Chính thức nới quy định cho phép người nước ngoài sở hữu nhà tại VN
Đây là những nội dung quy định tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã chính thức được Quốc hội thông qua vào chiều 25/11.
Theo Điều 159 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), đối tượng tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm: Thứ nhất, tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.
Thứ 2, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam (sau đây gọi chung là tổ chức nước ngoài).
Thứ 3, là cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam.
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trìnhbày báo cáo giải trình, chỉnh lý dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhà ở (sửa đổi) |
Tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua các hình thức: Đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan. Mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ.
Trình bày báo cáo giải trình, chỉnh lý dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhà ở (sửa đổi) Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết, sau khi thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật này, có ý kiến ĐB đề nghị cần quy định chặt chẽ hơn về đối tượng, điều kiện sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài để bảo đảm an ninh, quốc phòng. Đề nghị cần có đánh giá, tổng kết việc thực hiện chính sách này, trong đó cần nêu rõ kinh nghiệm của các nước trên thế giới về vấn đề này.
Sau khi nghiên cứu UBTVQH cho rằng, việc quy định mở rộng đối tượng, điều kiện được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam nhằm tạo yếu tố thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài và phù hợp xu thế hội nhập quốc tế. Để bảo đảm an ninh, quốc phòng thì trong dự thảo Luật đã có các quy định chặt chẽ, như: chỉ cho phép mua nhà ở tại các dự án nhà ở thương mại không thuộc khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh, cho phép sở hữu có thời hạn 50 năm, hạn chế về tỷ lệ nhà ở được phép mua và sở hữu…
Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ quy định của dự thảo Luật về điều kiện sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Với 372/404 ĐB tham gia tán thành (tỷ lệ 74,85%) thông qua quy định này, nhưng có tới 28 ĐB không tán thành, chiếm tỷ lệ 5,63% và 4 ĐB không biểu quyết, tỷ lệ 0,8%.
Một nội dung sửa đổi tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) là hình thành Quỹ phát triển nhà ở xã hội quy định tại Điều 74. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trên cơ sở ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã cho chỉnh sửa lại theo hướng: không quy định về việc thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội. Việc huy động vốn và cho vay để thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội sẽ thông qua Ngân hàng chính sách xã hội.
Ngân hàng sẽ lập một khoản mục riêng để quản lý nguồn vốn cho thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở, đồng thời có sự tham gia của Bộ Xây dựng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý việc sử dụng vốn phát triển nhà ở xã hội để bảo đảm hiệu quả sử dụng, bảo toàn vốn, đúng mục đích, đối tượng chính sách. Đồng thời, việc cho vay vốn được thực hiện thông qua các chi nhánh hiện có của Ngân hàng chính sách xã hội để không làm phát sinh thêm về biên chế, tổ chức, chi phí hoạt động.
Với những nội dung sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), các ĐBQH đã biểu quyết thông qua toàn bộ nội dung dự thảo với 418/424 ĐB tán thành, chiếm tỷ lệ 84,1%. Số ĐB không tán thành là 4 ĐB, tỷ lệ 0,8%; có 2 ĐB không biểu quyết chiếm tỷ lệ 0,4%.
Luật Nhà ở (sửa đổi) có 13 chương, 183 điều sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 tới.