Chủ tịch SHB: Lo cứu Bianfishco là để cứu mình
Chủ tịch SHB: Lo cứu Bianfishco là để cứu mình
Sáng nay (9/8), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB) và Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (HBB) đã tổ chức họp báo công bố hoàn tất sáp nhập. Đây là thương vụ sáp nhập thứ 2 trong hệ thống ngân hàng Việt Nam sau khi NHNN công bố chủ trương tái cơ cấu NH và là thương vụ sáp nhập thành công đầu tiên của hai NH niêm yết trên sàn chứng khoán.
Từ ngày 28/8 thương hiệu NH Habubank sẽ chính thức bị "xóa sổ" trên thị trường sau 20 năm tồn tại, phát triển |
“Quét” sạch nợ quá hạn ngay trong năm 2012
Có mặt tại họp báo, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh thanh tra NHNN khẳng định, nguyên nhân khiến HBB khó khăn và buộc phải tìm đối tác sáp nhập là do nhiều nguyên nhân, chứ không đơn thuần do nhà băng này thua lỗ kéo dài. Dẫn chứng được Chánh thanh tra NHNN đưa ra là báo cáo kiểm toán của HBB giai đoạn 2008 – 2010, khi tỷ lệ ROE (tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu ) của HBB đạt 12-13%, ROA (tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản) đạt 1%.
“Sai lầm dẫn tới việc HBB phải sáp nhập là do HBB đã đầu tư vào một số khách hàng lớn và lĩnh vực rủi ro, (như cho Vinashin vay, đầu tư vào lĩnh vực vận tải, sản xuất nguyên vật liệu…) và bộ máy quản trị, quản lý rủi ro nội bộ yếu” – ông Nghĩa nhận định.
Theo tiết lộ của Tổng giám đốc SHB ông Nguyễn Văn Lê, tính đến hết tháng 6, nợ xấu của HBB là 3.729 tỷ đồng, chiếm 23,66% tổng dư nợ (gồm cả nợ của Vinashin trừ đi 30% chuyển đổi thành trái phiếu).
Lo ngại về khoản nợ xấu “khủng” mà SHB sẽ phải gánh vác sau khi HBB “về một nhà” với nhà băng này, ông Đỗ Quang Hiển – Chủ tịch SHB cam kết sẽ đưa nợ quá hạn của HBB xuống dưới 10%. Đến hết năm 2012 SHB sẽ hoàn thành việc giải quyết các vấn đề về thanh khoản và 65% số nợ của HBB sẽ được xử lý.
“Hiện, 65% dư nợ của HBB là của khoảng 50 DN lớn trong các ngành tàu thủy, ngành giấy, … nhưng chúng tôi cam kết sẽ xử lý dứt điểm trong năm nay. Không phải khi nhận được sự chấp thuận của NHNN về sáp nhập, SHB mới lên phương án xử lý số nợ này, mà thực tế chúng tôi đã tiếp cận với 50 DN trên và đang trong lộ trình xử lý, cơ cấu lại nợ. Như việc rót vốn cứu Công ty Thủy sản Bình An cũng là một trong số trường hợp tương tự. Cứu các DN này, nghĩa là cứu NH”- ông Hiển quả quyết.
Sếp cũ HBB không có ghế trong HĐQT NH mới
Nhìn nhận đã “thắng lớn” ở thương vụ sáp nhập lần này, ông Hiển nhấn mạnh, thay vì phải mất 5 năm và chi phí lớn để SHB trở thành một định chế tài chính tầm cỡ về quy mô, tài sản thì SHB chỉ mất 7 tháng nghiên cứu tìm hiểu và hơn 3 tháng kể từ ĐHCĐ 2 NH thông qua sáp nhập.
NH SHB mới sau sáp nhập sẽ là một tổ chức tín dụng lớn mạnh, thể hiện qua số vốn điều lệ gần 9.000 tỷ đồng, tổng tài sản trên 120.000 tỷ đồng, mạng lưới kinh doanh rộng lớn gồm 240 chi nhánh, phòng giao dịch với 5000 cán bộ công nhân viên. Phạm vi hoạt động của SHB không chỉ ở thị trường trong nước mà còn mở rộng sang Lào và Campuchia.
Điều quan trọng, là quyền lợi và lợi ích của người gửi tiền tại HBB trước đây sẽ được đảm bảo sau khi nhà băng này sáp nhập vào SHB. Ngoài ra, trong thương vụ này quyền lợi của cổ đông vẫn được đảm bảo vì 1 cổ phiếu của HBB được hoán đổi nhận 0,75 cổ phiếu của SHB và cổ đông nắm giữ 1 cổ phiếu của SHB được nhận thêm 0,21% cổ phiếu SHB.
Lộ trình hoán đổi và niêm yết cổ phiếu HBB và SHB sẽ diễn ra ngay trong tháng 8. Cụ thể, ngày 17/8 hủy niêm yết cổ phiếu HBB; ngày 21/8 là ngày đăng ký cuối cùng để SHB và HBB chốt danh sách cổ đông. Từ ngày 24/8- 28/8 thực hiện hoán đổi cổ phiếu/phát hành thêm cổ phiếu. Dự kiến, bắt đầu từ ngày 20/9 sẽ chính thức niêm yết bổ sung cổ phiếu SHB.
Về thành phần lãnh đạo cấp cao của NH SHB sau sáp nhập, ông Hiển tiết lộ, toàn bộ bộ máy HĐQT của NH SHB trước đây vẫn được giữ nguyên, nếu người của HBB có nguyện vọng tham gia thì sẽ xin ý kiến cổ đông và bầu bổ sung. “Đây là thương vụ HBB sáp nhập về SHB chứ không phải là hợp nhất NH, do đó trước mắt sẽ không có chuyện thay đổi bộ máy HĐQT tại SHB” – Chủ tịch SHB nhấn mạnh.
Vị Chủ tịch SHB cũng không tỏ ra mấy bận tâm về việc tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s hạ bậc tín nhiệm SHB xuống một bậc do thương vụ “kết hôn” với HBB. Ông Hiển cho rằng, đây là việc bình thường vì đúng là hoạt động của HBB trước đây có nhiều yếu kém, thua lỗ. “Nhưng sẽ tới lúc Moody’s hay các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế sẽ phải xem xét lại” – ông Hiển nói.
Tính toán được ông Hiển đưa ra, là các chỉ số tài chính của SHB sau sáp nhập trong đó có hệ số an toàn vốn vẫn đạt 11,39%. Tỷ lệ này đã bao gồm nợ xấu và trích lập dự phòng rủi ro và cao hơn so với 9% của chuẩn mực quốc tế.
Thu Hoài