đã cho phép nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita vào Việt Nam.
Từ việc ban hành Thông tư số 47/2010/TT-BYT không đúng nội dung với Quyết định số 151/2007/QĐ-TTg dẫn đến việc cấp giấy phép nhập khẩu 200.000 hộp thuốc H-Capita và cho phép nhập khấu 9.300 hộp thuốc H-Capita vào Việt Nam là vi phạm Điều 5 Quyết định số 151/2007/QĐ-TTg. Trách nhiệm thuộc Lãnh đạo Bộ Y tế, Cục QLD.
Từ những kết luận trên, TTCP cho rằng, Bộ trưởng Bộ Y tế chịu trách nhiệm với vai trò quản lý nhà nước về lĩnh vực dược, Cục trưởng Cục QLD chịu trách nhiệm với vai trò là người tham mưu, giúp việc cho Bộ trưởng Bộ Y tế; đã để xảy ra nhũng thiếu sót, vi phạm qua các thời kỳ được nêu tại phần Kết quả kiếm tra, xác minh.
Hội đồng tư vấn, Tổ thẩm định thuộc Bộ Y tế và cá nhân các chuyên gia thẩm định trực tiếp chịu trách nhiệm về những thiếu sót, vi phạm trong việc thẩm định, xét duyệt cấp số đăng ký đối với 7 thuốc, cấp phép nhập khẩu đối với 3 thuốc và cấp phép hoạt động về thuốc và nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam cho Công ty Helix.
Từ kết quả thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ kiểm điểm trách nhiệm Lãnh đạo Bộ Y tế để xảy ra những tồn tại, vi phạm đã nêu tại kết luận. Bộ Y tế chỉ đạo Cục QLD và Vụ KHTC tổ chức kiểm điểm và có biện pháp xử lý đối với tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra những vi phạm trong việc cấp phép nhập khẩu, cấp số đăng ký đối với 10 thuốc, cấp phép hoạt động cho Công ty Helix năm 2014; công tác đấu thầu mua thuốc tại các bệnh viện tuyến trung ương đã được thanh tra.
Bộ Y tế chỉ đạo kiểm điểm và có biện pháp xử lý đối với tập thể, cá nhân có liên quan đến việc cho phép nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita Caplet 500mg của Công ty Austin Hong Kong vào Việt Nam ngày 11/4/2014 trong khi giấy phép hoạt động về thuốc và nguyên liệu làm thuốc của Công ty này đã hết hạn từ ngày 06/10/2013.
Thanh tra Chính phủ chuyển Kết luận thanh tra sang Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với cán bộ, Đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý có liên quan đến khuyết điểm, vi phạm.
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ chuyển kết luận thanh tra đến Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đế có thêm thông tin, tài liệu phục vụ cho công tác điều tra liên quan đến việc Công ty cố phần VN Pharma nhập khẩu thuốc, bán thuốc H-Capita do Công ty Helix sản xuất và các loại thuốc do Công ty Health 2000 sản xuất, xử lý theo thẩm quyền mà Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đang tiến hành.