Nhiều giải pháp thoát nghèo
Lộc Ninh là huyện miền núi, biên giới của Bình Phước với 14 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiến hơn 21%.
Năm 2016, kết quả điều tra hộ nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều, giai đoạn 2016-2020 cho thấy toàn huyện Lộc Ninh có 1.969 hộ nghèo, chiếm 6,4% tổng số hộ toàn huyện, trong đó hộ dân tộc thiểu số là 937 (48% tổng hộ nghèo); hộ cận nghèo là 467.
Những năm qua, thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, hàng năm UBND huyện đã có kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc trên địa bàn.
Kết quả từ năm 2018 đến nay, huyện đã thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo theo Chương trình 135 bằng việc cấp 306 con bò giống, dê giống cho 173 hộ dân.
Về hỗ trợ giảm nghèo 1.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết của Tỉnh ủy Bình Phước, trong 2 năm (2019, 2020) toàn huyện có 380 hộ thụ hưởng do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh thực hiện hỗ trợ trực tiếp.
Gia đình chị Thị Kim Minh trú tại xã Lộc An, huyện Lộc Ninh là một trong những hộ điển hình vươn lên trong giảm nghèo bền vững. Chị Minh được cho vay vốn và sử dụng hiệu quả nguồn vốn của Ngân hàng chính sách xã hội.
Năm 2017, thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Lộc An, gia đình chị được bình xét vay vốn 40 triệu đồng từ nguồn vốn cho hộ nghèo.
Chị đã làm chuồng trại và mua 8 con dê giống về nuôi. Qua thời gian, đàn dê sinh sản, chị bán dê con giống cho các hộ bắt đầu nuôi dê trên địa bàn xã. Với số tiền thu được, một phần chị sửa chữa nhà cửa, số còn lại chị tiếp tục mở rộng xây dựng chuồng trại và trồng thêm cỏ để phục vụ chăn nuôi đàn dê.
Nguồn vốn ưu đãi cho hộ nghèo đã giúp gia đình chị Minh vươn lên thoát nghèo và hiện có nguồn thu ổn định khoảng 50 triệu đồng/năm.
![]() |
Hộ nghèo vay vốn nuôi dê để tăng thu nhập. |
Tại huyện Lộc Ninh, mô hình nuôi dê trong xoá đói giảm nghèo đã mang lại hiệu quả cao. Trong đó, người dân được hỗ trợ vay vốn, các đoàn thể hỗ trợ phổ biến kiến thức trong các lớp tập huấn về biện phát kỹ thuật từ khâu làm chuồng trại đến việc theo dõi, quản lý đàn dê.
Đảng viên đi trước
Thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/HU ngày 18-1-2019 của Huyện ủy Lộc Ninh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018-2020, năm 2020, huyện Lộc Ninh tiếp tục đề ra nhiều giải pháp thiết thực giúp các hộ thoát nghèo, với phương châm “trao cần câu, không trao con cá” nhằm tạo động lực, ý chí vươn lên của các hộ nghèo, từ đó mới thoát nghèo bền vững. Một trong những giải pháp là thực hiện hiệu quả “Chương trình khát vọng thoát nghèo”.
Ban Thường vụ Huyện ủy Lộc Ninh yêu cầu cấp ủy các xã, thị trấn lãnh đạo, chỉ đạo các chi bộ trực thuộc triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả việc phân công đảng viên trực tiếp phụ trách, hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo để giảm nghèo trong năm 2020 và những năm tiếp theo.
Thường vụ Huyện uỷ giao trực tiếp cho lực lượng đảng viên hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo phù hợp; xác định rõ chỉ tiêu phấn đấu, thời gian thực hiện, thời gian hoàn thành việc hỗ trợ, tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả triển khai thực hiện việc phân công đảng viên trực tiếp phụ trách hộ nghèo, hộ cận nghèo; lấy kết quả thực hiện giảm nghèo của hộ nghèo, hộ cận nghèo có đảng viên phụ trách hỗ trợ làm tiêu chí bình bầu khen thưởng hàng năm; định kì hàng năm hoặc đột xuất tổng hợp, báo cáo kết quả triển khai thực hiện gửi Ban Tổ chức Huyện ủy tổng hợp, báo cáo Ban Thường vụ Huyện ủy.
Theo số liệu tổng hợp, đầu năm 2020, toàn huyện Lộc Ninh còn 1.163 hộ nghèo, chiếm 3,91%/tổng số hộ dân, trong đó có 658 hộ nghèo dân tộc thiểu số, chiếm 56,57%/tổng số hộ nghèo; 1.137 hộ cận nghèo, chiếm 3,52%/tổng số hộ dân, trong đó có 599 hộ cận nghèo dân tộc thiểu số, chiếm 52,68%/tổng số hộ cận nghèo.
Khánh Chi
HOẶC ĐĂNG NHẬP NHANH BẰNG TÀI KHOẢN
Quên mật khẩu?
Gửi lại mã xác nhận