Chàng trai Vĩnh Long khởi nghiệp từ vỏ bưởi
Tận dụng nguồn nguyên liệu bưởi và vỏ bưởi có sẵn tại địa phương để làm ra sản phẩm, ý tưởng khởi nghiệp này không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm mà còn góp phần giải quyết vấn đề tồn đọng phế phẩm nông sản...
Anh Nghiệm với lòng đam mê khởi nghiệp từ nguyên liệu địa phương. |
Đam mê khởi nghiệp từ vỏ bưởi
Với mong muốn tạo ra sản phẩm có giá trị về kinh tế cho người sản xuất và giá trị về sức khỏe đối với người tiêu dùng, anh Lê Thành Nghiệm (33 tuổi)- Chủ Cơ sở sản xuất tinh dầu Thiên Hoa Xuân (ấp Mỹ Thới 2, xã Mỹ Hòa- TX Bình Minh) đã tận dụng vỏ bưởi- nguyên liệu tưởng chừng như chỉ có thể bỏ đi- có sẵn tại địa phương để tạo ra tinh dầu.
Nói về cơ duyên gắn bó với bưởi, anh Nghiệm chia sẻ: Là người con của vùng đất Mỹ Hòa, anh Nghiệm chuyên buôn bán kinh doanh bưởi và bưởi ép ở TP Hồ Chí Minh nên hàng ngày phải bỏ vỏ bưởi số lượng lớn.
Tình cờ biết được tinh dầu từ vỏ bưởi có thể giúp giảm rụng tóc nên anh có ý định sản xuất tinh dầu bưởi. Từ năm 2014 bắt đầu nghiên cứu và đến năm 2017, anh Nghiệm trở về quê bắt tay sản xuất.
Theo anh Nghiệm, TX Bình Minh là vùng có diện tích trồng bưởi lớn, sản lượng tiêu thụ tăng hàng năm, nên số lượng vỏ bưởi thải ra môi trường rất lớn. Tuy nhiên, thời gian qua, vỏ bưởi là một phế thải nông nghiệp chưa được tận dụng.
“Bưởi không chỉ được trồng để lấy trái mà mỗi bộ phận của nó đều có những công dụng hữu ích khác nhau như: lá bưởi dùng để xông giải cảm hay xua đuổi côn trùng, hoa bưởi nấu lên lấy nước gội đầu giúp tóc mềm mượt, cùi trắng của bưởi dùng làm chè bưởi giải nhiệt,…
Đặc biệt, tinh dầu từ vỏ bưởi có những công dụng tốt trong chăm sóc tóc và da đầu. Nếu biết tận dụng thì vừa có thể hạn chế ô nhiễm môi trường góp phần nâng cao giá trị sản phẩm bưởi”- anh Nghiệm chia sẻ.
“Lúc mới bắt tay khởi nghiệp, tôi cũng khá lo lắng bởi nhiều nơi sản xuất đòi hỏi đầu tư dây chuyền công nghệ, mình chỉ là cơ sở nhỏ. Nhưng với đam mê, tìm hiểu kỹ, tôi bắt tay vào nấu bằng nồi nhỏ.
Lúc đầu chiết xuất hoài không đạt, khó nhất là khâu tách dầu nhưng tôi không bỏ cuộc, tiếp tục nghiên cứu, mày mò rồi cũng ra được những mẻ tinh dầu đầu tiên.
Chiết xuất tinh dầu bằng vỏ bưởi Năm Roi được nhiều người ưa chuộng bởi mùi hương dịu nhẹ hơn làm bằng vỏ bưởi da xanh. Tôi mang cho người thân, bạn bè sử dụng, ai cũng đánh giá tốt”- anh Nghiệm phấn khởi khoe.
Theo anh Nghiệm, để làm ra 1 lít tinh dầu phải cần từ 230- 250kg nguyên liệu vỏ bưởi, nhưng do là cơ sở nhỏ nên hiện mỗi tháng anh Nghiệm cung cấp cho thị trường số lượng cũng còn khá khiêm tốn từ 20- 25 lít, thị trường tiêu thụ chủ yếu ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng,...
Dịch bệnh vừa rồi cũng ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ nên anh Nghiệm cũng đã đẩy mạnh giới thiệu sản phẩm qua kênh online như: Facebook, Zalo, Instagram,...
