Cháy chợ Ba Đồn: Tiểu thương thất thần nghĩ cảnh trắng tay, nợ nần
Toàn bộ 24 ki ốt cùng hàng hóa của 19 hộ tiểu thương đều bị thiêu rụi hoàn toàn. Người mất ít cũng vài trăm triệu, người nhiều lên đến vài tỷ đồng. Chỉ sau vài giờ đồng hồ, nhiều tiểu thương rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần...
Ông Nguyễn Văn Sơn, chủ cửa hàng điện cơ Nam Sơn ngồi thất thần trước 2 gian hàng đã bị thiêu thành tro. |
Vụ cháy xảy ra đã làm thiêu rụi hoàn toàn 24 ki ốt của tiểu thương chợ Ba Đồn. Theo những người chứng kiến hỏa hoạn cho biết, vào khoảng 2 giờ sáng 2-1-2015, ngọn lửa bốc cháy từ gian hàng có tên là Việt Lan nằm ở giữa dãy hàng, sau đó nhanh chóng lan sang các các gian hàng bên cạnh.
Ông Lê Thành Sơn, Đội trưởng Đội quản lý và bảo vệ trật tự chợ Ba Đồn cho hay, ngay sau khi phát hiện hỏa hoạn, đội quản lý chợ đã thông báo cho bà con tiểu thương đến di dời hàng hóa và tham gia dập lửa. Lực lượng phòng cháy chữa cháy cũng đã có mặt kịp thời và huy động 8 xe chữa cháy để khống chế, dập lửa.
Tuy nhiên, do thời tiết hanh khô, gió mạnh, những hàng hóa trong dãy ki ốt đều là vật liệu dễ bắt cháy như: sơn, đồ điện, bao bì, đồ nhựa gia dụng nên đám cháy bùng phát và lan nhanh sang các gian hàng bên cạnh.
Có mặt tại chợ Ba Đồn sau vụ cháy, chúng tôi bắt gặp nhiều khuôn mặt thẫn thờ của hàng chục tiểu thương “bỗng nhiên” trắng tay sau một đêm. Đứng thất thần trước gian hàng bán phụ tùng máy móc đã bị “bà hỏa” thiêu cháy thành tro, chị Nguyễn Thị Bích Hằng cho biết: “Toàn bộ vốn liếng tôi đều dồn để lấy hàng Tết, vừa mới nhập về hôm trước chưa kịp bán thì đã bị thiêu rụi. Gần một tỷ đồng mất trắng trong 1 đêm, giờ không biết xoay xở như thế nào nữa”.
Vụ cháy đã thiêu rụi 24 ki ốt của các tiểu thương, ước tính thiệt hại gần 30 tỷ đồng. |
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết thêm, hầu hết các ki ốt đều chứa đầy hàng hóa được các tiểu thương dự trữ để bán dịp Tết nguyên đán Ất Mùi 2015 nên thiệt hại về tài sản là rất lớn. Ngồi nhìn gian hàng ngổn ngang đổ nát, khói vẫn bốc lên âm ĩ, ông Nguyễn Văn Sơn nói trong nước mắt: “Hai ki ốt của gia đình đều bị thiêu rụi hoàn toàn. Ước tính thiệt hại gần 2 tỷ đồng. Toàn bộ vốn liếng tích góp cả đời đều nằm ở đây, vậy mà bỗng chốc biến thành tay trắng. Rồi sổ sách công nợ và bán hàng cũng bị cháy sạch, giờ không biết bắt đầu lại từ đâu nữa”. Còn bà Trần Thị Tầm, chủ cửa hàng Minh Tầm chuyên bán đồ sành sứ, nhựa gia dụng thì ngồi bệt xuống đất, thi thoảng lại khóc nấc thành tiếng.
Bà kể lại: “Khi hay tin chợ bị cháy, tôi cùng chồng chạy ra chợ ngay nhưng đành bất lực nhìn đám cháy lan sang gian hàng của mình. Ngọn lửa cháy lan từ mái, khói bốc lên nghi ngút nên không thể vào bên trong dời hàng ra được vì cửa đóng chặt. Lô hàng vùa nhập về bán Tết phải đi vay mượn, chất đầy kho chưa kịp bán thì đã thành tro tàn hết cả rồi”.
Không riêng gì ông Sơn và bà Tầm, nhiều tiểu thương cũng đứng ngồi không yên vì mất của. Chỉ sau vài tiếng đồng hồ họ bỗng chốc trở thành trắng tay, rơi vào cảnh nợ nần.
Ông Trần Văn Lợi, Trưởng ban quản lý các công trình công cộng thị xã Ba Đồn cho biết, vụ cháy đã gây thiệt hại lớn cho 24 ki ốt của 19 hộ tiểu thương kinh doanh ở dãy phụ Tây đình số 1. Trong đó, 23 gian hàng bị thiêu rụi hoàn toàn, ước tính thiệt hại ban đầu lên đến gần 30 tỷ đồng. Cũng theo ông Lợi, từ khi xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 1993 đến nay, đây là vụ cháy lớn nhất và gây thiệt hại nặng nề nhất ở chợ Ba Đồn. Hiện nguyên nhân vụ cháy đang được các lực lượng chức năng điều tra làm rõ.
Ngay sau vụ cháy, sáng cùng ngày, lãnh đạo thị xã Ba Đồn đã tiến hành họp khẩn cấp, chỉ đạo bộ phận chuyên môn họp bà con tiểu thương để thống kê thiệt hại, đưa ra các hướng giải quyết giúp bà con yên tâm buôn bán.
Nhiều người bới móc trong đống đổ nát hi vọng tìm được ít hàng hóa còn sót lại. |
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Luận, Chủ tịch UBND thị xã Ba Đồn cho biết: Sau khi nhận được tin về vụ cháy, ngay trong đêm lãnh đạo thị xã đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị, lực lượng chức năng tham gia chữa cháy, bảo vệ tài sản cho nhân dân.
Trước mắt, UBND thị xã đã hỗ trợ 5 triệu đồng cho mỗi hộ tiểu thương bị thiệt hại. Với những gian hàng đã bị phá hủy hoàn toàn, địa phương sẽ lên phương án giúp các tiểu thương dọn dẹp, xây dựng lại để tiếp tục hoạt động kinh doanh buôn bán và ổn định cuộc sống.
“Chợ Ba Đồn được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 1993 với diện tích gần 4,6ha. Chợ có 3 đình chính và các ki ốt bao quanh được bán lâu dài cho các hộ kinh doanh. Các phần đất trống còn lại tạo nên những bãi chợ trời, phân vùng kinh doanh để bán các mặt hàng theo quy định như: khu vực bán cá, hoa quả, nông sản, dụng cụ, chợ bò, chợ xe đạp...
Ngoài hiệu quả kinh tế, chợ Ba Đồn còn là nơi giải quyết công ăn việc làm cho một lượng lớn lao động nông thôn. Hiện chợ đang thu hút khoảng 1.400 tiểu thương buôn bán cố định và lưu động tại chợ, trong đó số lượng người bán cố định chiếm khoảng 80%”.
H.Chi-X.Phú/Báo Quảng Bình