Chi trả trợ cấp ưu đãi người có công qua bưu điện: Có thể giảm được gian lận hàng tỷ đồng
Đã có tiền tỷ gian lận, chi sai
Sáng 17/12, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết thực hiện thí điểm chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: B.M |
Một trong những thông tin đáng chú ý tại hội nghị được bà Bùi Hải Yến, đại diện Bộ Tài chính cung cấp là lũy kế chi sai chế độ chính sách từ trước tới nay lên tới hàng trăm tỷ đồng. Riêng 2015, ngành LĐTB&XH đã chi sai khoảng 7,5 tỷ đồng (do cán bộ tham nhũng hoặc tiếp tay cho việc xét duyệt sai chính sách...).
Bởi vậy, bà Yến đánh giá rất cao phương thức chi trả mới: thí điểm chi trả trợ cấp người có công qua bưu điện. Theo bà Yến, từ thực tiễn quá trình chi trả, bưu điện sẽ kịp thời báo lại cho bên LĐTB&XH những trường hợp gian lận chính sách hoặc không còn thuộc diện được thụ hưởng chính sách ưu đãi.
Tại hội nghị, nhiều đại biểu đến từ Cục Người có công – Bộ LĐTB&XH cùng các địa phương cũng đặc biệt nhấn mạnh tính ưu việt khi chi trả qua bưu điện - hình thức đảm bảo sự an toàn của dòng tiền (không để xảy ra tình trạng nhét tiền vào két để trộm lấy mất, hay cán bộ xã làm mất tiền trên đường đi...) và ngăn chặn được tình trạng gian lận khi chi trả trợ cấp ưu đãi người có công.
Nhiều ưu điểm từ quá trình thí điểm
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Tấn Dũng cho biết: Từ năm 2016, chủ trương thí điểm chi trả trợ cấp ưu đãi người có công qua bưu điện đã được triển khai tại 6 tỉnh, thành trên cả nước. Năm 2018, Bộ LĐTB&XH phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức hội nghị sơ kết đánh giá thí điểm. Sau thành công ban đầu, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH đã duyệt chủ trương tiếp tục cho mở rộng thí điểm.
Tính đến tháng 11/2019, toàn quốc đã triển khai thí điểm chi trả trợ cấp ưu đãi người có công hàng tháng qua hệ thống với 3.993 điểm chi trả của bưu điện hoạt động tại 2.703 xã, phường thuộc 20 tỉnh thành phố. Trong đó, 16 tỉnh đã thực hiện bàn giao công tác chi trả trợ cấp ưu đãi người có công qua hệ thống bưu điện trên toàn tỉnh, còn 4 tỉnh mới triển khai thí điểm tại địa bàn một số huyện (Quảng Ninh, Ninh Thuận, Thái Nguyên thí điểm tai 3 huyện, Nghệ An thí điểm tại 5 huyện).
Tính từ thời điểm triển khai đến ngày 30/9/2019, cơ quan bưu điện đã triển khai chi trả được cho gần 3,5 triệu lượt đối tượng, với số tiền chi trả gần lên tới 5.800 tỷ đồng.
Đối với chi trả trợ cấp ưu đãi người có công một lần, 8/20 tỉnh đã thực hiện chi trả qua bưu điện gồm: An Giang, Đà Nẵng, Sóc Trăng, Nghệ An, Đăk Nông, Hưng Yên, Quảng Ninh, Thanh Hóa, với tổng số tiền chi trả trợ cấp một lần xấp xỉ 96 tỷ đồng, cho hơn 135 nghìn lượt đối tượng thụ hưởng.
Nhìn chung, sau 3 năm thực hiện thí điểm, các địa phương ghi nhận nhiều tiện ích như: Tách bạch công tác chi trả với công tác quản lý đối tượng, công tác tham mưu hồ sơ hưởng chế độ chính sách cho đối tượng, góp phần tạo sự minh bạch trong quản lý cũng như giảm áp lực cho cán bộ xã, phường; Dòng tiền luân chuyển ổn định, kịp thời, không xảy ra sai sót trong quá trình chi trả...
Tuy nhiên, bên cạnh ưu điểm vẫn còn tồn tại một số tồn tại như: Nhân viên bưu điện chưa biết rõ đối tượng thụ hưởng, không nắm hết các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng nên hạn chế trong việc giải đáp thắc mắc phát sinh trong quá trình chi trả...
Mặc dù vậy, hầu hết người thụ hưởng chính sách trợ cấp ưu đãi đều đánh giá thời gian chi trả đảm bảo, thái độ phục vụ và tinh thần trách nhiệm của nhân viên bưu điện khi thực hiện chi trả đạt mức tốt và rất tốt (tỷ lệ đánh giá tốt của nhiều địa phương lên tới 98 – 99%). Các địa phương thực hiện thí điểm đều đề xuất, cần tiếp tục thực hiện chi trả qua hệ thống bưu điện.
Đề xuất triển khai toàn quốc ngay từ năm 2020
Dựa trên kết quả thí điểm đã đạt được cũng như những tín hiệu tích cực và sự đồng thuận của các địa phương tham gia thí điểm, bà Chu Thị Lan Hương, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đề xuất triển khai mở rộng việc chi trả trợ cấp người có công qua bưu điện trên phạm vi toàn quốc ngay từ năm 2020.
Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn cũng đề nghị Bộ LĐTB&XH cố gắng đẩy nhanh tiến trình triển khai việc chi trả trợ cấp ưu đãi người có công qua bưu điện bởi đây là xu thế tất yếu, nhất là khi Chính phủ đã có chủ trương những dịch vụ công nào các tổ chức, doanh nghiệp có thể làm được thì không để cơ quan nhà nước làm; và khi cả bộ máy công quyền đang tích cực tinh giản biên chế.
“Bộ TT&TT sẽ phối hợp, yêu cầu Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam trong quá trình tiếp nhận và triển khai chi trả trợ cấp người có công thì song hành làm luôn đề án cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội (theo phương thức thuê dịch vụ). Trên tinh thần chi phí cố gắng chỉ nằm gọn trong tổng chi phí hàng năm Bộ Tài chính cấp cho Bộ LĐTBXH cho việc chi trả trợ cấp người có công. Qua đó góp phần giúp cho việc triển khai Chính phủ điện tử có hiệu quả”, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn nói thêm.
Ghi nhận các ý kiến tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Tấn Dũng thêm một lần nữa nhấn mạnh: Sắp tới, Bộ sẽ tiếp tục thực hiện chi trả trợ cấp người có công qua bưu điện - điều tất yếu phải làm. Bộ LĐTB&XH cũng sẽ trình để xin chủ trương của Thủ tướng, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các địa phương, để 100% tỉnh, thành trong cả nước đồng loạt triển khai ngay trong năm 2020.