Cho phép CSGT trưng dụng tài sản: Lấy điện thoại của cá nhân thì tính thế nào?
Như Infonet đã đưa tin, ngày 4/1, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 01/2016/TT-BCA quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông (CSGT). Trong đó, bổ sung một số quyền hạn cho cảnh sát giao thông trong lúc làm nhiệm vụ được quyền trưng dụng tài sản, phương tiện của người dân.
Cụ thể, khoản 6 Điều 5 Thông tư 01/2016/TT-BCA quy định quyền hạn của cảnh sát giao thông nêu rõ: “Được trưng dụng các loại phương tiện giao thông; phương tiện thông tin liên lạc; các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển; sử dụng các phương tiện, thiết bị đó theo quy định của pháp luật”.
Xung quanh quy định trên của Bộ Công an, trao đổi với phóng viên Infonet sáng nay (1/2), TS Giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho biết: "Việc này ở các nước người ta đều làm nhưng theo tôi phải có quy định cụ thể hơn.
Ví dụ, khi công an trưng dụng xe của người tham gia giao thông, có ai xác định được người đó dùng vào việc chính đáng hay không? Có thực sự phục vụ công cộng, xã hội hay không? Hay có việc chưa thật sự xác đáng, chưa thật hợp lý nhưng người ta vẫn dùng phương tiện của người khác trong khi chưa có lệnh, không có quyết định gì thì sẽ làm mất đi quyền sở hữu của người dân".
Theo ông Thủy, điện thoại, xe máy là của người dân nhưng một anh công an bảo ông đưa cái xe để tôi thế này thế kia thì không hợp lý. Vì vậy, chủ trương thì đúng nhưng cách thức thực hiện thế nào thì phải có một chế tài, quy định, ít nhất người trưng dụng xe đó phải có một giấy đặc biệt.
“Giấy đó có thể được nội bộ ngành công an cung cấp, có con dấu và chữ ký của người có trách nhiệm ở trong đó, khi anh đưa ra buộc người dân phải đồng ý để cho người ta trưng dụng. Sau đó, trên cơ sở đó, người dân sẽ lấy lại phương tiện đã bị cảnh sát trưng dụng. Như vậy vừa đảm bảo an toàn, vừa đảm bảo an ninh và phù hợp với luật sở hữu của người dân”, TS. Nguyễn Xuân Thủy nói.
Cảnh sát giao thông xử phạt xe vi phạm. Ảnh minh họa |
Đồng tình quan điểm trên, luật sư Nguyễn Văn Kiệm, Văn phòng Luật sư Phạm Sơn, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, vấn đề trưng dụng tài sản, không riêng gì cảnh sát giao thông, tất cả các lực lượng thực thi công vụ trong trường hợp khẩn cấp, truy bắt tội phạm, ngăn chặn hành vi nguy hiểm có tính nguy cơ cao, trong tình thế cấp thiết, cấp cứu người bị nạn hoặc ngăn chặn thảm họa, thiên tai địch họa thì việc trung dụng là cần thiết.
Phân tích vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Kiệm cho rằng, cần phải có cơ chế bù đắp hoặc bồi thường cho người bị trưng dụng, và có cơ chế kiểm soát, quy định rõ ràng trong việc trưng dụng hay huy động. Quy định cần phải rất rõ ràng, cụ thể chứ không thể chung chung, tùy tiện. Ví dụ, có người bị nạn nếu không được cấp cứu kịp thời thì có thể nguy hiểm đến tính mạng thì việc trưng dụng phương tiện để đưa người đi cấp cứu là cần thiết
Khoản 3, Điều 169 Bộ Luật Dân sự cũng đã nêu rõ, trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân, pháp nhân hoặc của chủ thể khác theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, Điều 169. Bảo vệ quyền sở hữu cũng quy định rõ: Quyền sở hữu của cá nhân, pháp nhân và chủ thể khác được pháp luật công nhận và bảo vệ; Không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái pháp luật quyền sở hữu đối với tài sản của mình. Chủ sở hữu có quyền tự bảo vệ, ngăn cản bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền sở hữu của mình, truy tìm, đòi lại tài sản bị người khác chiếm hữu, sử dụng, định đoạt không có căn cứ pháp luật.
Không đồng tình với các ý kiến trên, trao đổi với phóng viên, luật sư Huỳnh Văn Nông, Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng, quy định về việc cho phép CSGT được trưng dụng tài sản của người dân tạo ra sự tùy tiện.
Theo luật sư Huỳnh Văn Nông, Luật công an nhân dân quy định việc trưng dụng phải theo quy định của pháp luật. Quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng là phải có văn bản và phải theo trình tự chặt chẽ.
Tuy nhiên, thông tư 01 lại không có quy định rõ khiến người ta có thể hiểu rộng là cảnh sát giao thông được quyền trưng dụng trong tất cả trường hợp. Cách hiểu này trái với Luật trưng mua, trưng dụng và Luật công an nhân dân.
Luật sư Huỳnh Văn Nông cho rằng, không cần giao thêm quyền cho cảnh sát giao thông được quyền trưng dụng tài sản vì sẽ tạo ra sự bất ổn. Người dân sẽ đặt câu hỏi là anh sợ dân quay phim, chụp hình hay sao mà lại giao cho anh được quyền tịch thu phương tiện của tôi? Xã hội tiên tiến nên tạo cơ sở cho người dân giám sát lực lượng cảnh sát giao thông.
“Bây giờ nếu cảnh sát giao thông lấy điện thoại của người dân, đó không chỉ là phương tiện nghe nói mà chứa đựng trong đó nhiều thông tin cá nhân, đời tư, tài khoản ngân hàng. Nếu cứ trưng dụng hời hợt thì quyền lợi của người dân sẽ giải quyết thế nào? Rõ ràng quy định này tạo ra sự tùy tiện rất lớn trong lực lượng cảnh sát giao thông, trong khi trình tự thủ tục ra sao chưa thấy ban hành”, luật sư Huỳnh Văn Nông nói.