Chuyên gia nói gì về nhân sự ngân hàng “lũ lượt” bỏ đi?
Theo khảo sát của Công ty tư vấn Towers Watson, trong năm 2014 đã có khoảng 10% nhân sự trong lĩnh vực ngân hàng đã bỏ ngành này để đi tìm công việc mới trong lĩnh vực khác. Con số 10% theo bà nói lên điều gì, khi ngân hàng lâu nay vốn vẫn được cho là ngành hấp dẫn?
Tôi cho rằng, sau một thời gian phát triển nóng và có rất nhiều người đua nhau xin vào ngân hàng, thì đây là giai đoạn chứng kiến rất nhiều người ra khỏi ngành. Những người trước kia thực sự không yêu thích ngành ngân hàng mà chỉ đơn giản vào ngành này làm để hưởng lương cao, thì bây giờ sẽ cảm thấy “chán”, vì lương thưởng không còn được như trước kia nữa nên xin thôi.
Bà Nguyễn Thị Vân Anh - Giám đốc Điều hành Công ty Tuyển dụng Nhân sự cấp cao Navigos Search |
Về phía ngân hàng, đây là giai đoạn họ phải tái cơ cấu để chọn lọc những nhân sự có khả năng làm việc phù hợp nhất cho mình. Do vậy, từ một vài năm trở lại đây, có một làn sóng cắt giảm nhân sự trong ngành. Đồng thời, do có việc sáp nhập các ngân hàng nhỏ với các ngân hàng lớn hơn, dẫn đến việc một lưc lượng lao động bị dư thừa.
Việc có những nhân sự trong ngành ngân hàng rời khỏi ngành để xác định lại cho mình một nghề nghiệp phù hợp nhất với thực lực của mình có khi lại là tốt cho họ. Nếu mình không có nghề chuyên môn cao và không có sự xác định phát triển lâu dài với nghề nghiệp thì tất yếu hoặc là họ phải chọn con đường khác hoặc là họ bị đào thải.
Theo bà liệu áp lực quá lớn của công việc trong khi lương, thưởng không tương xứng có là nguyên nhân dẫn tới sự rời bỏ của nhân sự ngân hàng?
Loại trừ những lý do thực sự mang tính cá nhân hoặc những lý do không đặc thù của ngành, thì với những nhân sự đang làm việc trong ngành ngân hàng mà rời khỏi ngành tôi cho rằng, đây là thời điểm đúng để nhìn nhận những “giá trị thực” của nhân sự trong ngành ngân hàng, đứng ở cả phía ngân hàng cũng như những người đang làm việc trong ngành này. Họ chỉ thực sự bỏ nghề khi họ không đáp ứng với yêu cầu của nghề nghiệp khi ngân hàng ngày càng đòi hỏi nhân sự trong nghề này phải thực sự có kinh nghiệm, hoặc họ không còn đam mê ngành này nữa.
Tôi nghĩ nghề nào cũng vậy, chỉ thực sự những nhân sự giỏi nghề, yêu nghề thì mới phát triển được lâu dài trong tổ chức của mình.
Trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt là với ngành ngân hàng những yếu tố nào quyết định việc “đi” hay “ở” của một nhân sự?
Lương hấp dẫn, thưởng cao, môi trường làm việc chuyên nghiệp… là những yếu tố quan trọng trong việc tuyển dụng và giữ chân nhân tài, cũng như quyết định lựa chọn nơi “trú chân” của bất kỳ một nhân sự nào.
Tuy nhiên, việc “đi” khỏi tổ chức đó có thể còn là những yếu tố khác liên quan, có thể là thiếu “đất” để phát triển năng lực cá nhân, lộ trình thăng tiến không rõ ràng, không có chính sách đào tạo và phát triển, không nhận được sự ủng hộ của người quản lý cấp trên…
Ngoài chuyện lương, thưởng giảm sút thì còn có nhiều nguyên nhân khác dẫn tới việc dân ngân hàng chán việc và rời bỏ nghề |
Lương, thưởng mặc dù vẫn đóng vai trò quan trọng, nhưng càng ngày các chính sách liên quan đến phát triển năng lực cá nhân sẽ luôn được các nhân sự, đặc biệt là các nhân sự cấp trung và cấp cao cân nhắc thận trọng khi nhận lời hoặc ra đi khỏi một tổ chức.
Trước tỷ lệ rời bỏ của nhân sự ngân hàng đang ngày một lớn, với góc nhìn của một chuyên gia tuyển dụng nhân sự, bà có nhận định ra sao về nhu cầu, xu hướng nhân sự trong lĩnh vực ngân hàng thời gian tới?
Chúng tôi cần đợi thêm khoảng một vài ngày nữa mới có đầy đủ số liệu thống kê về nhu cầu tuyển dụng tại Việt Nam trong quý I/2015, trong đó có ngành ngân hàng. Tuy nhiên theo quan sát của tôi, ngân hàng vẫn luôn cần tuyển những nhân sự có chất lượng cao. Đồng thời, những lĩnh vực như quản trị rủi ro, thu nợ trong ngân hàng cũng đang được họ tìm người và chấp nhận tuyển cả nhân sự người nước ngoài làm việc trong lĩnh vực này. Trong quý I/2015 này, tôi cũng nhận thấy có nhu cầu tuyển nhân sự để phục vụ cho mảng khách hàng Trung Quốc, Hàn Quốc … đang gia tăng.