Chuyên gia “chỉ điểm” bất cập quan trắc môi trường ở TP.HCM
Ô nhiễm không khí do xe máy?
Ông Cao Tung Sơn – Giám đốc Trung tâm quan trắc và phân tích môi trường thuộc Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TNMT cho biết, trên địa bàn thành phố hiện nay có tổng cộng 147 vị trí và trạm quan trắc về chất lượng môi trường đất, nước, không khí, nước ngầm, chất thải… Bên cạnh đó còn có 9 trạm quan trắc chất lượng không khí tự động do Đan Mạch và Na Uy tài trợ.
Theo ông Sơn, trong giai đoạn từ năm 2011 – 2015 chất lượng môi trường tại TP.HCM đã được cải thiện, tuy nhiên có những chỉ tiêu quan trắc tại một số thời điểm, vị trí vượt quy chuẩn gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Chi cục Bảo vệ môi trường đang triển khai lập dự án đầu tư trung tâm quan trắc và phân tích môi trường trong năm 2016 – 2017 với tổng mức đầu tư 78 tỷ đồng.
Quan trắc không khí ven đường(Ảnh: Chi cục Bảo vệ Môi trường - Sở TNMT TP.HCM) |
Ngoài ra, một dự án khác có tổng mức đầu tư dự kiến lên đến 494 tỷ đồng là nâng cao năng lực quan trắc môi trường tại TP.HCM giai đoạn 2016 – 2020 cũng đã được phê duyệt chủ trương. Dự án sẽ được chia làm 2 giai đoạn với việc đầu tư mới và cải tạo, nâng cấp các trạm quan trắc tự động về không khí, chất lượng nước, lún mặt đất…
Đánh giá về hiện trạng môi trường tại TP.HCM, nhóm chuyên gia người Đức cho rằng thành phố đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí. Theo TS.Friedhelm Schroeder, việc gia tăng nhà máy sản xuất, phương tiện giao thông và các trang thiết bị phát thải khí vào bầu khí quyển là tác nhân chính. Đặc biệt, số lượng xe máy tăng quá nhanh và trong số các loại ô nhiễm thì ô nhiễm bụi là rất cao.
TS.Friedhelm Schroeder đưa ra so sánh, về chỉ số ô nhiễm TP.HCM vượt hơn gấp 3 lần so với TP.Hamburg của Đức, tức 94 so với 29. Số liệu của Tổ chức Y tế thế giới cũng cho kết quả ô nhiễm không khí tại TP.HCM đang ở mức cao. Quy mô quốc gia, theo chỉ số đánh giá của Đại học Yale (Hoa Kỳ), Việt Nam xếp thứ 131/180 nước trên thế giới về chỉ số bảo vệ môi trường.
Nhiều trạm quan trắc xuống cấp
Theo nhận định của các chuyên gia trong nước, hệ thống quan trắc môi trường tại TP.HCM đang tồn tại nhiều bất cập. Như có tới 9 trạm quan trắc không khí tự động đang xuống cấp trầm trọng, số liệu không liên tục. Các trạm chủ yếu được bố trí tại khu vực nội thành không phản ánh đúng yêu cầu điều chỉnh quy hoạch phát triển. Về quan trắc chất lượng nước mặt và thủy văn, hiện có một số vị trí nằm quá xa khu vực cần quan trắc.
Đối với chất lượng nước biển ven bờ, có hai điểm nằm trong khu quy hoạch lấn biển nên không thể thu mẫu.Ngoài ra, chất lượng nước dưới đất còn quá ít trạm quan trắc, không phản ánh được quy luật biến đổi tự nhiên.
Các chuyên gia Đức cho rằng, nâng cấp mạng lưới quan trắc môi trường tại TP.HCM ngay từ bây giờ là điều cần thiết. Vấn đề quan trắc môi trường không khí càng có tầm quan trọng, bởi có thể phát hiện các tác nhân ô nhiễm không khí và nước gây tổn hại sức khỏe người dân. Trong đó, bụi mịn được cho là nguy hiểm vì gây ra các bệnh về nan y. Loại bụi này phát sinh từ động cơ ô tô và xe máy, sự mài mòn bánh xe, má phanh...
PGS.TS Phùng Chí Sỹ - Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật nhiệt đới và Bảo vệ môi trường hình tượng, trạm quam trắc môi trường phải thực hiện công việc như một người gác cổng, phải hoạt động thường xuyên và liên tục. Nếu gián đoạn sẽ không thu về những dữ liệu chính xác, từ đó không thể đưa ra những cảnh báo kịp thời.
Với cách quan trắc bán tự động và không thường xuyên như hiện nay, kết quả quan trắc thu được chưa phản ánh đúng thực tế. Vì vậy, theo các chuyên gia môi trường, TP.HCM cần phải thực hiện đồng bộ từ đầu tư nâng cấp trang thiết bị, bố trí các trạm quan trắc phù hợp đến việc tự xử lý được dữ liệu quan trắc có được để đưa ra cảnh báo kịp thời về những biến đổi môi trường.