Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể là sự chắp vá không logic?
Sau thời gian đưa lên cổng thông tin Bộ GD&ĐT lấy ý kiến góp ý của dư luận, cho đến nay Chương trình Phổ thông tổng thể (CTPTTT) chính thức được thông qua.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn tỏ ra băn khoăn, lo lắng với chương trình liệu việc giảm thời lượng học có giảm tải kiến thức một cách thực sự và nội dung chương trình có đáp ứng tiến trình hội nhập với thế giới? Rồi việc tổ chức đánh giá kết quả sẽ tiến hành thế nào?
Liên quan đến vấn đề này, PV báo Infonet đã có cuộc trao đổi cùng thầy Đào Tuấn Đạt – Giảng viên ĐH Bách khoa Hà Nội. Thầy Đạt cho hay: “Về cơ bản CTPTTT được thông qua lần này không có bước tiến nào về tư duy so với các bản dự thảo được đưa lên để lấy ý kiến nhân dân trước đây. Đó là chưa kể chương trình được thông qua là sự chắp vá không có logic.
Bản chất của chương trình thông qua chỉ là sự bày biện lại những điều đã cũ và thay đổi cách gọi tên và bổ sung vài chi tiết còn chưa được kiểm nghiệm về mặt khoa học.
Phải chia sẻ thật rằng, tôi hoàn toàn thất vọng với bản sửa đổi lần này. Tôi cho rằng khi chưa có nhận thức đúng về bản chất của giáo dục rồi cũng sẽ lại dẫn tới tình trạng “dạy giả”, “học giả”, nhồi nhét, đánh đố học sinh”.
Có thể thấy, chương trình được thông qua này đã giảm thời lượng tiết học một cách đáng kể, tuy nhiên thầy Đào Tuấn Đạt cho biết: “Nếu nhìn rộng hơn chúng ta có thể thấy vẫn là con số 29 tiết/tuần, như vậy số tiết học đâu có giảm?
Giảm tiết môn này lại tăng tiết học vào môn kia thì cuối cùng cũng như nhau. Chúng ta cần hiểu rằng, học sinh chỉ cần học một vài môn trong mỗi lĩnh vực tương tác đó là đủ toàn diện. Chỉ khi chúng ta sắp xếp các môn theo lĩnh vực tương tác tốt mới thấy học bao nhiêu môn là hợp lí.
Chứ như hiện nay, học ít thì lo mà học nhiều thì quá tải. Không biết phải học bao nhiêu môn cho đủ, cứ loanh quanh lúc bắt buộc, lúc tự chọn, lúc chọn nhiều chứ không có nguyên tắc nào.
Rồi câu chuyện sĩ số lớp đông, năng lực tự học yếu, thời gian lại không đủ thì chắc chắn sẽ dẫn tới quá tải cơ học. Tình trạng cần học thì không đủ thời gian mà không cần vẫn phải học sẽ lại diễn ra như hiện nay vẫn chỉ là câu chuyện “bình mới rượu cũ”.
Ông Đào Tuấn Đạt – Giảng viên ĐH Bách khoa Hà Nội |
Thầy Đào Tuấn Đạt cũng cho biết thêm: “Khi theo dõi kỹ sẽ thấy rằng các môn học trong chương trình GDPTTT vẫn chỉ là các môn truyền thống. Chỉ là người soạn thảo đã đổi tên hay ghép lại với nhau chứ không hề có những môn mới như xã hội học và tâm lý, giáo dục tài chính. Kiến thức trong đó vẫn hoàn toàn phiến diện. Cái đáng lo ngại nhất là các môn cũ tạo thành một vòng luẩn quẩn khép kín nên không còn cơ hội cho những môn mới.
Giáo dục phổ thông hiện đại phải toàn diện phân hóa và chuyên sâu, hoàn toàn không phải học và thi tất cả môn mà phải giúp học sinh phát triển cả về các môn văn hóa, đạo đức, thể thao, nghệ thuật…
Có thể thấy việc hết 11 môn "truyền thống" như chương trình hiện hành của chúng ta cũng không tạo được sự toàn diện. Ở các nước có nên giáo dục tiên tiến, người ta phải chia các môn học thành các lĩnh vực khác nhau để đảm bảo tính toàn diện, học sinh phải học tất cả các lĩnh vực. Nhưng chỉ chọn một vài môn thậm chí một phần của môn đó để học. Vì thế, trung bình trên thế giới hiện nay chỉ học 6 môn”.