Chuyện cái nhà ga
Hầu hết mọi người đều khen ngợi coi đây là biểu tượng cho việc đề cao giáo dục của người Nhật. Vậy sự thực là thế nào?
Không chỉ báo chí, cộng đồng mạng Việt Nam đưa tin, báo chí một số nước cũng đăng hình ảnh cô nữ sinh một mình đợi tàu |
1. Thông tin nhiều chiều
Trước hết, thông tin về việc em học sinh nữ sử dụng ga Kami-Shirataki là không chính xác. Theo như xác nhận nhiều nguồn tiếng Nhật thì ga mà em học sinh đó sử dụng là Kyu-Shirataki, nằm trong chuỗi 4 ga liền kề nhau đều có chứa tên Shirataki là Kami-Shirataki, Shirataki, Kyu-Shirataki và Shimo-Shirataki. Trong đó, ga Shirataki là ga dừng của tuyến tàu nhanh trong vùng.
Nhìn vào ảnh chụp dưới đây chúng ta có thể thấy rằng ga Kyu-Shirataki chỉ là một ga nhỏ trên một tuyến đường sắt nối giữa ga Asahikawa, nằm ở thành phố lớn thứ hai Hokkaido, và ga Engaru, nơi mà em học sinh kia xuống tàu để đến trường. Trên tuyến đường sắt này có nhiều chuyến tàu khác nhau, trong đó có các chuyến tàu nhanh chỉ dừng ở các ga có đông dân cư. Chuyến tàu mà em học sinh sử dụng là tàu thường dừng ở tất cả các ga. Tại ga Kyu-Shirataki, tàu chỉ dừng một lần vào buổi sáng theo chiều đi Engaru, và ba lần vào buổi chiều theo chiều ngược lại. Điều này đã tiếp diễn như vậy từ ít nhất là hơn 10 năm trước, do dân số trong vùng giảm sút và hầu hết mọi người di chuyển bằng xe ô tô riêng.
Ảnh thông tin tuyến tàu đi qua Kyu-Shirataki. Ga màu hồng là Kyu-Shirataki, nơi em học sinh lên tàu vào mỗi buổi sáng để đi đến ga Engaru ở ngoài cùng bên trái. Ngoài cùng bên phải là ga Asahikawa, nằm tại một trong những thành phố lớn nhất của Hokkaido. Engaru và Shirataki đều là các ga tập trung dân cư và vẫn sẽ được sử dụng thường xuyên, do vậy không có chuyện cả tuyến tàu sẽ dừng sau khi em học sinh tốt nghiệp. Càng không có chuyện JR Hokkaido điều chỉnh giờ tàu theo giờ đi học của em học sinh, vì tàu không chỉ phục vụ một mình em đó |
Trong sự việc lần này, ga Kyu-Shirataki nằm trong đợt cắt giảm hàng chục nhà ga nhằm hợp lý hóa hoạt động của hãng tàu JR Hokkaido, nhắm chủ yếu vào các ga không có nhân viên thường trực ở các vùng hẻo lánh. Cùng chung số phận với Kyu-Shirataki có các ga Kami-Shirataki và Shimo-Shirataki. Ga Shirataki cách Kyu-Shirataki 6,1km là nơi tập trung dân cư, nên vẫn sẽ tiếp tục được sử dụng. Như vậy có thể thấy rằng dù ga Kyu-Shirataki có đóng cửa, thì tuyến đường tàu vẫn được sử dụng bình thường, chỉ đơn giản là tàu sẽ không dừng ở ga đó nữa và ga sẽ không được bảo dưỡng nữa. Em học sinh trên cũng không phải là hành khách duy nhất trên tuyến tàu này, mà chỉ là hành khách duy nhất sử dụng ga Kyu-Shirataki một cách thường xuyên mà thôi.
Một số báo chí đưa tin rằng quyết định duy trì nhà ga là của "Cơ quan Đường sắt Nhật Bản – đơn vị chịu trách nhiệm điều hành hệ thống đường sắt của cả nước". Thông tin này là hoàn toàn sai. Ở Nhật Bản không tồn tại cái gọi là "Cơ quan Đường sắt Nhật Bản", và cũng không có cơ quan nào điều hành trực tiếp hệ thống đường sắt cả nước. Hệ thống đường sắt Nhật Bản đã được tư nhân hóa từ lâu, và mỗi vùng hầu như đều có ít nhất một vài hãng tàu điều hành các tuyến đường sắt khác nhau. Riêng tại Hokkaido ngoài JR Hokkaido ra vẫn còn hai hãng khác. JR Hokkaido tuy có lịch sử kế thừa từ hãng tàu quốc doanh JNR trước đây, nhưng hiện nay hoạt động hoàn toàn độc lập và không chịu sự điều hành trực tiếp của chính phủ Nhật.
Hiện tại chưa tìm thấy một thông tin đáng tin cậy nào bằng tiếng Nhật minh chứng cho việc JR Hokkaido duy trì nhà ga thêm ba năm vì một em học sinh nữ. Việc JR Hokkaido điều chỉnh thời gian tàu theo thời gian biểu của em học sinh kia cũng không có thông tin chính xác và rất khó tin, do tuyến tàu còn dừng ở các ga khác trên hành trình và không chỉ phục vụ một mình em học sinh đó. Đáng chú ý, sau khi sự việc này được truyền thông loan tin rộng rãi, đã xuất hiện một số bình luận của những người tự nhận là người dân địa phương với các nội dung dưới đây.
