Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Phát triển bền vững không phải là “phú quý sinh lễ nghĩa”
Phát triển bền vững không phải là “phú quý sinh lễ nghĩa” mà đây chính là những giá trị nền tảng nếu chúng ta muốn trở nên phú quý và đóng góp vào sự phát triển đất nước.
Trong bối cảnh Covid-19 vẫn đang tiếp tục hoành hành trên thế giới, mặc dù chúng ta là một trong số ít các nền kinh tế hiếm hoi đã bước đầu khống chế được Covid-19 và đã thực hiện chương trình tái khởi động nền kinh tế.
Tuy nhiên thị trường thế giới vẫn chưa được mở ra, với một nền kinh tế phần lớn phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài và xuất khẩu như Việt Nam, chắc chắn quá trình tái khởi động nền kinh tế để phục hồi nền kinh tế của chúng ta sẽ rất khó khăn.
Các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn về dòng tiền, khả năng thanh toán, do sự đứt gãy của thị trường đầu ra cũng như khó khăn của môi trường kinh doanh.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong bối cảnh doanh nghiệp vẫn đang rất cần những cỗ máy trợ thở để có thể tồn tại, việc nói đến phát triển bền vững có vẻ như “có gì đó sai sai”, nhưng hoàn toàn không phải như vậy, bởi phát triển bền vững chính là giải pháp để doanh nghiệp vượt qua đại dịch.
Theo Chủ tịch VCCI, chúng ta đang trong bước chuyển đổi từ nền kinh tế thời đại dịch sang nền kinh tế thời hậu đại dịch. Nền kinh tế thế giới sẽ được định hình lại, thế giới của thời sau đại dịch sẽ không còn là thế giới của chúng ta từng sống.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc phát biểu tại Lễ phát động Chương trình CSI 2020. |
“Đại dịch xét ở góc độ nào đó chính là cái giá phải trả khi chúng ta không phát triển bền vững, khi chúng ta đối xử chưa chuẩn mực với môi trường và với xã hội. Cho nên thời hậu đại dịch sẽ là thời những giá trị phát triển bền vững lên ngôi, thế giới sẽ định hình theo nền tảng giá trị là phát triển bền vững. Chưa bao giờ chúng ta nói đến yêu cầu phải tái cấu trúc lại các chuỗi giá trị theo hướng an toàn hơn và có trách nhiệm hơn.” – ông Vũ Tiến Lộc nói.
Phát triển bền vững không thể dừng lại ở những tuyên ngôn, mà cần phải thể hiện bằng những mô hình. Quan trọng nhất là phải có thước đo trong quản trị, đánh giá về mức độ chúng ta có thể đạt được trong phát triển bền vững, cũng như dư địa để phát triển trong tương lai.
Định hướng phát triển bền vững không chỉ là vấn đề của các tập đoàn lớn mà còn là định hướng phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ. Trong 5 năm qua VCCI đã đưa ra bộ chỉ số để các doanh nghiệp có thể áp dụng được, chứ không phải là những gì trừu tượng. Bộ CSI do VCCI ban hành bao gồm 127 chỉ số nhằm định hướng cho sự phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp.
“Tuy nhiên, phát triển bền vững không phải là “phú quý sinh lễ nghĩa” mà đây chính là những giá trị nền tảng nếu chúng ta muốn trở nên phú quý và đóng góp vào sự phát triển cho đất nước.” – ông Vũ Tiến Lộc khẳng định.
127 chỉ số về phát triển bền vững do VCCI đưa ra đều dựa trên 3 trụ cột: Kinh tế, Xã hội, và Môi trường, là những hướng dẫn, định lượng cụ thể cho việc thực hiện 3 trụ cột đó. Tuy nhiên, Chủ tịch VCCI thừa nhận 127 chỉ số là bộ chỉ số thích ứng với các doanh nghiệp lớn, nhưng là thứ quá sức đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
“Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ không thể mang vác được 127 chỉ số như vậy. Có những chỉ số không thích hợp và cũng không cần thiết đối với doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ. Làm sao để quán phở bên đường cũng phải mang tinh thần phát triển bền vững.” Do vậy, theo ông Lộc sẽ có ít nhất 3 bộ chỉ số cho 3 loại hình doanh nghiệp khác nhau.
Năm 2020 là năm thứ năm liên tiếp Chương trình Đánh giá, Công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2020 (CSI 2020) được triển khai bởi VCCI và Hội đồng Doanh nghiệp Vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD, thuộc VCCI).
Năm 2020, Chương trình tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp ở mọi quy mô và lĩnh vực trên toàn quốc. Các doanh nghiệp tham gia Chương trình sẽ khai thông tin theo Bộ chỉ số CSI 2020 với 127 chỉ số ở 4 lĩnh vực: Chỉ số Kết quả phát triển bền vững, Chỉ số quản trị; Chỉ số môi trường; và Chỉ số lao động.
Nguyễn Tuân