Chữa cảm nắng, cảm nóng mùa hè bằng thuốc dân gian
Dấu hiệu cảm nắng
Người bị cảm nắng thường có các triệu chứng báo trước như da nóng, mồ hôi ra nhiều, khát nước, đau đầu, chóng mặt, tim đập mạnh, buồn nôn, tâm thần mệt mỏi.
Một số biện pháp xử trí
Trước hết phải nhanh chóng đưa người bệnh đến chỗ thoáng, thông gió, râm mát, uống nước mát.
Tiếp theo xoa bóp các huyệt: khúc trì, đại lăng, thái uyên. Nếu bị ngất lịm, bấm thêm huyệt thiếu trạch, trung xung.
Rau má |
Các bài thuốc, món ăn hỗ trợ điều trị cảm nắng
Bài 1: rau má tươi 12g, lá tre 12g, lá hương nhu 16g, củ sắn dây thái lát 12g. Nước vừa đủ, sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần uống.
Bài 2: xuyên khung, bạch chỉ mỗi vị 80 - 100g, phơi khô, tán mịn. Mỗi lần uống 4g, ngày 2 lần. Cũng có thể dùng bột hòa nước sôi xông mũi. Công dụng: trị cảm cúm, viêm xoang, hắt hơi, sổ mũi.
Bài 3: hương nhu tươi 20g, rau má tươi 30g, lá sen tươi 20g, củ sắn dây tươi thái lát 20g (hoặc bột sắn dây hòa vào thuốc rồi uống). Cho các vị vào nồi, đổ nước vừa đủ sắc 2 lần, hòa chung 2 nước còn lại chia uống 2 lần trong ngày. Công dụng: chữa cảm nắng nóng.
Bài 4: lá bạc hà 8g, lá kinh giới 8g, cam thảo đất 12g, lá dâu 8g, lá tre 16g, kim ngân 16g. Sắc với 2 bát nước, đun sôi 20 phút, chắt nước lúc còn nóng. Lại sắc uống lần thứ hai. Uống 2 - 3 thang liền.
Bài 5: mạch môn 120g, lô căn 150g rửa sạch thái vụn, trộn đều đựng trong lọ kín để dùng dần. Mỗi lần lấy 30g hãm với nước sôi sau 30 phút thì uống. Có thể thêm tí đường phèn cho dễ uống. Tác dụng thanh nhiệt, hạ sốt, trị cảm nắng nóng có sốt.
Sau khi uống thuốc, cho bệnh nhân ăn cháo giải nhiệt gồm: đậu xanh (cả vỏ) 50g, lá dâu non 16g, lá tía tô 12g. Đun chín đậu xanh (có thể cho thêm một ít gạo tẻ), cho lá dâu, lá tía tô đã thái nhỏ vào, đun sôi tiếp 5-10 phút nữa. Ăn khi cháo nguội để tránh ra mồ hôi nhiều.
Theo Lương y Nguyễn Minh/SKĐS