Chiều cuối năm của một “osin” nghĩa trang
Chị Hồng lau dọn nghĩa trang. |
Thuộc “nhà” từng người đã khuất
Từ ngày nghĩa trang Lạc Hồng Viên mới đi vào hoạt động, chị Hồng đã xin vào làm công việc dọn dẹp nghĩa trang với mức lương 2 triệu đồng/tháng. Bốn năm trôi qua, đến nay chị được nhận mức lương 3 triệu đồng/tháng.
Công việc bắt đầu từ 7h giờ sáng đến khi trời nhá nhem tối. Một tháng chỉ được nghỉ 2 ngày. So với quỹ thời gian bỏ ra, nhiều người đã từ bỏ công việc này vì chê thu nhập thấp. Chị Hồng bảo “tôi thực sự rất có duyên với công việc vì nhiều người xin vào làm rồi lại phải nghỉ”.
Công việc của chị Hồng càng bận rộn hơn khi dịp Tết đến vì con cháu, người thân của người đã mất lên tảo mộ đông hơn. Vừa dùng khăn ướt lau từng ngôi mộ, chị Hồng nhặt từng chiếc lá rơi trên bia mộ, lau bát hương, lau lư hương. Tay chị nhanh thoăn thoắt. Cây lá mùa đông cũng héo hon trước thời tiết khắc nghiệt nhưng với chị Hồng ở khu vực mộ chị chăm sóc không được héo úa.
Chị thuộc từng ngôi mộ và biết được cả hoàn cảnh gia đình của người yên nghỉ dưới đất kia để có thể chăm sóc họ khi mất được tốt hơn. Mỗi lần lau mộ xong, chị lại cầm nén hương thắp lên mộ để cầu nguyên người nằm dưới đất cho chị sức khỏe.
Công việc cần đến chữ tâm
Công việc vất vả, nắng gió, mưa rét của núi đồi khiến gương mặt chị cũng bị tối xạm. Nhưng miệng chị luôn cười vui dù dù lúc phải ôm cả một ống nước đi khắp các khuôn viên mộ phần để tưới cây, xách hai tay hai thùng nước đầy đến từng mộ lau dọn.
Chị Hồng kể “Tất cả cũng là do tấm lòng mình hướng tới những người đã mất. Mình luôn coi các cụ đang yên nghỉ ở đây như là người thân của mình, vì thế mà mình làm việc tốt hơn. Và nhất là sau mỗi ngày làm việc, mình cảm thấy rất vui và thanh thản như vừa làm việc thiện vậy!”.
Công việc tưởng chừng như đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được. |
Tuy nhiên có nhiều ngôi mộ những người thân ở xa, lâu ngày mới quay lại thăm mộ một lần, chỉ cần thấy không được sạch như ý muốn là họ cằn nhằn. Thậm chí có những người khó tính họ còn dùng tay xoa lên đá ốp xem có bẩn không. Nếu có tý bụi đen bám vào là họ lại trách móc vì họ đã trả tiền cho công ty rồi.
Nhiều người họ chứng kiến công việc này sẽ thông cảm vì lau mộ bia đá, nhất là đá đen, rất khó để bóng sáng vì bụi bẩn hàng ngày khó tránh khỏi. Công viêc tưởng chừng như rất đơn giản ấy nhưng không phải ai cũng làm được. Không có tâm càng không làm được.
Với chị Hồng tất cả những điều đó giúp chị cảm thấy những người thân của người nằm dưới đất kia đang gửi gắm cho chị rất nhiều. Chị Hồng quan niệm người âm hoan hỉ thì người dương cũng hoan hỉ gấp 10 lần. Ngôi nhà sạch sẽ là điều ai cũng mong ước. Có lẽ vì thế, 4 năm làm công việc chăm sóc ngôi nhà của các vong linh, dầm mưa, dãi nắng nhưng chị Hồng cảm thấy mình rất khỏe nên có tháng chị đi làm đủ cả 31 ngày công.
Ngay cả những ngôi mộ chưa được sử dụng, chị cũng làm như thế. Vì chị ngĩ, dù đã hay chưa an táng thì những ngôi mộ này cũng là tấm lòng, là niềm tin của khách hàng gửi gắm tại nghĩa trang này nên chị không thể bỏ qua.
Vóc dáng nhỏ nhắn, gầy gò ấy cứ cặm cụi, miệt mài lau dọn như dành trọn tâm huyết cho những phần mộ nơi đây.
Tuy nhiên, nghề lau dọn nghĩa trang nhiều khi chị Hồng cũng bị người ta kỳ thị. Họ bảo rằng công việc gần gũi với âm khí nên ngày Tết chị chẳng dám đến nhà ai vào sáng mồng Một. Nhiều người hỏi làm ở đâu, chị Hồng chỉ nói làm cho công ty chứ không kể công việc trực tiếp của mình vì có người sẽ dè bỉu. Với chị đây không chỉ là nghề kiếm sống mà còn là tấm lòng đối với người đã khuất.