Chủ đầu tư dự án Đại Thanh cho khách hàng ăn “bánh vẽ”?
Chủ đầu tư dự án Đại Thanh cho khách hàng ăn “bánh vẽ”?
Mua đi bán lại ăn chênh
Dự án Khu đô thị mới Đại Thanh diện tích trên 17ha, tại Cầu Tó, Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Theo quảng cáo của chủ đầu tư, Khu đô thị là tổ hợp các công trình được đầu tư xây dựng mới đồng bộ, hiện đại, gồm 600 căn biệt thự, liền kề và 6 khối nhà chung cư cao tầng, công viên, trường học… Hiện tại, 3 tòa CT8 A, B, C đã thi công xong móng và dự kiến bàn giao nhà vào quý I/2014.
Ngay cả khi khách hàng mua căn hộ trên giấy tại sàn của chủ đầu tư, đã bị chênh nhau giá gốc vài chục triệu/căn hộ cho nhân viên |
Vừa qua, chủ đầu tư tung ra thị trường khoảng 600 căn hộ Tòa nhà CT8B, có diện tích từ 42 - 66 m2, với giá bán từ 14 - 14,7 triệu đồng/m2 (đã bao gồm VAT). Trước đó, hồi đầu tháng 6, chủ đầu tư đã chào bán 600 căn hộ tương tự thuộc Tòa nhà CT8A. Cả hai đợt mở bán đều thu hút sự quan tâm của khách hàng.
Tuy nhiên, một số khách hàng sau khi xem hợp đồng đã không ký vì cho rằng hợp đồng này đưa ra nhiều điều khoản bất lợi cho họ và chỉ có lợi cho chủ đầu tư. Chẳng hạn khi có tranh chấp phải hòa giải, không được tự ý khiếu kiện lên cơ quan chức năng, trả tiền góp vốn muộn bị đóng 100.000 đồng/ngày, chủ đầu tư có quyền bán mà không cần hỏi khách hàng, trong khi khách hàng vẫn phải chịu chi phí giao dịch phát sinh…
PV đã tìm đến sàn giao dịch bất động sản Mường Thanh, nơi giao dịch mua bán căn hộ giữa chủ đầu tư và khách hàng. Cảnh nhân viên môi giới giới thiệu sản phẩm cho khách hàng tấp nập. Qua tìm hiểu nhiều căn hộ trên giấy khách hàng vừa đăng ký, mua đi bán lại cho người khách với giá chênh nhau từ 15 đến 45 triệu đồng/căn, ngay tại sàn.
Dự án Đại Thanh đang thi công phần móng |
Khi được hỏi về những điều khoản trong hợp đồng gây bất lợi cho khách hàng, chị Nguyễn Thị Mai – đại diện sàn giao dịch bất động sản Mường Thanh lý giải, đúng là trong điều khoản hợp đồng khách hàng đóng tiền góp vốn chậm thì bị phạt 100 ngàn đồng/ngày, ngược lại chủ đầu tư xây dựng dự án chậm tiến độ như đã cam kết với khách hàng thì chủ đầu tư phải chịu toàn bộ lãi suất theo ngân hàng tương đương với số tiền khách hàng đã ký góp vốn.
Còn điều khoản chủ đầu tư có quyền bán mà không cần hỏi khách hàng trong khi khách hàng vẫn phải chịu chi phí phát sinh chị Mai giải thích đây là trường hợp khách hàng tự phá hợp đồng góp vốn, hoặc quá chậm đóng tiền các đợt góp vốn tiếp theo cho chủ đầu tư và trường hợp chủ đầu tư bàn giao nhà sau 3 tháng khách hàng không đến ở thì chủ đầu tư có quyền bán căn hộ mà không cần hỏi khách hàng.
Căn hộ trái luật đang xin phép vẫn rao bán
Giải thích về căn hộ dưới 45m2 có trái với Luật Nhà ở không? Và không được cấp sổ đỏ thì sao? Đại diện chủ đầu tư cho rằng, chủ đầu tư đang xin Chính phủ cho phép bán căn hộ dưới 45m2 và cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu cho khách hàng. Khi chủ đầu tư trình bản thiết kế xây dựng lên cơ quan chức năng địa phương, cơ quan này đã duyệt và đồng ý thì chủ đầu tư mới xây dựng như thiết kế. Thêm vào đó, khi cơ quan chức năng địa phương duyệt bản thiết kế xây dựng phần dưới có điều khoản chủ đầu tư không được tự ý thay đổi thiết kế xây dựng, kết cấu công trình… mà cơ quan chức năng đã phê duyệt.
Mặc dù vậy, đại diện của chủ đầu tư luôn trấn an khách hàng hãy yên tâm, luật đang và sẽ sửa đổi nhưng không ít người tiêu dùng vẫn tỏ ra rất lo lắng: Mua căn hộ 42m2 từ dự án Đại Thanh sẽ không được cấp sổ đỏ? Thậm chí để cho chắc hơn, chủ đầu tư còn tư vấn cho khách hàng mua căn hộ 45m2 hay 59m2 sẽ chắc hơn…
Khách hàng khi đến sàn giao dịch được tư vấn và nhận sơ đồ căn hộ phô tô này để quyết định ký hợp đồng |
Trao đổi với PV infonet, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, việc mua căn hộ thương mại dưới 45m2 tại dự án mà chưa được cơ quan chức năng đồng ý cấp sổ đỏ là rất mạo hiểm. Ngoài ra, mua một dự án mới chưa xong phần móng, lại không được mua với giá gốc cũng liều, tiến độ hoàn thành dự án cũng là một dấu hỏi trong bối cảnh thị trường hiện nay. Bên cạnh đó, chủ đầu tư vì sao không xây căn hộ 45m2 mà chỉ 42m2, chênh nhau có vài m2 đáng là bao đâu?
Về những điều khoản trong hợp đồng có phần bất lợi cho khách hàng,ông Liêm cho rằng, đây chỉ là hợp đồng dân sự khách hàng vẫn có quyền khiếu kiện nếu một trong hai bên thực hiện không đúng điều khoản. Ông Liêm còn cho rằng, theo tôi hợp đồng góp vốn mà không có lãi về luật pháp là không đúng, đã góp vốn kinh doanh thì phải có lãi và DN phải báo cáo kết quả kinh doanh và tiến độ, nên gọi đây là cam kết ký quỹ hoặc đặt cọc... thì đúng hơn. Ngoài ra trong hợp đồng cần ghi mọi thông tin đầy đủ, trong đó có cam kết của chủ đầu tư về nghĩa vụ nộp đủ, nhanh chóng tiền thuế sử dụng đất…
Khách hàng nên xem kỹ hợp đồng trước khi ký, và để chắc hơn nên nhờ Luật sư tư vấn. Nếu không khi đã ký rồi, anh phải chấp nhận những điều khoản, và nếu có tranh chấp đưa thì phần thiệt vẫn là khách hàng.
Nguyễn Hiếu