“Tôi nhận thấy nhu cầu thị trường với dòng sản phẩm này còn rất lớn nên thời gian tới, tôi sẽ mở rộng quy mô sản xuất đầu tư máy móc, bao bì sản phẩm, tham gia sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, đồng thời, tích cực giới thiệu quảng bá đưa sản phẩm đến gần với nhiều người tiêu dùng thông qua các hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại, gian hàng đặc trưng...”- anh Nghiệm cho hay.
Mong muốn lan tỏa tinh thần khởi nghiệp
Cũng với ý tưởng khởi nghiệp từ những loại trái cây đặc sản của quê hương TX Bình Minh, chị Phạm Thị Phượng- Chủ hộ sản xuất và kinh doanh các mặt hàng từ bưởi (xã Mỹ Hòa- TX Bình Minh) cũng đã thành công trong việc nâng cao giá trị của bưởi- “tài nguyên bản địa” của địa phương.
Sản phẩm của chị Phượng ngày càng được nhiều người biết đến. |
Theo chị Phượng, khởi nghiệp ở tuổi tứ tuần, đòi hỏi quyết tâm khởi nghiệp rất cao. Theo đó, khi bắt tay vào việc chị đặt ra mục tiêu: phải vừa giúp bà con nhà vườn giải quyết đầu ra bưởi, nâng cao giá trị cây bưởi, tạo ra thực phẩm tốt cho sức khỏe người tiêu dùng, hạn chế ô nhiễm môi trường và hơn hết là có thể góp phần lan tỏa tinh thần đến phụ nữ địa phương tự tin và mạnh dạn khởi nghiệp.
Chị Phượng chia sẻ: “Lúc đầu làm gặp nhiều khó khăn, do sản phẩm mới lạ, chưa quen với thị trường. Nhờ kiên trì tiếp thị, giới thiệu sản phẩm, dần dần được người tiêu dùng tin tưởng và sử dụng nhiều. Rồi thị trường ngày càng mở rộng cho tới nay. Từ đó, sản lượng sản xuất cũng ngày càng tăng, mỗi tháng tiêu thụ từ 2.000- 3.000 hộp vỏ bưởi sấy”.
Chưa dừng ở đó, chị Phượng còn đang cho ra thị trường 2 dòng sản phẩm mới là trà vỏ bưởi túi lọc và nước cốt bưởi lên men.
Chị Phượng cho hay: “Tôi mong muốn làm ra nhiều sản phẩm tốt hơn, đa dạng hơn để đáp ứng nhu cầu của thị trường, bởi tôi nhận thấy thị hiếu khách hàng rất ưa chuộng các dòng sản phẩm này. Thêm vào đó đây là những dòng sản phẩm ít ai làm, tôi cũng làm theo cách riêng nên không lo đụng hàng”.
“Dòng sản phẩm trà túi lọc nghiên cứu vài tháng thì có thành phẩm bởi đã làm được công đoạn sấy, chỉ cần nghiên cứu thêm cách xay làm trà. Tuy nhiên dòng sản phẩm nước cốt lên men phải nghiên cứu hơn 1 năm mới ra thành phẩm, cũng nhiều lần thất bại mới thành công.
Hiện tôi đang hoàn thiện thiết kế bao bì, mã code sản phẩm và cho ra mắt thị trường vào dịp 30/4- 1/5 này”- chị Phượng phấn khởi nói.
Kinh nghiệm khởi nghiệp của anh Nghiệm và chị Phượng là: Từ nguyên liệu của địa phương có rất nhiều lợi thế, bởi chúng ta hiểu rõ được đặc tính của sản phẩm, không lo thiếu hụt nguyên liệu và có thể chủ động chọn ra nguồn nguyên liệu tốt để làm ra sản phẩm.
“Nhưng để khởi nghiệp thành công, đòi hỏi phải có quyết tâm cao, đam mê lớn và quan trọng là cần tiếp cận tư duy đổi mới, không đi theo lối mòn, có hướng đi riêng, biết cách khai thác, mở rộng kết nối, nâng tầm sản phẩm của mình”- chị Phượng chia sẻ.
Tỷ phú cá chạch lẩu ở miền Tây
Giá cá chạch lấu thương phẩm đang được thương lái mua khoảng 300.000 đồng/kg, anh Trần Thanh Hùng (tỉnh Tiền Giang) đã trở thành tỉ phú với cá chạch lấu - giống cá có giá trị thương phẩm cao.
Theo báo Vĩnh Long