Chuyện của những người nâng niu sự sống, bảo tồn rùa biển
Đó là chia sẻ của ông Ngô Minh Quốc - chuyên viên phòng Bảo tồn biển, VQG Núi Chúa, tỉnh Ninh Thuận – trong lễ tổng kết chương trình tình nguyện viên bảo tồn rùa biển và trao giải cuộc thi Ký ức rùa biển do Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) tổ chức.
Tại lễ tổng kết, đại diện các vườn quốc gia, khu bảo tồn, và các tình nguyện viên đã có những chia sẻ về quá trình làm “bà đỡ” cho hàng nghìn chú rùa biển vừa mới nở từ những ổ trứng được rùa mẹ đẻ trên cạn.
Tại đây, ông Ngô Minh Quốc đã có những chia sẻ đầy xúc động: “Lần đầu tiên tôi cảm nhận một chú rùa con trong lòng bàn tay là vào năm 2016, nó giống như là đứa con của mình vậy khi có đủ tứ chi. Đó là bé rùa được chúng tôi phát hiện trong một lần đi kiểm tra. Rất tiếc khi chúng tôi phát hiện thì đó là bé rùa duy nhất sống sót, các bé rùa còn lại trong ổ đã không có được may mắn đó. Khi thấy được sự sống của bé rùa đó mình cũng chảy nước mắt. Đó là lý do tôi luôn có tình yêu với loài rùa biển”.
Năm 2016 ông Ngô Minh Quốc được Ban quản lý vườn quốc gia Núi Chúa phân công tiếp nhận và phụ trách khu cứu hộ rùa biển. Cũng trong năm đó, ông gặp một rùa mẹ lên bãi đẻ trứng, lần theo dấu vết ông tìm được 8 ổ trứng rùa biển, may mắn thay những ổ trứng này nở được 600 cá thể rùa con. Từ đó đến nay ông và các đồng nghiệp đã cứu hộ thành công hàng vạn con rùa biển mới nở và thả chúng về với biển.
Hiện nay ông Quốc đang chăm sóc 4 cá thể rùa biển với 3 loài khác nhau. Cả 4 cá thể này đều thuộc những loài rùa biển cực kỳ quý hiếm và có tên trong sách Đỏ.
Tháng 3/2022 ông Ngô Minh Quốc tiếp nhận một cá thể rùa biển nặng khoảng 100kg. Cá thể này trước đó được nuôi dưỡng tại tỉnh Khánh Hoà và được bàn giao cho anh Quốc thông qua một cá nhân sinh sống tại TP.HCM.
“Thời điểm được đề nghị tiếp nhận bàn giao cá thể rùa này thì tôi đang trong thời gian nghỉ phép, lại đang bị hạn chế đi lại vì Covid-19 nên mình không thể thực hiện đầy đủ các quy trình, thủ tục mà chỉ gọi điện xin phép lãnh đạo”, ông Ngô Minh Quốc kể lại.
Tình thế cấp bách đó khiến ông Quốc “phá rào” thay mặt VQG Núi Chúa tiếp nhận rồi thuê xe đưa cá thể rùa này về khu bảo tồn của VQG Núi Chúa.
Tại những nơi thường xuyên có rùa biển lên đẻ trứng như VQG Núi Chúa, VQG Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu), khu bảo tồn Hòn Cau (Bình Thuận), BQL các khu này thường xuyên bố trí người cứu hộ rùa biển. Mỗi khi rùa mẹ đẻ trứng trong bãi cát, nhân viên cứu hộ sẽ di chuyển những ổ trứng rùa đến nơi an toàn nhằm mục đích tránh việc ổ trứng rùa biển trở thành thức ăn cho các con vật khác, cũng như tránh việc nước biển dâng sẽ làm hư hại trứng rùa,…
Ông Nguyễn Thanh Quyền – Chuyên viên Phòng Bảo tồn và Hợp tác quốc tế, Ban Quản lý VQG Côn Đảo – cho biết, khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm là thời gian số lượng rùa lên bờ đẻ nhiều nhất.
Để đáp ứng yêu cầu cứu hộ rùa biển sau khi nở, mỗi năm VQG Côn Đảo đều tiếp nhận các tình nguyện viên từ đất liền ra đảo để cứu hộ trong thời gian khoảng 2 tuần/đợt.
