Chuyện bà giáo "vừa đi vừa khóc" xin chỗ dạy học sinh đặc biệt
Hãy chia sẻ với Infonet.vn những điều đẹp đẽ, những tấm gương bình thường mà cao quý bạn vô tình hay thường xuyên bắt gặp đâu đó thường ngày, những câu chuyện cảm động để cùng chúng tôi tiếp tục "bền bỉ đánh thức chuyện tử tế" trong mỗi giây cuộc sống.
Câu chuyện được chọn đăng sẽ được hưởng nhuận bút theo quy định của TS.
Bài vở xin gửi về: toasoan@infonet.vn
Lúc chúng tôi đến, bà Nam đang vắng nhà. Trong lúc tôi đang mải ngắm nhìn ngôi nhà “đặc biệt” này thì một bà cụ dáng người mảnh khảnh, đầu tóc bạc trắng tiến đến gần, giọng nói nhỏ nhẹ đậm chất Huế: “Cháu tìm bà à?”. Hóa ra đây là bà Nam mà chúng tôi đang tìm gặp.
Dù đã ở cái tuổi 82 nhưng bà Nam vẫn thường xuyên tham gia công tác xã hội ở phường. Hôm nay, như thường lệ, bà vừa đi họp về từ nhà văn hóa. Vừa đi bộ về giữa trưa nắng gắt, bà vẫn đon đả mời tôi vào trò chuyện. Lúc này cũng đã tầm 11 giờ trưa, khi tôi hỏi bà có đói với mệt không, bà cười hiền từ: “Bà chưa đói gì đâu, bà vừa uống nước mía rồi. Cháu ngồi chơi, nhà bà nghèo chỉ có như thế này thôi”.
Bà giáo Hồ Hương Nam |
Cô giáo năm lần bảy lượt bị xua đuổi
Theo lời kể của bà, từng là người xứ Huế, bà theo chồng ra Hà Nội sinh sống và làm giáo viên tại Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám. Đến năm 1979 bà về hưu, cảm giác xa trường, xa lớp học khiến bà cảm thấy hụt hẫng. Tuy nhiên, bà vẫn tham gia các hoạt động xã hội của phường như công tác dân số, khuyến học, kế hoạch hóa gia đình...
Đây cũng như một là cái duyên, nhờ việc “đi từng ngõ, gõ từng nhà” như thế, bà đã gặp nhiều trường hợp trẻ em khuyết tật, không được học hành. Với cái tâm của một nhà giáo, một ý nghĩ lóe lên trong đầu bà là quyết chí mở lớp để dạy chữ cho các em nhỏ thiếu may mắn này.
Đến năm 1997, để hiện thực hóa tâm nguyện của mình, bà Nam bắt đầu đi vận động một số gia đình có con khuyết tật, thiểu năng trí tuệ hoặc tự kỷ đến lớp của bà. Thời gian đầu để thuyết phục được các gia đình cho trẻ đi học không hề dễ dàng. Theo bà Nam, hầu như nhà nào bà cũng đi, có thể nói nhà nào cũng “xông” vào.
“Thời gian đầu khó khăn lắm, đi đến đâu bị xua đuổi đến đấy. Bởi những gia đình đó mặc cảm, họ không muốn người khác gợi đến nỗi đau gia đình. Họ bảo con đã tàn tật rồi còn học hành làm gì nữa. Con cái như vậy, họ đau lắm”, bà Nam chia sẻ.
Số khác lại khuyên bà nên về nhà nghỉ ngơi tuổi già, đừng làm những việc không đâu. Cũng không ít người mắng, nói bà những câu thậm tệ hơn. “Người thì nói bà già rồi, nhà thì nghèo sao bà lại còn dạy không công như thế. Những người không ủng hộ thì nói tôi lẩm cẩm, hay thậm chí là “khùng”, thừa hơi thì về làm việc nhà có ích hơn”, bà Nam kể.
Câu chuyện bà kể đứt đoạn giữa những cơn ho kéo dài. “Nhưng đôi khi nghĩ lại bà thấy họ nói cũng có cái đúng. Tự nhiên lao vào những chuyện như thế này, nhưng vì tình thương và trách nhiệm bà không đứng ngoài mà nhìn được”.
