Chỉ có 17% DN biết rõ các cam kết, cơ hội từ Cộng đồng kinh tế ASEAN
Đánh giá về AEC, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – nói: “Một năm qua AEC không để lại nhiều dấu ấn đậm nét. Tuy bình lặng, nhưng AEC vẫn là động lực để Việt Nam phát triển trong bối cảnh Mỹ dừng phê chuẩn TPP...”.
Thực tế AEC đặt ra rất nhiều mục tiêu và việc hiện thực hóa AEC là cả một quá trình lâu dài với hàng loạt Hiệp định, Thỏa thuận, Chương trình, Sáng kiến, Tuyên bố… Những mục tiêu này đã được các nước ASEAN thực hiện từ khi thành lập ASEAN (1992) cho đến nay, được đẩy nhanh trong thời gian gần đây, và sẽ còn tiếp tục mạnh mẽ trong thời gian tới.
Theo điều tra được thực hiện vào tháng 4/2016 của VCCI, có tới 94% doanh nghiệp biết đến AEC nhưng chỉ chưa đầy 17% biết rõ về các cam kết trong AEC. Kết quả khảo sát của VCCI khẳng định một điều, doanh nghiệp biết thì nhiều, nhưng hiểu rất ít. Số doanh nghiệp tân dụng được các cơ hội từ AEC thời gian qua còn thấp hơn nữa. Thiếu thông tin chính xác và toàn diện về AEC là một trong những rào cản lớn nhất khiến các doanh nghiệp Việt Nam không tân dụng được các cam kết này.
Cộng đồng kinh tế ASEAN là một thị trường vô cùng rộng lớn và tiềm năng với 620 triệu dân, GDP năm 2014 đạt 2,6 nghìn tỷ USD, đứng thứ 7 thế giới và thứ 3 châu Á.
AEC đặt ra các mục tiêu chính gồm: một thị trường đơn nhất và cơ sở sản xuất chung; một khu vực kinh tế cạnh tranh; phát triển kinh tế cân bằng; và hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu.
Mặc dù vậy, một năm “bình lặng” của AEC cũng cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự sẵn sàng cho hội nhập, dù mới chỉ là hội nhập trong khu vực. Ông Trần Hữu Huỳnh – Trưởng Ban Tư vấn chính sách, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn giữ thói quen sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, hàng hóa không đủ sức cạnh tranh ngay trong thị trường nội địa, chứ chưa nói đến thị trường xuất khẩu nên dẫn đến việc chưa tận dụng được cơ hội AEC mang lại.
“Nhìn chung, nguyên nhân đến từ cả hai phía, phía doanh nghiệp thì hội nhập một cách hời hợt, khai thác thông tin không đầy đủ, không thay đổi phương thức quản trị kinh doanh để thu hút vốn, thu hút công nghệ và thu hút nhà đầu tư lớn đến với mình để có thể sản xuất ở quy mô lớn đủ để xuất khẩu và cạnh tranh. Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước cũng chưa tạo dựng được một môi trường kinh doanh đủ thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam tự đứng lên,” ông Trần Hữu Huỳnh chia sẻ.
Theo ông Hoàng Văn Phương – Trưởng phòng ASEAN, Vụ Chính sách Thương mại đa biên, Bộ Công thương – kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong 2 năm 2015 và 2016 đều suy giảm, nguyên nhân là xuất khẩu dầu thô của Việt Nam suy giảm do giá dầu thô không như kỳ vọng, nhu cầu nhập khẩu gạo của một số nước trong khối cũng giảm do họ chủ động được nguồn lương thực trong nước. Mặc dù vậy, nếu loại trừ yếu tố dầu thô, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước ASEAN vẫn tăng khá, trên 50% kim ngạch xuất khẩu đến từ các mặt hàng điện thoại, điện tử…
Vấn đề ở chỗ kim ngạch xuất khẩu những sản phẩm trên phần lớn thuộc về các doanh nghiệp FDI. Về nhập khẩu, chúng ta vẫn nhập khẩu xăng dầu từ các nước ASEAN nhưng nhập khẩu linh kiện điện tử đã tăng vọt do nhu cầu phục vụ chuỗi cung ứng sản xuất trong nước.