“Hàng năm chúng tôi nhận được hàng nghìn lượt đăng ký làm tình nguyện viên cứu hộ rùa biển. Năm 2022 đội ngũ tình nguyện viên đã hỗ trợ lực lượng kiểm lâm di chuyển hơn 600 ổ trứng rùa, tương đương hơn 44 nghìn trứng rùa, đây là đóng góp rất lớn của đội ngũ tình nguyện viên trong việc bảo vệ rùa biển”, ông Nguyễn Thanh Quyền nói.
Từ năm 2014 đến nay, IUCN đã tổ chức cho hơn 500 tình nguyện viên tham gia các đợt cứu hộ rùa biển tại Khu bảo tồn biển Hòn Cau, VQG Côn Đảo, VQG Núi Chúa, Khu bảo tồn biển Lý Sơn, VQG Bái Tử Long,… Số tình nguyện viên này được IUCN lựa chọn từ hơn 11.000 đơn tình nguyện tham gia, với đủ thành phần, nghề nghiệp khác nhau.
Riêng trong năm 2022, đã có gần 1.000 tình nguyện viên gửi đơn đăng ký tham gia chương trình tại Khu bảo tồn biển Hòn Cau và VQG Côn Đảo sau 4 đợt cứu hộ tại mỗi đảo.
Bà Bùi Thị Thu Hiền, cán bộ phụ trách mạng lưới tình nguyện viên cứu hộ rùa biển, thuộc IUCN, cho biết, hoạt động này thuộc khuôn khổ dự án “Bảo tồn bãi rùa đẻ dựa vào cộng đồng và giảm đánh bắt không chủ ý ở Việt Nam”.
“Không chỉ cứu hộ thành công các cá thể rùa biển, những hoạt động này còn góp phần thay đổi nhận thức của xã hội liên quan đến bảo tồn môi trường nói chung và bảo tồn rùa biển nói riêng”, bà Bùi Thị Thu Hiền nói.
Tại Việt Nam, có 5 loài rùa biển được biết đến bao gồm vích, đồi mồi, đồi mồi dứa, quản đồng, và rùa da. Hiện nay, số lượng của các loài rùa này đang ngày càng suy giảm mạnh và tất cả các loài này đều được liệt kê trong Sách đỏ IUCN và thuộc danh mục những động vật hoang dã đang gặp nguy hiểm cần được ưu tiên bảo vệ theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP của Chính phủ.
Số lượng rùa lên đẻ trứng tại Việt Nam đã giảm từ 10.000 cá thể mỗi năm vào những năm 1980 xuống chỉ còn 450 cá thể vào năm 2019. Trong đó, theo khảo sát của IUCN thực hiện năm 2017 tại vùng biển các tỉnh miền Bắc và miền Trung, hai trong số năm loài rùa biển trên là đồi mồi và rùa da đã được xác nhận biến mất ở những vùng biển này.
Một số lý do dẫn đến tình trạng trên là do khai thác quá mức các bãi đẻ của rùa, tình trạng đánh bắt và buôn bán bất hợp pháp rùa biển cũng như các sản phẩm từ rùa biển, sự suy giảm chất lượng môi trường cũng như nguồn thức ăn của rùa. Ngoài ra, ô nhiễm rác thải nhựa cũng là nguyên nhân tác động tiêu cực đến sức khoẻ sinh sản các sinh vật biển, trong đó có rùa biển.
Nhằm bảo tồn, bảo vệ hiệu quả, bền vững các quần thể rùa biển và nơi sinh cư của chúng tại Việt Nam, nă 2016, Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định số 811 /QĐ-BNN-TCTS về việc phê duyệt Kế hoạch hành động bảo tồn rùa biển Việt Nam giai đoạn 2016 - 2025.
Trong đó, giai đoạn 2020 - 2025, theo kế hoạch, ít nhất 5% số tàu nghề lưới rê và 10% số tàu nghề lưới kéo sử dụng thiết bị thoát rùa (TED); 100% nơi sinh cư của rùa biển được bảo vệ; Hoàn thiện hệ thống tổ chức, cơ chế, chính sách bảo tồn rùa biển phù hợp với Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học; Cơ sở dữ liệu về rùa biển được hoàn thiện, kết nối từ Tổng cục Thủy sản tới các Vườn quốc gia, khu bảo tồn biển và các Chi cục Thủy sản địa phương.
Tuân Nguyễn