Chủ tịch TP.HCM: Lập hồ sơ, đề nghị Thủ tướng cho thành lập Sở An toàn thực phẩm
Nhiều loại thực phẩm không được bày bán trong các cửa hàng đạt chuẩn khiến việc quản lý của cơ quan chức năng rất khó khăn. Hình minh họa: Thịt bò bày bán trong một siêu thị tại quận 7 |
Theo báo cáo của Ban quản lý, trong 2 năm gần đây các đoàn kiểm tra đã xử phạt 9.125 cơ sở với tổng số tiền phạt hơn 61 tỷ đồng. Số tiền xử phạt trung bình tăng so với trước và nằm ở mức cao so với mặt bằng chung cả nước.
Nói về những khó khăn hiện nay, Trưởng Ban quản lý Phạm Khánh Phong Lan cho rằng lớn nhất là việc thiếu biên chế, nhân lực. “Thời gian qua anh em đã làm việc không ngừng nghỉ” – bà Lan cho hay.
“Biên chế bố trí đã thiếu mà còn khó khăn cả trong tuyển dụng. Dù có kế hoạch nhưng chúng tôi chưa tuyển dụng mới được công chức, do vậy chỉ trông cậy vào chuyển công tác từ những nơi khác đến. Nhưng mà còn đến thì có đi, chưa kể những người nghỉ hưu” – bà Lan nói, và thông tin hiện Ban có 524 biên chế nhưng “dù cố gắng hết sức” mới có 406 người làm việc.
Một vấn đề khác được bà Lan đề cập là việc phối hợp giữa các tỉnh trong truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Theo bà Lan hiện việc này phục thuộc vào tinh thần tự nguyện, trong khi nhiều thương lái không những không tự nguyện còn tìm cách đối phó.
Với hàng nông sản tươi sống, nếu xử lý đúng theo quy trình sẽ rất lâu, do vậy Ban quyết định tiêu hủy tất cả hàng không có nguồn gốc xuất xứ hay hóa đơn chứng từ. Trường hợp người vi phạm không đồng ý tiêu hủy Ban sẽ làm theo quy trình nhưng tăng nặng xử phạt vì ngoan cố, thậm chí phát hiện giả mạo giấy tờ.
Riêng về quản lý phụ gia thực phẩm, bà Lan khẳng định các cơ sở được cấp phép đều hoạt động nghiêm chỉnh, “bán hàng nguyên đai, nguyên kiện”, tuy nhiên có nhiều nơi khác vẫn bán hàng không rõ nguồn gốc, trong khi người mua được tự do lựa chọn nơi mua nên Ban không thể quản lý.
Gửi kiến nghị đến lãnh đạo TP, bà Lan cho rằng cần thành lập Sở An toàn thực phẩm. Đồng thời thành lập mạng lưới các Đội quản lý an toàn thực phẩm liên quận/huyện có chức năng tham mưu, giám sát an toàn thực phẩm và thanh kiểm tra xử lý vi phạm.
Phát biểu tại đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định việc thành lập Ban quản lý là chủ trương đúng và phù hợp. Theo ông mô hình này giải quyết được hạn chế là cơ chế phối hợp giữa các sở ngành, đồng thời không làm tăng biên chế (do lấy nhân lực từ các sở ngành khác).
Tuy nhiên ông nhìn nhận nguồn nhân lực của đơn vị “chưa đủ mạnh cả về chất lượng và số lượng”. Ngoài ra dù quy mô của Ban tương đương cấp sở nhưng cơ chế hoạt động chưa rõ ràng.
Vì vậy ông chỉ đạo Sở Nội vụ nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm. Đồng thời xin kéo dài thêm thời gian thí điểm của Ban, bởi nếu không khi hết thời gian thí điểm (ngày 5/12 tới) thì mọi quyết định xử phạt không còn hiệu lực.