Chiêm ngưỡng nguyệt thực vào ngày mai
Hiện tượng thiên văn nguyệt thực một phần sẽ diễn ra vào Chủ Nhật, ngày 29/11
Theo cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA, nguyệt thực một phần sẽ diễn ra vào ngày Chủ nhật 29/11.
Nguyệt thực là hiện tượng thiên văn khi Mặt Trăng đi vào hình chóp bóng của Trái Đất, đối diện với Mặt Trời. Điều này chỉ có thể xảy ra khi Mặt Trời, Trái Đất và Mặt Trăng thẳng hàng hoặc xấp xỉ thẳng hàng với nhau, với Trái Đất ở giữa. Do vậy, nguyệt thực chỉ có thể xảy ra vào những ngày trăng tròn.
Trong khi đó, nguyệt thực một phần xảy ra khi Mặt Trời, Trái Đất và Mặt Trăng nằm trên đường gần thẳng. Lúc này ánh trăng sẽ bị mờ đi và Mặt Trăng bị khuyết đi một phần. Có thể nhìn thấy bóng của Trái Đất màu đen (hoặc màu đỏ sẫm) đang che khuất Mặt Trăng.
Trăng tròn hôm Chủ nhật được các bộ lạc người Mỹ bản địa xưa gọi là trăng hải ly vì đây là khoảng thời gian thích hợp để đi săn đặt bẫy hải ly.
Chiêm ngưỡng nguyệt thực một phần vào ngày mai |
Đây là lần nguyệt thực cuối cùng trong năm 2020. Việc chiêm ngưỡng nguyệt thực một phần được hay không phụ thuộc vào thời tiết từng khu vực. Tất nhiên bầu trời quang đãng sẽ giúp ích rất nhiều trong việc chiêm ngưỡng hiện tượng nguyệt thực.
Nguyệt thực lần này sẽ được nhìn thấy trên hầu hết Bắc Mỹ, Thái Bình Dương và Đông Bắc Á. Nguyệt thực bắt đầu xảy ra vào lúc 14h32, đạt cực đại lúc 16h42 và kết thức luc 18h53 giờ Việt Nam (29/11).
Trong năm 2021, có hai lần nguyệt thực nữa có thể nhìn thấy từ phái Tây Bắc Thái Bình Dương. Hiện tượng nguyệt thực toàn phần sẽ diễn ra vào ngày 26/5 và nguyệt thực một phần diễn ra vào ngày 18, 19/11.
Nếu bỏ lỡ sự kiện thiên văn này, bạn có thể chờ đợi hiện tượng thiên văn thú vị khác vào tháng tới. Lần đầu tiên kể từ nhiều thế kỷ, Sao Mộc và Sao Thổ trở nên gần nhau trên bầu trời đêm đến mức chúng xuất hiện như một “hành tinh đôi” sáng rực rỡ.
Vào ngày Đông chí, ngày 21/12, hai hành tinh lớn nhất của hệ Mặt Trời có thể nhìn thấy như chồng lên nhau trên bầu trời phía Tây.
Nếu bạn sống ở Bắc bán cầu, bạn có thể quan sát khung cảnh kết hợp của hành tinh này trên bầu trời Tây Nam, ngay sau khi mặt trời lặn.
Hai hành tinh xuất hiện gần như thẳng hàng từ góc nhìn của Trái Đất. Lần cuối cùng Sao Mộc và Sao Thổ xuất hiện gần như thế này là năm 1623, chỉ 14 năm sau khi Galileo chế tạo kính viễn vọng đầu tiên và khám phá ra các mặt trăng của Sao Mộc.
Hoàng Dung (lược dịch)