Và ngày ấy, kiên trì để thuyết phục những gia đình này đồng ý, bà Nam xin họ giao con cho 2 tháng, nếu không có tiến bộ gì thì sẽ trả về. Mãi sau, bà cũng vận động được hai cháu đi học.
Ban đầu, bà mượn tạm được trụ sở tuần tra của cụm dân cư số 6, phường Yên Phụ để làm nơi mở lớp dạy. Thế nhưng, được 2 năm thì phải trả lại nơi này để xây dựng nhà văn hóa phường. Thấy nhà trẻ gần đấy có một phòng còn trống, bà lại dọn dẹp sạch sẽ, chỉnh chu cho các cháu vào học tạm.
Đến năm 2002, số học trò của bà đã lên 6 cháu, để có chỗ học cho các cháu, hàng tháng trời ngày nào sau giờ dạy học, bà cũng lên phòng giáo dục quận Tây Hồ để xin. Lắm hôm khóc lóc đi về vì thương các cháu không có chỗ học. “Sau gần 3 tháng rồi cũng được. Không ai ngờ mình lại bạo gan đến thế, chắc họ thấy bà đến nhiều quá họ cũng ngại. Trường THCS An Dương đã đồng ý cho bà mở một lớp học tình thương ngay tại khuôn viên của nhà trường.”, bà Nam nhớ lại.
Mong trẻ lại để tiếp tục dạy học
Tiếng lành đồn xa, đến nay lớp học của bà Nam đã có 15 cháu khuyết tật thường xuyên theo học. Trong số này có 5 cháu không ở phường Yên Phụ mà từ các nơi khác trên Hà Nội tìm về theo học.
Các buổi học của bà bắt đầu từ 8h sáng và kết thúc khoảng 10h, từ thứ 2 đến thứ 6. Khó khăn trong quá trình dạy học là mỗi cháu một khuyết tật khác nhau, thế nên cách dạy phải khác nhau. Trong một buổi, có khi bà giáo ở cái tuổi “xưa nay hiếm” này vừa kèm cháu này viết bài chính tả, vừa kèm cháu khác làm toán cộng trừ nhân chia, cả thêm dạy các cháu mới vào nhận biết từ chữ O, chữ A,… Đã vậy có những cháu học chữ O trong vòng 3 tháng.
Biết chuyện bà bị huyết áp cao, vừa phải đi cấp cứu về, tôi hỏi sắp tới bà có dạy nữa không, không chút lưỡng lự, bà đáp nhanh: “Vẫn tiếp tục dạy chứ, bà chưa hề có cái ý nghĩ sẽ nghỉ việc dạy học. Không nói trước được sẽ dạy được bao nhiêu năm nữa nhưng thực sự bà vẫn cảm thấy tiếc vì tuổi bà nhiều quá rồi. Nếu được đang còn trẻ tí nữa thì hay, độ khoảng 70 gì đấy thì còn dạy thêm nhiều trẻ khuyết tật nữa.”
Khi được hỏi về những kỷ kiệm với lớp học đặc biệt của mình, bà Nam tâm sự hè này bà cảm thấy buồn đơn giản chỉ vì vắng các cháu. “Các cháu khuyết tật trìu mến, tình cảm lắm. Có hôm 20/11, thấy các cô giáo khác đều có hoa mà bà không có, các cháu cũng góp tiền lại mua hoa tặng bà. Khi bà hỏi lấy tiền đâu ra, thì các cháu bảo là tiền ăn sáng, trẻ khuyết tật thì làm gì mà có tiền chứ, bà cảm động muốn khóc”, bà Nam rưng rưng.
Chào bà để ra về, mà trong tai tôi vẫn văng vẳng câu nói đáng phải suy ngẫm về trách nhiệm với cộng đồng: “Đôi khi đang dạy học, bà chợt nghĩ một ngày nào đó mình không đủ sức khỏe để mà dạy nữa thì thương các cháu bơ vơ, không biết có ai dạy chúng không?”.