Chiêm ngưỡng những bảo vật Quốc gia lần đầu tiên được giới thiệu
Sáng 10/1, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã khai mạc triển lãm “Bảo vật Quốc gia Việt Nam” trưng bày 16 bảo vật quốc gia hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Triễn lãm sẽ giúp khách tham quan có cái nhìn tổng thể về sưu tập Bảo vật quốc gia tại Bảo tàng và khám phá những câu chuyện lịch sử, văn hóa chuyên sâu, hấp dẫn hơn của mỗi bảo vật quốc gia; có thêm hiểu biết về tư duy thẩm mỹ, bàn tay tài hoa, những giá trị văn hóa dân tộc đặc sắc, khích lệ lòng yêu nước, tự hào dân tộc; đồng thời góp phần bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị truyền thống văn hóa Việt Nam.
Triển lãm sẽ mở cửa từ 10/01 đến tháng 5/2017.
Dưới đây là hình ảnh một số bảo vật tại triển lãm:
Trống đồng Hoàng Hạ (2000-2500 năm), phát hiện tại xóm Nội Thôn, làng Hoàng Hạ, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Sơn Bình (nay là Hà Nội). |
Thạp đồng Đào Thịnh (2000 - 2500 năm), là một nét văn hoá Đông Sơn được phát hiện bên bờ sông Hồng bị sạt lở thuộc xã Đào Thịnh (Trấn Yên, Yên Bái) năm 1960. |
Tượng đồng hai người cõng nhau thổi khèn (2000 - 2500 năm), do Louis Pajot khai quật tại khu di tích khảo cổ học Đông Sơn (Thanh Hoá) năm 1929. |
Đỉnh chuông chùa Vân Bản (Thế kỷ 13-14), được phát hiện ngẫu nhiên tại vùng biển Đồ Sơn (Hải Phòng) năm 1958. |
Ấn đồng "Môn hạ sảnh ấn" (niên hiệu Long Khánh thứ 5), phát hiện tại xã Hương Giang (Hương Khê, Hà Tĩnh) năm 1962. |
Tác phẩm "Ngục trung nhật ký" (ra đời 1942 - 1943), đây là tác phẩm văn học gồm 133 bài thơ chữ Hán do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng tác trong thời gian bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam tại Quảng Tây (Trung Quốc). |
Cuốn "Đường kách mệnh" (năm 1927) là hiện vật có giá trị đặc biệt, liên quan đến cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. |
Cây đèn đồng hình người quỳ (khoảng 2000 - 2500 năm), được nhà khảo cổ học Thuỵ Điển Olov Janse khai quật tại khu mộ gạch cổ Lạch Trường (Hoằng Hoá, Thanh Hoá) năm 1935. |
Ấn vàng "Đại Việt quốc Nguyễn Chúa vĩnh trấn chi bảo", ấn do chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 - 1725) cho đúc làm quốc bảo vào năm Vĩnh Thịnh thứ 5 (1709). |
Ấn "Sắc mệnh chi bảo" (Thời Nguyễn, năm Minh Mệnh thứ 8),ấn được dùng để ban cấp cáo sắc cho văn võ cùng phong tặng thần và người. |