Cuộc sống hiện tại của bệnh nhi Hoàng Tuấn Minh. |
Ngay lúc đó, gia đình xin cho cháu về để được chết ở nhà, đồng thời, huyệt đạo, quan tài cho cháu bé đã được sẵn sàng để có thể đưa cháu bé đi bất kỳ lúc nào.
Tuy nhiên, về nhà, cháu Minh vẫn còn dấu hiệu nhỏ nhoi của sự sống. Bà nội Minh là bà Nguyễn Thị Trâm kể tiếp, lúc thay quần áo cho cháu, bà phát hiện ra có một chiếc kim truyền trên mu bàn chân cháu chưa được rút ra (dù thời điểm đó, cháu không truyền bất cứ dung dịch nào trên người). Ngay lập tức, máu trong cơ thể Tuấn Minh chảy ra. Gia đình thấy lóe lên hi vọng nên đã gọi xe cấp cứu đưa cháu bé lên Bệnh viên Nhi Trung TW để điều trị tiếp.
Đến đây, các bác sĩ cũng chẩn đoán Minh bị viêm cơ tim, đồng thời lúc này cháu đã bị suy nội tạng nên khẳng định là 9 phần sẽ chết, chỉ có 1 phần sống được. Nhưng, chỉ cần còn 1 tia hi vọng, bệnh viện vẫn giữ cháu lại để cứu chữa. "Ngày 19/9, Minh bắt đầu có triệu chứng chảy máu mũi, miệng, hậu môn, các bác sĩ lắc đầu", bà Trâm nói.
Lúc này, gia đình đã chuẩn bị tinh thần tiễn cháu đi, nhưng được thông báo chuẩn bị tiền cho cháu lọc máu. Sau 2 ngày được lọc máu, cơ thể cháu bé đã hồng hào hơn, đi tiểu được, Hoàng Tuấn Minh đã vượt qua lưỡi hái tử thần và sống sót một cách diệu kỳ.
Theo lời chị Thương, trả lời về việc Hoàng Tuấn Minh sống sót, một bác sĩ bệnh viện Nhi TW cho biết, cháu bé bị viêm cơ tim do virus nên có cơ may cứu chữa được, nếu viêm cơ tim bẩm sinh thì các bác sĩ cũng đành bó tay.
Nhắc tới giai đoạn cháu Minh được chữa trị ở bệnh viện Xanh Pôn, chị Thương nói, tới bây giờ, gia đình vẫn băn khoăn, vì sao khi Minh vẫn còn đang sống, các bác sĩ ở bệnh viện này trả cháu về với gia đình? Tại sao các bác sĩ ở đây không lọc máu để cứu sống cháu như cách mà các bác sĩ ở Bệnh viện Nhi TW đã làm?
Bác sĩ điều trị cho Hoàng Tuấn Minh: Đây là trường hợp hy hữu
Để giải đáp những thắc mắc của chị Thương, chúng tôi đã tìm gặp bác sĩ TK1 Nguyễn Trung Thành, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, đồng thời là bác sĩ trực tiếp chữa trị cho bệnh nhi Hoàng Tuấn Minh. Ông cho biết, khi nhập viện tình trạng của Hoàng Tuấn Minh đã khá nặng. Bản thân bệnh viêm cơ tim ở bệnh nhi là một bệnh có tiến triển cực kỳ nhanh. Do đó, sau một thời gian ngắn cháu nằm ở bệnh viện, tình trạng cháu yếu đi trông thấy là điều dễ hiểu.
Trong hơn 1 ngày từ lúc nhập viện đến khi ra viện, cháu Minh đã có 3 lần tim ngừng đập. Đồng thời các chỉ số sinh tồn đều ở trạng thái báo động, nhịp tim luôn trên 200 nhịp/phút, đồng tử dãn,…Do đó, bản thân bác sĩ tiên lượng rằng, bệnh nhi này không thể qua khỏi. Tuy nhiên, bác sĩ Thành chỉ đồng ý cho bệnh nhân này xuất viện khi gia đình có nguyện vọng được đưa cháu về để được “ra đi” ở nhà.
Để chứng minh rằng gia đình chị Thương đã chủ động xin cho cháu bé về nhà, bác sĩ Thành đã cho chúng tôi xem hồ sơ bệnh án của cháu Hoàng Tuấn Minh, trong đó có nguyện vọng được cho con về của bố cháu được viết tay rõ ràng. Bác sĩ Thành khẳng định một lần nữa, việc ông cho cháu Minh xuất viện dựa trên 2 cơ sở. Đó là nguyện vọng của gia đình và sự tiên lượng của bác sĩ rằng cháu Minh không thể thoát chết.
Giải thích lý do không cho gia đình chuyển viện cho bệnh nhi, bác sĩ nói, với các chỉ số số sinh tồn của Hoàng Tuấn Minh thời điểm đó, chỉ cần rút máy móc ra là có thể chết ngay tức khắc. Như vậy, việc chuyển viện là không thể và không an toàn. Tuy nhiên, từ khi Minh vào đến khi ra viện, chưa bao giờ ông thấy gia đình nói rằng muốn xin chuyển viện, ông Thành khẳng định.
Sự khác biệt duy nhất trong cách điều trị giữa bệnh viện Nhi TW và bệnh viện Xanh Pôn đối với Hoàng Tuấn Minh nằm ở quyết định lọc máu và không lọc máu. Đây cũng là điểm mấu chốt đã cứu sống cháu bé. Trả lời câu hỏi tại sao các bác sĩ ở bệnh viện Xanh Pôn không lọc máu cho bệnh nhân, bác sĩ Thành nói: Trong phác đồ điều trị bệnh viêm cơ tim cho trẻ sơ sinh của Bộ Y tế không cho phép lọc máu cho bệnh nhân. Bệnh viện tuyến thành phố như Xanh Pôn chỉ có thể làm những điều mà Bộ Y tế cho phép.
Nói về sự hồi sinh của Hoàng Tuấn Minh, bác sĩ Thành gửi lời chúc mừng gia đình và cháu bé. Ông nói, khi cháu ở bệnh viện Xanh Pôn, các bác sĩ đã cứu chữa tận tâm, tận lực. Việc một bệnh nhi mắc viêm cơ tim như Minh có thể qua ải tử thần là điều hy hữu mà 30 năm hành nghề, ông chưa bao giờ gặp.
Theo Giáo Dục Việt Nam