"Chí Phèo" nhập viện và mong ước xóa sổ say xỉn rượu bia ngày Tết
Bệnh nhân chảy máu tiêu hoá, sảng vì rượu buộc các bác sĩ phải cột chặt lại |
Mê sảng vì rượu
TS Vũ Trường Khanh – Trưởng khoa Tiêu hoá, Bệnh viện Bạch Mai tâm sự, hầu như năm nào cũng thế, 29 – 30 Tết, bệnh nhân ra viện về nhà bớt, khoa thưa vắng hơn nhưng chỉ được 1 – 2 ngày lại ùn ùn bệnh nhân nhập viện do biến chứng của rượu.
TS Khanh cho biết, biến chứng nặng nhất của những ma men ngày Tết đó là viêm tuỵ cấp. Ngày xưa, viêm tuỵ cấp thường do sỏi mật, giun thì giờ đây viêm tuỵ cấp chủ yếu do rượu.
Hầu như năm nào cũng thế, mỗi ngày Tết có tới 10 – 15 bệnh nhân nhập viện do viêm tuỵ cấp vì uống quá nhiều rượu.
Viêm tuỵ cấp là bệnh nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao, bởi bệnh dễ gây ra các biến chứng suy đa phủ tạng. Bệnh nhân điều trị khoẻ lại thì nguy cơ tái phát cũng rất cao và có thể gây viêm tuỵ mãn, teo tuyến tuỵ, ảnh hưởng tới việc tiết insulin gây ra bệnh đái tháo đường tuyp 2.
Cùng với viêm tuỵ cấp, khoa Tiêu hoá của Bệnh viện Bạch Mai ngày Tết cũng tấp nập hơn với những bệnh nhân nhập viện vì xơ gan do rượu dẫn đến chảy máu tiêu hoá.
TS Khanh kể, những bệnh nhân này đã có tiền sử xơ gan nhưng không kiêng rượu và vẫn uống dẫn đến xuất huyết tiêu hoá. Có bệnh nhân sáng mùng 2, mùng 3 Tết đã nôn cả lít máu, người nhà vội vàng đưa vào viện cấp cứu, truyền máu rồi nội soi cầm máu.
Nhưng sang đến ngày thứ 2, thứ 3 khi không được uống rượu, cảm giác thèm rượu lên, bệnh nhân lại rơi vào tình trạng sảng rượu. Nó là dạng rối loạn tâm thần.
Lúc này, các bác sĩ phải buộc chặt chân tay bệnh nhân. Những bệnh nhân la hét phải tiêm thuốc an thần. Nhưng bệnh nhân có dấu hiệu suy gan, liệt gan thì không thể tiêm thuốc an thần được.
Khi đó, bác sĩ vô cùng vất vả vì vừa điều trị chảy máu tiêu hoá vừa điều trị sảng rượu.
Ám ảnh tai nạn giao thông
Tết Nguyên đán năm 2016, chỉ từ ngày 29 tới mùng 5 Tết, cả nước có 22.826 ca cấp cứu do tai nạn giao thông, trong đó có tới 80% trường hợp do bia rượu gây nên.
Vì thế, với những bác sĩ khoa Cấp cứu Bệnh viện Việt Đức, cứ vào dịp lễ Tết là họ ám ảnh bởi lúc này đây, bệnh viện như một đại nhà thương.
Điều dưỡng Toàn của khoa Cấp cứu chia sẻ, mỗi người bị tai nạn kéo theo cả 4 – 5 người nhà vào theo và ai cũng sặc hơi men. Nếu bác sĩ, điều dưỡng hỏi han, họ sẵn sàng bị "truy sát" vì cái tội hỏi người say.
Dù ai cũng biết nỗi khổ khi cấp cứu ma men nhưng với các bác sĩ ở đây, nó trở thành nỗi ám ảnh. Họ chỉ mong sao bỏ được, cấm được bia, rượu ngày Tết, để bác sĩ không phải chứng kiến những cảnh đau lòng, người thân không bị đau khổ, mất mát.