"Ga mà em học sinh nữ sử dụng là Kyu-Shirataki chứ không phải Kami-Shirataki. Câu chuyện vốn là trước đây khi có thông tin về việc đóng cửa nhà ga, cha mẹ em học sinh đó khẩn thiết yêu cầu JR Hokkaido để kéo dài hoạt động đến nay, nhưng sự việc đã bị tô hồng lên rồi. Trong khi ga Kami-Shirataki vẫn có người dùng mà cũng bị đóng cửa, thì câu chuyện bên này đã bị tâng bốc lên quá mức. Bản thân em học sinh cũng cảm thấy phiền hà và đã báo cả cảnh sát. Phóng viên không thu thập tin tức cho tử tế mà chỉ viết bừa bãi khiến cho dân địa phương cũng cảm thấy ngán đến tận cổ."
"Việc bỏ các ga ít người sử dụng như Kami-Shirataki và Kyu-Shirataki được hoãn lại để chờ em học sinh này có thể là sự thực, nhưng sang xuân năm sau ga Kami-Shirataki cũng có một em học sinh khác chuẩn bị sử dụng. Số nhà ga bị đóng cửa vì tuyến đường sắt Shinkansen Hokkaido vốn chưa khai trương đã dự báo lỗ 4 tỷ 800 triệu yên có lẽ sẽ còn tăng nữa. Chuyện như vậy mà cũng được lan truyền như một câu chuyện đẹp thì với tư cách là dân địa phương tôi cũng cảm thấy không ổn".
2. Sự thật là gì
Đến thời điểm này, qua các nguồn tin bằng tiếng Nhật thì mới chỉ có duy nhất một sự thật được xác minh: JR Hokkaido sẽ đóng cửa ga Kyu-Shirataki và hàng chục ga khác vào tháng 3 năm nay. Việc một em học sinh nữ là hành khách duy nhất sử dụng thường xuyên ga Kyu-Shirataki cũng đã được nhiều nguồn khác nhau xác nhận, nên có thể tin tưởng được. Tất cả chỉ có vậy. Tuyến tàu được nói đến không chỉ phục vụ một mình em đó, và càng không có chuyện đây là quyết định từ phía một cơ quan chính phủ. Việc JR Hokkaido có phải đã quyết định duy trì ga thêm ba năm để chờ em học sinh tốt nghiệp hay không cũng không có đủ căn cứ để kết luận.
Nhà tâm lý học Daniel Kahneman nói rằng suy nghĩ cảm tính của con người rất hay tự tưởng tượng ra những tình tiết câu chuyện và mối liên hệ nhân quả mà chẳng có bằng chứng xác đáng nào, miễn là chúng tạo nên một câu chuyện hợp lý, hấp dẫn hay có ý nghĩa. Tiếc là một câu chuyện hợp lý, hấp dẫn và có ý nghĩa không phải bao giờ cũng phản ánh sát hiện thực. Trong sự việc lần này, có vẻ như rất nhiều người làm truyền thông và tiếp nhận truyền thông đã không phân biệt được giữa sự thật có thể xác minh và những sự thêm thắt cho vừa ý của người khác cũng như của bản thân mình. Đồng ý rằng việc đưa tin khó tránh khỏi cảm tính chủ quan, nhưng một nhà báo chuyên nghiệp nên/cần/phải tách biệt sự thật với cảm nhận của bản thân, cũng như xác minh sự thực trước khi đưa tin.
Thêm vào đó, cứ tạm coi như câu chuyện JR Hokkaido "duy trì ga tàu vì giáo dục" là sự thực đi chăng nữa, thì rút cục tin tức đó đã được đón nhận như thế nào? Theo như quan sát thì đại đa số người đọc trầm trồ bởi sự "đề cao giáo dục của người Nhật", và một số không ít quay sang dè bỉu Nhà nước và xã hội Việt Nam, kêu than rằng không biết bao giờ chúng ta mới được như họ. Với tư cách một người đã sống và làm việc hơn bốn năm tại Nhật như một người Nhật bình thường, cá nhân người viết cảm thấy rất chán ngán với những phản ứng đó.
Tại sao chúng ta lại hưng phấn ca ngợi câu chuyện này đến vậy? Chúng ta hãy thử suy nghĩ một cách nghiêm túc xem, sau khi đọc câu chuyện đó chúng ta có trưởng thành lên được chút nào không, có thêm động lực để làm một người tốt không, có giúp cho đất nước trở nên tốt đẹp hơn không? Hay là câu chuyện chỉ trở thành một cái cớ để chúng ta thêm ruồng rẫy cái thực tại đang cần được cải thiện, và mơ mộng đến một thứ lý tưởng xa xôi cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen mà trách nhiệm thực hiện thuộc về người khác (Nhà nước)?
Nên chăng, chúng ta nên thận trọng hơn khi tiếp nhận những tin tức mang tính khuấy động cảm xúc như thế này, và suy nghĩ kỹ hơn trước khi buông ra những lời ca thán và dè bỉu. Vì những gì chúng ta nói ra trước hết sẽ tác động và định hình nên nhân cách và xa hơn là số phận của chính chúng ta.
Bài viết của tác giả Nguyễn Hữu Bảo Trung, Tiến sĩ người Việt đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản