Chỉ đáp ứng 1/10 nhu cầu vì bị phá quy hoạch
Chỉ đáp ứng 1/10 nhu cầu vì bị phá quy hoạch
Ông đánh giá thế nào về hệ thống giao thông tĩnh ở Hà Nội hiện nay?
Thông thường đất dành cho giao thông ở đô thị chiếm khoảng 20 – 25%. Con số này tương đương với 100 m2 đô thị trên một người dân.
TS. Đào Ngọc Nghiêm. Ảnh LD |
Trong nhiều lần quy hoạch thủ đô đều xác định hệ thống đất giao thông chiếm khoảng trên dưới 20%. Nhưng hiện nay con số này chỉ chiếm khoảng 10%. Rõ ràng giao thông đã không đảm bảo quy hoạch, không đảm bảo sự liên hoàn.
Mặt khác trong hệ thống đất dành cho giao thông nói chung phải đảm bảo 3% quỹ đất dành cho giao thông tĩnh. Nhưng hiện nay Hà Nội chỉ đạt 0,3% diện tích đất tự nhiên dành cho giao thông tĩnh. Như vậy mới chỉ giải quyết được 10% nhu cầu.
Ngoài vấn đề quy hoạch, giao thông Hà Nội đang phải đối mặt với khó khăn gì khác thưa ông?
Ngoài cơ sở hạ tầng, khó khăn lớn nhất là sự bùng nổ của các phương tiện cá nhân. Số lượng phương tiện giao thông cá nhân ở Hà Nội tăng trung bình khoảng 15%/ năm. Đến nay đã có 3,8 triệu xe máy, 40 vạn ô tô, 1 triệu xe đạp, chưa kể xe ở các tỉnh khác lưu thông vào Hà Nội.
Số lượng phương tiện khổng lồ này đã tác động mạnh tới hệ thống giao thông vốn đã không đạt yêu cầu ở Hà Nội. Thông thường với một thành phố một triệu dân trở lên sẽ phát triển hệ thống giao thông công cộng. Hệ thống tàu điện ngầm là phương tiện giao thông công cộng hữu dụng nhất.
Thủ đô Hà Nội đã đặt ra nhiều năm nay, nhưng vẫn chưa giải quyết được và phải đến năm 2015 mới có hệ thống tàu điện ngầm.
Điểm đỗ xe Hà Nội mới chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu thực tế. Ảnh LD |
Được biết Hà Nội đã trải qua nhiều lần quy hoạch, trong đó tập trung nhiều vào vấn đề giao thông tĩnh, nhưng cuối cùng quy hoạch đều bị phá vỡ?
Đúng là Hà Nội đã trải qua nhiều lần quy hoạch. Cụ thể trong 20 năm nay đã trải qua năm lần quy hoạch vào các năm 1992, 1994, 1998, 2004, rồi mới đây nhất là quy hoạch và phê duyệt quy hoạch thủ đô vào năm 2011.
Năm 1994, Hà Nội đã có quy hoạch về hệ thống giao thông tĩnh. Trên cơ sở đó đã có định hướng về hệ thống các điểm trông giữ xe. Trong đó đã có chủ trương tạm khai thác các tuyến phố lưu lượng giao thông ít xây dựng bãi đỗ xe. Tất nhiên đây chỉ là chủ trương mang tính tình thế.
Đến năm 2004 Hà Nội lại có quy hoạch giao thông tĩnh. Lần quy hoạch này lại khẳng định phải xử lý sớm các bãi đỗ xe đã đề ra trước đó. Trong đó có chủ trương giải quyết bãi đỗ xe tại các bến xe liên tỉnh như: Bến xe Kim Mã, Hà Đông, bến xe Nước Ngầm…
Ngoài ra Hà Nội còn quy hoạch nhiều bãi đỗ xe nội đô khác, nhưng qua thời gian nó đã và đang bị biến tướng thành một loại hình khác.
Ông có thể “điểm mặt” một số điểm đỗ đã bị biến tướng?
Khu vực đằng sau tòa tháp Vincom ở cuối phố Bà Triệu dự kiến có một bãi gửi xe, nay đã bị điều chỉnh cục bộ thành khu vực nhà ở, siêu thị. Vì không có bãi gửi xe nên mới xảy ra tình trạng ách tắc.
Nhà để xe phục vụ dân cư và sân vận động Hàng Đẫy nay đã trở thành văn phòng của sở KH&ĐT Hà Nội. Đây là giải pháp tình thế nhưng chúng ta lại để giải pháp tình thế tồn tại quá lâu.
Nhiều bãi đỗ xe trong quy hoạch đã bị biến tướng thành các địa điểm kinh doanh. Ảnh internet |
Ngoài ra còn khá nhiều điểm gửi xe khác như điểm đỗ xe trước cửa UBND quận Ba Đình; khu vực tiếp cận vành đai 2 của Hà Nội; khu vực chuẩn bị cho tuyến tàu điện ngầm Cát Linh có bãi gửi xe; dưới vườn hoa Hàng Đậu, vườn hoa Lý Thái Tổ, vườn hoa bên cạnh Nhà hát lớn, khu vực khách sạn Hilton… đều dự kiến xây dựng bãi đỗ xe ngầm. Thế nhưng hiện nay các bãi đỗ xe này đã bị biến tướng thành mô hình khác.
Mặt khác nhiều địa điểm công nghiệp di dời đi nơi khác dự kiến sẽ trở thành công trình công cộng, bãi đỗ xe nhưng chúng ta cũng không làm được. Ví dụ phần diện tích 20 ha của công ty dệt 8/3, hoặc một số cơ sở công nghiệp trong nội thành đều đã trở thành cơ sở thương mại.
Hay tại chính các tòa nhà cao tầng, trước 2005 được quy hoạch khá hoàn chỉnh. Nhưng chúng ta lại thiếu cách khai thác công trình có tầng hầm đỗ xe, hoặc các điểm đỗ xe quanh tòa nhà lại bị các chủ đầu tư khai thác vào mục đích khác…
Tất cả đã dẫn tới tình trạng thiếu chỗ đỗ xe trầm trọng như hiện nay. Đó là hệ quả của cả một quá trình, có quy hoạch nhưng lại không thực hiện quy hoạch. Có công trình nhưng không quản lý khai thác.
Sau hàng loạt các quy hoạch giao thông tĩnh bị phá vỡ, theo ông Hà Nội có nên đòi lại những khu vực vốn được dùng vào khai thác các điểm đỗ xe?
Tất nhiên Hà Nội hoàn toàn có thể làm được việc đó. Vì tất cả những điểm đỗ này vẫn nằm trong diện quy hoạch. Thế nhưng trên thực tế chúng ta lại đang lúng túng trong việc điều chỉnh quy hoạch, vì thế đến bây giờ vẫn chưa thể giải quyết được vấn đề.
Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Dũng