Chủ tịch IPU: “Tuyên bố Hà Nội” sẽ là di sản
![]() |
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại buổi họp báo chiều 1/4 (Ảnh: ND) |
Tại buổi họp báo diễn ra chiều 1/4, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng cho biết, tại kỳ họp Đại hội đồng IPU 132, các sự kiện đã diễn ra suôn sẻ, đúng trình tự, thủ tục trong tinh thần đoàn kết, hợp tác và đầy trách nhệm. Nhiều chủ đề, nghị quyết quan trọng cũng đã được thảo luận, thông qua tại Đại hội đồng kỳ này. Đặc biệt, theo kế hoạch vào chiều 1/4, IPU 132 sẽ thông qua dự thảo “Tuyên bố Hà Nội”, phản ánh tầm nhìn, cam kết và hành động của các nghị viện thành viên IPU vì sự phát triển bền vững cũng như thúc đẩy hợp tác toàn cầu…
Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới Saber Chowdhury bày tỏ sự hài lòng về công tác tổ chức, tiếp đón từ phía Việt Nam. Ông cũng cho rằng, Đại hội đồng lần này đã có nhiều đổi mới khi tập trung vào giải pháp hơn là xác định vấn đề. Những Nghị quyết đã được thông qua như Nghị quyết liên quan đến tình trạng khẩn cấp, hay cuộc họp các mục tiêu phát triển bền vững, biến lời nói thành hành động… Chủ tịch Liên minh nghị viện cho rằng, xu hướng này đã diễn ra tại Hà Nội. Hà Nội sẽ là dấu mốc về sự thay đổi trong nhận thức và cách tiếp cận, khi người dân luôn đặt ở vị trí trung tâm.
Chủ tịch IPU Saber Chowdhury cho biết, “Tuyên bố Hà Nội” do Quốc hội Việt Nam đề xuất, được thông qua tại Hà Nội sẽ là di sản, sự đóng góp của Việt Nam cho toàn thế giới. Văn kiện này sẽ được trình ra Đại hội đồng Liên hiệp quốc trong thời gian tới.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về những đóng góp của phía Việt Nam từ Đại hội đồng lần này, Chủ tịch IPU cho biết, Quốc hội Việt Nam đã có sự đóng góp lớn trong việc biến lời nói thành hành động. Không chỉ ấn tượng trong từng chủ đề, ông Saber Chowdhury cũng đánh giá cao sự đóng góp của các đại biểu Quốc hội Việt Nam trong tất cả các phiên thảo luận.
Liên quan đến vấn đề chủ quyền lãnh thổ, Chủ tịch IPU cho biết, IPU tôn trọng chủ quyền quốc gia, quyền tự quyết cả các dân tộc và cho rằng, các quốc gia không nên can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Đó cũng chính là nền tảng hoạt động của IPU.
Cùng trao đổi về những vấn đề phóng viên báo chí nêu, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, kỳ Đại hội đồng IPU 132 có ý nghĩa rất quan trọng đối với Quốc hội Việt Nam. Đây là sự kiện đối ngoại, chính trị, hợp tác ở phạm vi toàn cầu. Các mục tiêu thiên niên kỷ thực hiện trong 15 năm tới, được thảo luận, đề xuất từ IPU 132 tới Đại hội đồng Liên Hợp quốc được thông qua là bài học kinh nghiệm lớn cho Quốc hội Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng cho biết, trong thời gian tới Quốc hội Việt Nam cũng như Quốc hội các nước thành viên phải triển khai trên phương diện nghị viện của các nước thành viên, chuyển nghị quyết lời nói thành hành động và phải tích cực đổi mới. Qua đó người dân luôn được xác định là trung tâm, quyết định các chủ trương, tiến hành giám sát các hoạt động…
“IPU luôn tôn trọng quyền con người, nhân quyền gắn với chủ quyền quốc gia gắn với quyền tự do dân chủ, quyền sống, hạnh phúc của mỗi dân tộc. IPU luôn tôn trọng luật pháp quốc tế và luôn kêu gọi các quốc gia tôn trọng luật pháp quốc tế” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chia sẻ.