Châu Á sẽ đón nhận một cuộc khủng hoảng tài chính mới?
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng dự đoán rằng sự sụp đổ hoàn toàn là điều khó xảy ra do điều kiện kinh tế và thị trường hiện tại đã có nhiều sự khác biệt so với các cuộc khủng hoảng trước đó, kể cả cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Á năm 1997-1998.
Tại Singapore, các nhà đầu tư đang phải chứng kiến sự "rung lắc" dữ dội của thị trường khu vực, với chỉ số Straits Times Index mất 15,2% trong vòng một tháng qua, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6/2012.
Sự sụt giảm không phanh này là do những lo ngại đối với Trung Quốc, về việc nước này phá giá đồng nhân dân tệ, tăng trưởng chậm và ngành xuất khẩu đi xuống.
Cổ phiếu đồng loạt sụt giảm thời gian gần đây. |
Trong vòng một tháng qua, đồng đô-la Singapore đã mất giá 3% so với đồng đô-la Mỹ, trong khi đồng ringgit của Malaysia giảm tới 11% so với USD. Tỉ giá dầu thô toàn cầu Brent cũng xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 6 năm qua.
Các tin tức kinh tế không mấy sáng sủa như vậy liên tiếp ập đến, gợi lại những ký ức về các cuộc khủng hoảng tài chính trước kia, gồm cả cuộc khủng hoảng tiền tệ trong khu vực châu Á những năm 1990.
Nhà đầu tư Chung Chun He nhận định: “Rất nhiều nhà đầu tư bán lẻ cảm thấy bất an và họ đang băn khoăn liệu châu Á có đứng trên bờ vực của một cuộc khủng hoảng toàn diện nữa hay không?”.
Có một số điểm tương đồng giữa tình hình hiện tại và cuộc khủng hoảng cuối cùng trong những năm 1990. Trung Quốc tiến hành phá giá đồng nhân dân tệ xuống mức thấp nhất lần cuối là vào năm 1994 khi Mỹ tăng tỉ lệ lợi tức. Tuy nhiên, các nhà quan sát thị trường và các nhà kinh tế học không cho rằng Singapore cũng như phần còn lại của châu Á sẽ sụp đổ hoàn toàn trong thời điểm hiện nay.
Bà Kum Soek Ching, trưởng nhóm nghiên cứu quản lý tài sản và ngân hàng tư của Credit Suisse, cho rằng, mặc dù thị trường đang chao đảo bởi hàng loạt các quỹ rút vốn khỏi khu vực nhưng việc đề cập đến một cuộc khủng hoảng tại thời điểm hiện tại vẫn còn quá sớm.
“Các thị trường châu Á đang điều chỉnh tăng giá so với USD cũng như đối phó với đồng nhân dân tệ yếu của Trung Quốc. Trong số các quốc gia châu Á, Singapore phải đối mặt với cả hai nguy cơ do mối liên hệ mật thiết với đồng USD cũng như quan hệ thương mại đối với Bắc Kinh. Tuy nhiên, với vị thế kinh tế hiện tại, Singapore chắc chắn sẽ không chịu quá nhiều tổn thương”, bà Kum nói.
Trưởng nhóm kinh tế học Ngân hàng Trung ương Singapore, Richard Jerram cho rằng kinh tế khu vực châu Á hiện tại rất khác biệt so với thời điểm cuối những năm 1990. “Châu Á giờ đây ổn định hơn rất nhiều, với các thặng dư bên ngoài, dự trữ ngoại hối lớn và khó bị đổ vỡ bởi các khoản nợ nước ngoài”.
Leong Wai Ho, nhà phân tích đến từ Barclays, cho rằng: “Thị trường có thể đang phản ứng thái quá. Sự hồi phục kinh tế của Mỹ và châu Âu khá nhanh và vững chắc. Châu Á chắc chắn phải lo ngại về Trung Quốc nhưng những vấn đề như thời gian hiện nay không phải là mới và sẽ không thể khiến kinh tế châu Á bị đánh bật ra khỏi đà tăng trưởng”.
Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn khuyên những nhà đầu tư cần quan sát cẩn thận mọi tình huống trong giai đoạn không thể nói trước được điều gì này. “Vẫn còn quá sớm để nói về một cuộc khủng hoảng toàn diện nhưng trong giai đoạn trước mắt nền kinh tế sẽ khó đón nhận những dấu hiệu tích cực”, ông Chung kết luận.
Nội dung được thực hiện dựa trên thông tin do News Straits Times đăng tải. News Straits Times là một trong những tờ báo điện tử uy tín nhất của Malaysia.