Chủ quan với đau bụng, người phụ nữ bị cắt túi mật
Các bác sĩ cho biết sỏi túi mật thường hay gặp ở nữ giới và nếu chủ quan với bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đặc biệt biến chứng viêm tụy cấp có thể gây tử vong nhanh chóng.
Sau hai lần mổ, sỏi mật vẫn đúc thành khuôn kín đặc hai đường mật của người phụ nữ 30 tuổi
Từng mổ hai lần lấy sỏi mật, người phụ nữ tiếp tục được phát hiện sỏi đúc thành khuôn toàn bộ đường mật trong hai bên gan, trong đó có viên sỏi “khủng” với kích thước lên tới 5cm.
Sỏi kết trong túi mật
Bà H.T.G. (1968) trú tại TP.HCM đến viện trong tình trạng đau bụng âm ỉ vùng dưới sườn phải liên tục và nôn ói nhiều lần. Bệnh nhân được chụp cộng hưởng từ tầng bụng (MRI) ghi nhận túi mật của bệnh nhân thành dày, có sỏi lắp đầy lòng túi mật và có nhiều sỏi nằm trong ống mật chủ.
Bà G. kể mình thường xuyên đau vùng bụng trên rốn, dưới sườn bên phải đã nhiều năm nay nhưng lại chủ quan cho rằng mình chỉ bị đau bao tử (dạ dày) nên đã tự ý mua thuốc uống để điều trị.
Khoảng 4 tháng nay, tình trạng đau nhiều hơn nên đi khám và điều trị ở một cơ sở y tế tư nhân với chẩn đoán sỏi túi mật và được chỉ định cắt bỏ túi mật.
Tuy nhiên, tình trạng của bà G. vẫn không đỡ. Bà vào viện cấp cứu trong tìn trạng nhiễm trùng đường mật. Các bác sĩ BV Đa khoa Quận Thủ Đức đã cho bệnh nhân được điều trị kháng sinh, kháng viêm, giảm đau từ sớm.
Ngày 17/12, bệnh nhân được lên kế hoạch can thiệp mau chóng để lấy sỏi từ ống mật chủ thông qua việc tiếp cận ống mật chủ từ nội soi đường tiêu hóa trên. Sau lấy sỏi, tình trạng nhiễm trùng và đau bụng giảm dần.
Các bác sĩ đã cắt bỏ túi mật. Khi cắt ra ngoài, tham sát thấy túi sượng cứng, mất đàn hồi, lòng lắp đầy những viên sỏi nhỏ làm mất khả năng co bóp và chức năng của túi mật, đồng thời với lượng sỏi nhiều sẽ làm tăng tỉ lệ sỏi rơi vào đường mật chính gây nhiễm trùng, ứ mật vào máu.
Sỏi túi mật của bà G. được bác sĩ cắt ra. |
Vì sao phụ nữ dễ mắc?
Theo BSCK II Nguyến Quang Cừ - Bệnh viện Đa khoa An Việt, túi mật bình thường là một túi nhỏ, màu xanh lam, dính vào phía dưới thùy gan phải, thông nối với đường mật qua ống túi mật. Túi mật có nhiệm vụ cô đặc và lưu trữ dịch mật (được gan tiết ra). Khi chúng ta ăn, đặc biệt là thức ăn có dầu, mỡ; túi mật sẽ co bóp để đẩy dịch mật chứa trong đó vào đường mật và sau đó xuống tá tràng để trộn lẫn với thức ăn giúp tiêu hóa chất béo.
BS Cừ cho biết bệnh sỏi túi mật thường gặp ở nữ giới vì phần lớn liên quan kích thích tiết tố nữ như progesteron khiến giảm vận động túi mật, trong khi estrogen làm tăng cholesterol và giảm a xít mật hòa tan cholesterol. Estrogen gia tăng nồng độ cholesterol trong dịch mật, progesteron làm chậm tốc độ giải phóng túi mật.
BS Nguyễn Quang Cừ chia sẻ về biến chứng sỏi túi mật. |
Trước 40 tuổi, tỷ lệ sỏi mật ở phụ nữ được chẩn đoán cao gần gấp ba lần nam giới; sau tuổi 60 xác suất mắc bệnh ở phụ nữ tăng không đáng kể.
Ngoài ra, bác sĩ Cừ cho biết những phụ nữ phải sử dụng liệu pháp hormon thay thế cũng làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt trong trường hợp hormon được bổ sung cho cơ thể ở dạng uống thay vì gián tiếp qua băng dính. Viên ngừa thai cũng làm gia tăng nguy cơ xuất hiện sỏi túi mật, nhất là trong 10 năm đầu sử dụng.
Đa số đối tượng bị sỏi túi mật đã kết tủa không hề hay biết. Những cục sỏi “thầm lặng” không gây bất cứ triệu chứng gì và thường được tình cờ phát hiện trong những dịp thăm khám khác - chẩn đoán bằng siêu âm ổ bụng.
Một số trường hợp bị sỏi túi mật có triệu chứng đau bụng. Bệnh nhân thường đau ở bụng sau đó lan ra sau lưng, lan lên giữa xương bả vai hoặc dưới vai phải. Đau vùng thượng vị sau bữa ăn no, ăn béo... đôi khi được chẩn đoán nhầm với đau dạ dày ngoài ra bệnh nhân còn các triệu chứng đổ mồ hôi, nôn, sốt, vàng da.
Những thói quen như nhịn ăn, bỏ bữa có thể làm tăng nguy cơ sỏi mật. Khi giảm cân cần giảm từ từ vì giảm cân cấp tốc cũng tăng nguy cơ sỏi thận. Nên tăng cường vận động, hạn chế ăn thực phẩm giàu cholesterol để giảm nguy cơ mắc sỏi thận. Sỏi túi mật cũng có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng, như viêm túi mật cấp, viêm đường mật, viêm tụy cấp…
Phương Thúy