Chất lượng kém, người dân phá dỡ công trình
Với lý do chất lượng bê tông kém, nạo vét lòng cống không bảo đảm độ cứng cốt nền, một số người dân xã Hoàng Ninh, huyện Việt Yên (Bắc Giang) đã tố giác, đồng thời du đổ hệ thống cống thoát nước đoạn phố Phúc Lâm vừa hoàn thiện, buộc đơn vị thi công phải xây dựng lại.
Một trong những đoạn cống thoát nước bị người dân phá dỡ. |
Có mặt tại phố Ga Sen Hồ, xã Hoàng Ninh đúng thời điểm công trình xây dựng hệ thống thoát nước dọc hai bên đường đang ngổn ngang, chúng tôi được chứng kiến nỗi bức xúc của người dân.
Ông Trần Văn Khiển, người dân sở tại phản ánh: "Công trình thi công chất lượng rất kém. Nắp cống đoạn từ Bưu điện Ga Sen Hồ đến UBND xã Hoàng Ninh bê tông dày hơn 10 cm mà chỉ cần cầm hòn gạch đập đã vỡ".
Cũng theo ông Khiển, không chỉ nắp cống kém chất lượng, việc thi công rất ẩu. Đoạn cống chạy qua cửa nhà ông, công nhân chưa vét hết đất bùn đã đổ vữa xây mặt đáy. Nhiều người dân ở đây kiên quyết dừng không cho thi công, sau đó họ mới làm nghiêm túc.
Người dân thôn Phúc Lâm cũng bức xúc không kém khi thấy chất lượng công trình không bảo đảm. Bà Bùi Thị Xiêm, người trong thôn cầm một mảnh bê tông lên nói: "Bê tông chủ yếu là cát, rất ít xi măng, bẻ tay cũng rời từng mảng. Nhiều đoạn vừa xây xong đã nứt vỡ nên chúng tôi yêu cầu thợ phá đi làm lại".
Còn ông Nguyễn Văn Toán, cùng ở thôn Phúc Lâm cho rằng, với chất lượng thi công kém như vậy, rãnh thoát nước không khác gì cái bẫy gây nguy hiểm với người và phương tiện qua lại khi đưa vào sử dụng. Chính vì vậy, trong những ngày qua, công trình ở khu phố Phúc Lâm vừa xây lên đã bị người dân du đổ.
"Chúng tôi làm việc theo yêu cầu của nhà thầu, họ bảo dùng gạch nào, pha tỷ lệ cát với xi măng ra sao, chúng tôi làm thế. Chất lượng công trình do nhà thầu tính toán với chủ đầu tư. Chúng tôi chỉ biết tính ngày công"- anh Hoàng Doãn Ba, một thợ xây cho biết.
Làm việc với phóng viên, ông Đỗ Ngọc Mong, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Ninh thừa nhận: "Đúng như người dân phản ánh, chất lượng công trình rất kém. Bê tông trộn tỷ lệ xi măng, cát không bảo đảm; nhiều đoạn nạo vét chưa hết đất bùn đã đổ bê tông lên xây mặt đáy cống. Vì thế, người dân trong khu vực đã bức xúc phá bỏ một số đoạn cống". Cũng theo ông Mong, khi người dân phản ánh, UBND xã đã mời cơ quan chức năng huyện Việt Yên, đơn vị thi công, chủ đầu tư để lập biên bản, yêu cầu thi công lại.
Dự án cải tạo nâng cấp đường 295B đoạn từ Km16, xã Hoàng Ninh đến thị trấn Nếnh dài 3,5 km do Sở Giao thông - Vận tải làm chủ đầu tư. Tổng kinh phí 29,6 tỷ đồng. Công trình ngoài rải bê tông nhựa mặt đường rộng 11m còn làm rãnh thoát nước hai bên (thuộc khu vực dân cư). Công ty xây dựng Đồng Tâm (Hà Nam) thi công, dự kiến trong 18 tháng hoàn thành và bắt đầu khởi công từ tháng 10.
Theo ông Hoàng Thanh Tùng, Phó Trưởng Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông (Sở Giao thông - Vận tải), vừa qua, bộ phận giám sát nhận được phản ánh công trình làm ẩu, không bảo đảm chất lượng ở một số đoạn nên đã yêu cầu nhà thầu phải phá bỏ làm lại. "Chúng tôi đã tăng cường đội ngũ giám sát tại những vị trí thi công, kiên quyết không cho nhà thầu thi công vật liệu không bảo đảm tiêu chuẩn" - ông Tùng cho biết thêm.
Như vậy, việc người dân phản ánh công trình xây rãnh thoát nước khu vực xã Hoàng Mai kém chất lượng là có cơ sở. Đơn vị thi công đã làm lại những đoạn người dân yêu cầu. Tuy nhiên dư luận đặt câu hỏi những đoạn công trình không thuộc khu dân cư, người dân không giám sát, chất lượng thế nào? Vấn đề đặt ra ở đây là đơn vị thi công công trình không bảo đảm chỉ bị yêu cầu làm lại. Trách nhiệm của đơn vị giám sát thi công ở đâu khi để người dân tự phát giác phá dỡ mới làm lại là những vấn đề cần được chủ đầu tư làm rõ.
Nhóm PV/Báo Bắc Giang