Chợ tạm ùn ùn thu tiền, chủ quầy "sang chảnh" rảnh rỗi "lướt phây"
Đang vào mùa cao điểm mua sắm cuối năm nhưng theo quan, lượng khách đến các trung tâm thương mại rất vắng vẻ, nhiều gian hàng bỏ trống, khóa trái cửa.
Cụ ông mua hàng tại tầng hầm TTTM chợ Mơ: Tôi chỉ vào đây mua sắm khi rảnh rỗi |
8h sáng có mặt tại trung tâm thương mại chợ Mơ, nhưng lượng khách hàng vắng teo. Trong khi đó, dưới tầng hầm, chợ Mơ cũng chỉ đông đúc sôi nhất là dãy hàng ăn sáng. Dạo quanh 2 vòng chợ, nhiều chủ quầy hàng ngồi lướt web, chơi trò chơi, tụ tập nói chuyện giết thời gian.
Cô Hằng, kinh doanh gian hàng bánh kẹo tại chợ Mơ cho hay: “Mỗi hộ chỉ có 3m2 để kinh doanh, ai muốn rộng thì thuê thêm của người khác. Tính ra cứ mối tháng phải trả từ 200 đến 250 nghìn đồng/m2/tháng. Từ khi chuyển vào đây, chợ chẳng có người mua, hàng lúc nào cũng đầy. Sáng sớm thì còn khá, các tiểu thương đến lấy hàng về đổ buôn. Buổi chiều thì ngồi mọc rễ...”.
Theo tìm hiểu, hiện nay chợ Mơ vẫn duy trì chợ phiên truyền thống vào các ngày 2, 7, 12, 17, 22, 27 (âm lịch) hằng tháng. Nhiều mặt hàng đặc trưng của chợ Mơ như cây trồng, con giống... được bày bán nhiều trong chợ. Nhưng chừng đó vẫn không đủ sức để thu hút người mua.
Trung tâm thương mại chợ Hàng Da vắng từ trên xuống dưới, vắng từ trong ra ngoài. Chủ của hàng kinh doanh giò chả nhăn nhó: “Ế lắm em ạ. Cả dãy này bán đồ ăn nhưng ít khách lắm. Họ chẳng vào chợ đâu, toàn mua ngoài cho nhanh thôi”.
Quả đúng như lời chị nói, dù đứng nói chuyện với chị rất lâu nhưng chẳng có lấy một vị khách nào vào mua hàng.
Các tầng trên của trung tâm thương mại chợ Hàng Da chủ yếu là bày bán quần áo, đồ da dụng nhưng cũng chẳng khá hơn. Nhiều gian còn treo biển “cho thuê”.
Chợ cóc niêm yết giá ùn ùn khách
"Chợ cóc, chợ tạm mọc lên nhan nhản. Người dân lại có thói quen mua sắm tại các chợ cóc này vì tiện lợi, hàng hoá rẻ lại nhanh chóng. Khi vào các chợ, trung tâm thương mại thì người dân lại phải gửi xe, hàng hoá lại giá cao hơn nên họ không thích vào" - đó là đông đảo ý kiến của các tiểu thương giải thích vì sao trong chợ, trung tâm thương mại luôn vắng khách.
Chợ cóc đông đúc người bán người mua |
Theo quan sát, 4 bề, tứ phía của các trung tâm thương mại, chợ truyền thống đều có những dãy hàng. Phố Nguyễn Văn Tố cạnh chợ Hàng Da có tới hàng chục quầy hàng thực phẩm, rau quả tươi sống nườm nượp người mua chen chúc, ồn ã từ sáng tới chiều tối.
Thực tế, hàng trăm, hàng ngàn chợ cóc, chợ tạm mọc lên phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Phố Trần Cung (phường Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm); khu tập thể Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội)... từ lâu đã họp chợ. Sáng, trưa, chiều, tối lúc nào cũng tấp nập, nhốn nháo, giao thông bị cản trở.
Chị Đỗ Thị Oanh, sống tại ngõ 488 phố Trần Cung cho hay: “Tiện đường về mua đồ ăn luôn. Ở đây đồ gì cũng có, mình chọn hàng nào ưng mắt thôi, tránh mua ở những nhà bày hàng dưới mặt đường. Vừa nhanh, vừa rẻ”.
Giá cả rất rẻ cũng là yếu tố hút khách của hàng hóa chợ cóc |
“Ngày trước tôi vẫn thường đi chợ Mơ vì hàng hóa ở đây rất phong phú, chiều đi làm về tạt vào chợ 15 phút là đã có đủ thức ăn cho bữa tối. Từ khi trung tâm thương mại chợ Mơ đi vào hoạt động, tôi cũng chỉ ghé qua vài lần vì khu vực chợ được bố trí dưới tầng hầm, muốn xuống mua hàng lại phải gửi xe, không khí rất ngột ngạt, cho nên tôi mua luôn của các hàng rong gần chợ cho nhanh” – Chị Phương, nhân viên văn phòng chia sẻ.
Chủ hàng rau, cá trên đường Nguyễn Văn Tố cho biết, trước cũng từng kinh doanh trong chợ Hàng Da, nhưng không chịu được vì quá vắng khách. Từ ngày chuyển ra ngoài đường kinh doanh, khách nhiều, lãi lớn. Họ đi đường, tạt vào rồi cứ ngồi trên xe chỉ trỏ, loáng một cái là bán hết hàng.